Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Nghị định này hiệu lực thi hành từ 15/1/2024.
Theo Nghị định số 83, khi phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước có thể chọn các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý, thay vì bán trực tiếp và thanh toán cho người mua như trước đây.
Các ngân hàng muốn trở thành đại lý bán trái phiếu Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngân hàng phải có chức năng cung cấp dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, các ngân hàng phải có mạng lưới hoạt động đáp ứng việc phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ; phương án tổ chức phân phối và thanh toán trái phiếu đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.
Năm nay, Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu huy động 400.000 tỷ đồng qua trái phiếu Chính phủ, gồm lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Con số này bằng kế hoạch phát hành ban đầu năm ngoái và gấp gần 2 lần sau điều chỉnh mục tiêu.
Số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hay, đến cuối tháng 10, Kho bạc Nhà nước huy động được hơn 264.359 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch năm. Kỳ hạn phát hành bình quân 12,33 năm; thời gian đáo hạn trung bình 9,19 năm và lãi suất 3,44% một năm. Quý IV sẽ có thêm lô trái phiếu trị giá 130.000 tỷ đồng được Kho bạc Nhà nước đấu thầu.
Bộ Tài chính cho biết cơ quan này sẽ bám sát tình hình thu, giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách Trung ương, để tổ huy động vốn trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp.
Công Hiếu