Ngày 24/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/5, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022. NHNN đánh giá mức tăng trưởng tín dụng thời gian qua vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Nhiều doanh nghiệp không dám vay, không vay được
Nêu thực tế của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết hiện nay có nhóm doanh nghiệp không dám vay vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn.
“Còn lại là nhóm không thể vay vốn – đây là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn… Do đó hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với nhóm doanh nghiệp này“, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi dẫn thực tế “các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay”. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân.
“Chẳng có ngân hàng nào muốn giữ tiền trong két. Bởi nếu khư khư ôm vốn thì ngân hàng cũng ‘khó mà sống khỏe’“, Thứ trưởng Chi nhấn mạnh.
Ông Chi ví von tiếp cận tín dụng là điểm giữa của con đường, cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phải chủ động tìm đến nhau, phải có sự chủ động từ cả 2 phía. Tuy nhiên, ông nhìn nhận trong bối cảnh “cầu” giảm, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng nên chưa có nhu cầu vay vốn, do đó các giải pháp cần phải kiên nhẫn, không nóng vội.
Doanh nghiệp phát triển ngân hàng mới phát triển
Thứ trưởng Trần Quốc Phương kiến nghị hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp. Hiện nay, lạm phát đang được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, nên có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh ngân hàng và doanh nghiệp “phải đi chung con đường”. Tuy nhiên, ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…
Phó thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục, nếu thuộc về chủ quan thì tháo gỡ ngay để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“NHNN và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh“, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị.
Theo Phó thủ tướng, phải thiết lập mặt bằng lãi suất huy động hợp lý thì lãi suất cho vay mới phù hợp. Doanh nghiệp phát triển ngân hàng mới phát triển. Ông đề nghị NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp…
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng “cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn”.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo