Nhằm kiềm chế lạm phát, vừa qua, Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia đã đồng loạt tăng lãi suất. Đơn cử, trong tháng 3/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) một lần nữa nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đây là lần nâng lãi suất thứ 9 của FED trong vòng 1 năm qua.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/3 cũng quyết định nâng các mức lãi suất chính thêm 50 điểm cơ bản (0,5%).
Ngược lại với xu hướng chung của thế giới, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giảm một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm…
Phân tích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết: Việc FED hay ECB tăng lãi suất đều có mục đích chung là hạ nhiệt lạm phát.
“Mặc dù các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh trong năm 2022, nhưng lạm phát năm 2023 dù có giảm vẫn ở mức cao. Do đó, việc tăng lãi suất là cần thiết”, bà Hạnh nói.
Ngược lại, tại Việt Nam, các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát đều nằm trong ngưỡng ổn định.
“Trong khi nhiều nước trên thế giới phải căng mình chống lạm phát, rất khó khăn để lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát, thì Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 của Việt Nam tăng 3,35%; tính chung 3 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước”, bà Hạnh nói.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát được kiểm soát rất tốt, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh dạn giảm lãi suất điều hành. Động thái này sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khắc phục khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất – kinh doanh.
“Ở Việt Nam, lạm phát vẫn là nguy cơ đối với nền kinh tế năm 2023, do áp lực từ diễn biến phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới, khan hiếm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất gia tăng. Với một nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, mọi biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới nền kinh tế”, bà Hạnh chia sẻ.
Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhấn mạnh: Trong bối cảnh xu hướng nâng lãi suất vẫn là chủ đạo trên thế giới, thì Việt Nam đi ngược xu hướng không phải là sự liều lĩnh, mà tất cả đã được tính toán.
“Điều này thể hiện sự theo dõi sát sao, bám sát tình hình, diễn biến nền kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để có phản ứng chính sách kịp thời, nhằm hóa giải các khó khăn, thách thức, tạo điều kiện tối đa cho nền kinh tế phục hồi và phát triển và nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra”, bà Hạnh nhấn mạnh.