Dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng cao hơn cả nước
Ngày 28/9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong quý III năm 2023, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, triển khai nhiều gói vay ưu đãi, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh,…
Đến cuối tháng 31/8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 154 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%). Trong đó:
Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất tăng 8,87%, chiếm 36,58% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh, tiếp theo là ngành thương mại dịch vụ, tăng 4,63%, chiếm tỷ trọng cao nhất 60,41% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có sự sụt giảm, trong đó dư nợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm 6,3%, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giảm 9,78%.
Tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) giảm 23,79%; trong đó tín dụng kinh doanh BĐS chiếm gần 53%, giảm 2,64%, dư nợ tín dụng BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm mạnh 38,59%.
Một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng được các TCTD tập trung cung ứng tín dụng với tổng hạn mức cấp tín dụng là 3.193 tỷ đồng.
Một số chương trình, chính sách tín dụng trên địa bàn đạt kết quả tích cực như cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tín dụng chính sách ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội, cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31,… Bên cạnh đó, các TCTD đã thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 cho khách hàng trên địa bàn tỉnh là 294 tỷ đồng cho hơn 88 lượt khách hàng.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã chủ động triển khai buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên địa bàn tỉnh vào tháng 6 năm 2023, góp phần tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả trên cho thấy, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có sự tăng trưởng khá hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng tại tỉnh Bắc Ninh
Mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Bắc Ninh nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như:
Trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành Ngân hàng.
Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…); TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của tỉnh. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xem xét ưu tiên cấp tín dụng theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại với giá rẻ.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, trọng tâm là Chương trình HTLS 2% qua hệ thống NHTM, các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…). Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.
Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết: “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Với những giải pháp của ngành Ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững”.