Tăng vốn điều lệ là một trong những câu chuyện nóng mỗi mùa Đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng. Tính đến cuối quý I/2023, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 876.993 tỷ đồng.
Trong đó, vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chiếm hơn 50%, đạt 190.433 tỷ đồng, còn khối ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 469.409 tỷ đồng.
Kế hoạch tăng vốn của nhóm Big 4
Trong nhóm các ngân hàng quốc doanh, BIDV là ngân hàng có vốn lớn nhất, với vốn điều lệ hiện đạt 50.585 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước là 40.967 tỷ đồng, chiếm 80,99% vốn điều lệ.
Trong năm 2023, BIDV đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng theo 2 đợt phát hành. Cụ thể, đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tỉ lệ 12,69% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2022; vốn điều lệ sẽ tăng thêm hơn 6.419 tỷ đồng.
Đợt 2, BIDV phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022), vốn điều lệ theo phương án này sẽ tăng thêm 4.552 tỷ đồng.
Theo sau BIDV là VietinBank với vốn điều lệ hiện là 48.057 tỷ đồng, trong đó cổ đông là Nhà nước nắm giữ 64,46% Trước đó, Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của VietinBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 48.000 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Còn trong năm 2023, VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016.
Nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến tỉ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Vốn điều lệ sẽ tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp tại thời điểm phát hành, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ đồng, Vietinbank sẽ chia cổ tức là tỉ lệ 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 trong nhóm Big 4 là Vietcombank với vốn điều lệ hiện tại 47.325 tỷ đồng, nhà nước nắm giữ 74,8% vốn điều lệ.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, ngân hàng này đang triển khai 3 nội dung tăng vốn gồm tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỉ lệ phát hành 18,1% đã được Chính phủ thông qua.
Ngày 19/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua phương án tăng vốn của Vietcombank. Theo đó, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nữa, Vietcombank sẽ hoàn thành việc tăng vốn.
Agribank hiện đang có số vốn điều lệ khiêm tốn nhất nhóm này với 34.446 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào ngày 25/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.
Vốn bổ sung cho Agribank sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.750 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.350 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
VPBank dẫn đầu quy mô vốn lớn nhất hệ thống
Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank đang là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống với hơn 67.000 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, trong năm nay, VPBank dự kiến bán 30,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 302,2 tỷ đồng. Tỉ lệ phát hành dự kiến là 0,45%.
Về phát hành cổ phiếu tăng vốn, VPBank sẽ bán 1,19 tỷ cổ phiếu cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation với giá 30.159 đồng/cổ phiếu, theo thỏa thuận vừa ký kết hôm 27/3. Số tiền thu về là 35.904 tỷ đồng.
Sau các đợt phát hành, vốn điều lệ VPBank sẽ tăng lên gần 80.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu dù các ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn.
Ngân hàng đứng thứ 2 về vốn điều lệ trong khối ngân hàng tư nhân là MB với 37.983 tỷ đồng. Trong năm nay, MB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 53.683 tỷ đồng bằng phương án chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu.
Các ngân hàng khác cũng đồng loạt có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Theo đó, LPB muốn tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu.
TPBank tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, tương đương tăng 39% thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, SHB tăng lên 36.600 tỷ đồng; HDBank tăng lên 29.300 tỷ đồng; VIB tăng lên 25.368 tỷ đồng; SeABank tăng lên 20.403 tỷ đồng; Bac A Bank tăng lên 9.000 tỷ đồng…
Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, qua đó sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn đang dần bị siết lại.
Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong môi trường kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng.
Việc tăng vốn còn tạo cơ sở, điều kiện để các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.