Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – HoSE: LPB) đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng sở hữu tối đa lên 15,5% từ mức 5%.
Theo đó, thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank – HoSE: HDB) cũng có kế hoạch dành 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.
Tại cuộc gặp với các nhà đầu tư tháng 2 vừa qua, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank đã chia sẻ, ngân hàng đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, dành ra khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.
Theo đó, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và ngân hàng tìm được những đối tác phù hợp. Ông Tùng cũng cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.
Hồi tháng 7/2023 vừa qua, HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – HoSE: SSB) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries – Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển).
SeABank đưa ra mức giá không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cổ phiếu. Giá chào bán cao nhất dự kiến là 37.032 đồng/cổ phiếu. Giá chào bán cụ thể do HĐQT quyết định phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thỏa thuận với nhà đầu tư. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tuy nhiên, đến tháng 11, nhà băng này lại quyết định dừng thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết số 271 ngày 8/5/2023 và Nghị quyết số 422 ngày 3/7/2023 của Hội đồng quản trị. Lí do đưa ra là xét theo tình hình thực tế.
Thời điểm cuối tháng 3/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) cũng đã ký kết thoả thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG). Sau thoả thuận trên, SMBC Group đã chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Đây đã trở thành là thương vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HoSE: VCB) cũng sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 – 2024.
Trước đó, năm 2019, nhà băng đã đưa ra kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác ngoại nhưng vẫn chưa thể hoàn tất. Trong đó, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).