ANTD.VN – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đề xuất tháo gỡ vướng mắc thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C).
Trước đó, ngày 12/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 324/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế GTGT đối với hoạt động L/C. Trong đó giao Bộ Tài chính căn cứ quy định của Luật thuế GTGT, Luật các TCTD 2010 và pháp luật liên quan thực hiện thu thuế GTGT đối với hoạt động L/C; xem xét, xử lý việc vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế GTGT đối với hoạt động L/C…
Liên quan đến chỉ đạo này, VNBA cho biết đã nhận được ý kiến phản ánh của các ngân hàng hội viên về những vướng mắc, bất cập, có thể tác động rất nghiêm trọng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng nếu phải tổ chức triển khai kết luận trên của Phó Thủ tướng.
Không phải lỗi do các ngân hàng
Hiệp hội cho biết, về quy định nộp thuế GTGT đối với dịch vụ L/C, căn cứ quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn Luật thuế GTGT thì dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, theo đó từ năm 2011 đến nay, các TCTD không thu thuế GTGT đối với các loại phí liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán của ngân hàng; chỉ thu thuế GTGT đối với các loại phí liên quan đến dịch vụ thanh toán L/C.
Tuy nhiên, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến cho rằng: căn cứ Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010 định nghĩa cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản bao gồm L/C, nên việc các TCTD không kê khai và nộp thuế GTGT đối với dịch vụ L/C là không đúng quy định của Luật thuế GTGT.
Tổng cục Thuế sau đó đã ban hành công văn đề nghị Cục thuế địa phương rà soát kê khai nộp thuế của các TCTD trên địa bàn.
Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng việc từ năm 2011 đến nay, các TCTD không nộp thuế GTGT đối với phí L/C có tính chất cấp tín dụng không phải là lỗi của các TCTD, các TCTD không cố tình vi phạm, không cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Bởi vì bản chất dịch vụ L/C không thay đổi trước và sau ngày 1/1/2011 (thời điểm có hiệu lực của của Luật các TCTD năm 2010). Sau khi Luật các TCTD có hiệu lực, Bộ Tài chính cũng không sửa đổi công văn hướng dẫn việc nộp thuế GTGT; Tổng Cục thuế vẫn giữ nguyên hướng dẫn chính sách thuế GTGT đối với phí L/C.
Các ngân hàng sẽ bị truy thu thuế đối với phí L/C |
Theo VNBA, bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung, TCTD phải liên hệ và thu lại từ khách hàng, khách hàng sẽ không đồng ý vì lý do biểu phí ngân hàng đã niêm yết các mục phí L/C liên quan cấp tín dụng không chịu thuế GTGT. Hơn nữa, nhiều khách hàng đã hoàn tất việc lập báo cáo tài chính, kiểm toán hàng năm.
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể/phá sản nên TCTD không thể thu thuế bổ sung mà phải ghi nhận và theo dõi phải thu trên sổ kế toán và báo cáo tài chính.
Về điều chỉnh hóa đơn và khai bổ sung hồ sơ khai thuế, khi thực hiện truy thu thuế GTGT (nếu có) để nộp vào NSNN, TCTD và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc phát hành hóa đơn điều chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh lại về số liệu đã kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…
Về phía các TCTD, đặc thù hệ thống nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trải dài khắp địa bàn cả nước, trong khoảng thời gian từ 2011 đến nay đã có nhiều sự thay đổi, chia tách, sáp nhập đơn vị, số lượng giao dịch lớn, phát sinh trong thời gian dài, liên quan đến nhiều loại tiền tệ. Vì vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như nguồn lực cho việc rà soát, sao kê, bóc tách, tính toán và tổng hợp số liệu với nguồn dữ liệu rất lớn từ năm 2011 đến nay.
Cùng với đó, nguyên tắc của thuế GTGT là khi các TCTD kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra, các khách hàng doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhập khẩu) sẽ được kê khai, khấu trừ/hoàn thuế GTGT đầu vào tương ứng. Theo đó việc truy thu dẫn đến phát sinh một loạt các thủ tục, chi phí của toàn xã hội phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ/hoàn thuế, tăng vận hành của toàn bộ các doanh nghiệp, TCTD và cơ quan thuế.
Đề xuất hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế
Sau khi có Văn bản số 324/TB-VPCP, cơ quan thuế tại một số địa phương đã yêu cầu các TCTD về nộp thuế GTGT, điều này gây hoang mang, lo lắng cho các chi nhánh của TCTD về việc thực thi các chính sách của nhà nước.
Các ngân hàng cho rằng, do việc truy thu thuế phát sinh từ năm 2011 đến nay, chi phí phạt chậm nộp phát sinh rất lớn (có thể gấp đôi số tiền thuế GTGT phải nộp), các TCTD gặp vướng mắc trong việc hạch toán nguồn nộp thuế đối với tiền phạt chậm nộp và phạt xử lý vi phạm hành chính (nếu có).
“Việc truy thu và phạt chậm nộp các NHTM với số tiền lớn, mà nguyên nhân không phải do lỗi của các ngân hàng gây ra, sẽ là không công bằng cho các ngân hàng, nhất là các ngân hàng từ trước đến nay luôn chấp hành và tuân thủ đúng các quy định pháp luật; đồng thời chính sách này nếu buộc phải thực hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của hệ thống ngân hàng nước ta, đồng thời gây mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam” – VNBA nêu ý kiến.
Căn cứ vào những vướng mắc, bất cập nêu trên và ý kiến kiến nghị của các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép các TCTD hạch toán số tiền thuế GTGT đối với hoạt động L/C truy thu từ năm 2011 đến nay vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN do khoản thuế này là nghĩa vụ của khách hàng mà TCTD không có cơ sở/không thể thu hồi lại được.
Đồng thời, không phải lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế đối với các hóa đơn TCTD đã lập sai thuế suất thuế GTGT
Cho phép TCTD kê khai và nộp thuế GTGT tập trung tại Trụ sở chính, không phải kê khai và nộp thuế về Cục thuế địa phương. Trường hợp cần điều tiết về Cục thuế địa phương, Tổng cục thuế thực hiện điều tiết về cục thuế địa phương.
Không xử phạt chậm nộp thuế GTGT cũng như phạt vi phạm hành chính.
Chỉ đạo Cục thuế địa phương không yêu cầu các TCTD kê khai điều chỉnh và nộp thuế bổ sung cho đến khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.