Phản ánh những nội dung liên quan đến khó khăn trong việc cấp tín dụng cho bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, trong quá trình thẩm định cấp tín dụng đối với các đơn vị bất động sản, có một vấn đề cần thay đổi trong các văn bản pháp lý, chính sách liên quan các giai đoạn, thực tế phát sinh của các dự án đã được cấp phép nhưng vẫn bị thu hồi sẽ khiến việc thẩm định dự án bất động sản gặp khó.
“Điều này dẫn đến việc ngân hàng không những phải thẩm định hồ sơ pháp lý của dự án mà còn phải rà soát, đánh giá hồ sơ pháp lý qua nhiều năm. Vướng mắc pháp lý khiến thời gian triển khai dự án kéo dài, đẩy chi phí đầu tư tăng, trở thành rào cản tiếp cận vốn vay ngân hàng của các chủ đầu tư”, ông Tùng lý giải.
Thêm vào đó, theo ông Tùng, một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa ứng dụng được vào thực tế, hành lang pháp lý chưa đầy đủ đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua và gây khó khăn cho ngân hàng khi cho vay và nhận tài sản bảo đảm.
Còn về lãi suất, dù lãi suất ngân hàng giảm nhưng giá nhà còn cao, theo ông Tùng đây cũng là nguyên nhân cản trở việc cấp tín dụng bất động sản.
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 2,5% cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng giá bất động sản giảm ít, chưa phù hợp với người mua nhà để ở. Các giao dịch chủ yếu mua đi bán lại, nguy cơ gây bong bóng, rủi ro cho tín dụng bất động sản”, ông Tùng nói.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cũng nhấn mạnh: “BIDV đã 10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, lãi suất cho vay đã giảm trên 20% so với trước. Lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ xoay quanh 6-6,5%, lại suất cho vay trung và dài hạn chỉ 8-9%”.
Với BIDV, các dự án cho vay trung và dài hạn sẽ được định giá lại 3-6 tháng một lần. Với việc lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm theo. Do đó, ở BIDV lãi suất cho vay đã giảm tương ứng với lãi suất huy động.
Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc của tín dụng bất động sản trong thời gian qua chủ yếu là vấn đề về pháp lý. “Không riêng gì các dự án bất động sản mà cả các dự án cho vay tiêu dùng cũng vướng mắc. BIDV thống kê từ năm ngoái đến hiện tại đã duyệt khoảng 26.000 tỷ đồng giá trị các dự án nhưng đến nay mới giải ngân được khoảng 8.000 tỷ đồng. Còn khoảng 18.000 tỷ đồng vẫn đang chờ giải quyết các vướng mắc về pháp lý như cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi giá trị quyền sử dụng đất…”.
Đại diện Ngân hàng Quân đội MBBank, Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh thông tin: “Lãi suất cho vay tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại là thấp nhất từ trước đến nay, kể cả so với thời COVID-19. Lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với bất động sản hiện nay khoảng 9-10% đã là rất thấp so với thị trường thế giới. Cơ bản các khoản vay là ngân hàng đang hòa vốn, để giảm thì phải có thời gian, khi ngân hàng giảm được giá vốn”.
Theo ông Phạm Như Ánh, hầu hết các ngân hàng đều có chu kỳ điều chỉnh lãi suất 3 tháng một lần. Do đó, lãi suất cho vay sẽ nhanh chóng giảm theo lãi suất huy động.
Lãnh đạo MBBank cũng khẳng định họ chưa có bất kỳ chính sách nào để siết chặt việc cho vay bất động sản, thậm chí còn mở rộng hơn về các đối tượng cho vay mua bất động sản.
Vướng mắc lớn nhất của tín dụng bất động sản hiện nay là thủ tục pháp lý. “Ngân hàng hàng kinh doanh rủi ro, do đó rủi ro lớn thì ngân hàng phải thẩm định chặt chẽ hơn. Doanh nghiệp cũng phải cung cấp chính xác, minh bạch về tài chính, nhiều khi doanh nghiệp cung cấp các con số cho ngân hàng thì đẹp nhất, cũng gây khó cho ngân hàng”, ông Ánh nói.
Công Hiếu