Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) là nhà băng duy nhất báo lỗ trong quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm 239,578 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lợi nhuận trước thuế 35,984 tỷ đồng trong quý I.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PVCombank đạt 69,675 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, PVCombank đứng thứ 27 về lợi nhuận 6 tháng trong tổng số 30 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính.
Nguyên nhân chính khiến PVCombank ghi nhận lỗ trong quý II là thu nhập lãi giảm 13% so với cùng kỳ, xuống 3.859 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lên đến 205 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 101 tỷ đồng);…
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự nhận được là 4.982 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, trong khi chi phí lãi vay tăng 32% lên 8.255 tỷ đồng.
Mức thu từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm cũng giảm mạnh 36%, chỉ đạt 120 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động quản lý công vụ của PVCombank nửa đầu năm nay tăng lên 1.771 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Riêng chi phí cho nhân viên đến 30/6 tăng 11% lên hơn 998 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình mức chi bình quân đầu người tại PVCombank trong 6 tháng đầu năm là 25 triệu đồng/người/tháng, bao gồm chi lương, thưởng và chi các khoản đóng góp theo lương.
Theo giải trình của PVCombank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý II vừa qua âm là do ngân hàng thực hiện tái cấu trúc tài sản sinh lời, cơ cấu danh mục đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu nên thu thuần từ hoạt động chứng khoán tăng mạnh, đồng thời bổ sung trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.
Theo báo cáo, cho vay khách hàng của PVCombank đến 30/6/2024 đạt 103.836 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cuối năm 2023.
Nợ xấu đã giảm từ 4% hồi cuối năm 2023 xuống còn 3% tính đến 30/6/2024. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng gần 17% lên 2.840 tỷ đồng.
Phân tích dư nợ cho vay theo ngành, PVCombank khá ưu tiên vốn cho lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng dư nợ cho vay (tỷ trọng cho vay bất động sản đến cuối năm 2023 là 15,6%).
Trong khi tín dụng chỉ tăng trưởng 5,54%, hoạt động huy động tiền gửi từ khách hàng tại PVCombank lại giảm 1,45% so với cuối năm 2023, đạt 175.583 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ CASA dù tăng 17% nhưng chỉ chiếm 6% tổng tiền gửi của khách hàng. Tỷ lệ CASA thấp khiến PVCombank gặp bất lợi so với các đối thủ trong việc giảm chi phí vốn.
PVCombank thuộc số những nhà băng non trẻ nhất trong số các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, được thành lập năm 2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank).
PVCombank hiện có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là 52%. Cổ đông chiến lược Morgan Stanley nắm giữ 7% vốn điều lệ của ngân hàng.
Ngân hàng có 3 công ty con là CTCP Chứng khoán Dầu khí (PVCombank nắm 51% vốn), CTCP Quản lý quỹ PVCombank (99,97%), Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản PVCombank (100%).
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ngan-hang-duy-nhat-bao-lo-trong-quy-ii-nguyen-nhan-vi-sao-2310688.html