Theo nghị quyết, ACB sẽ mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, 4 lô trái phiếu được mua lại gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá tối đa mua lại 10.000 tỉ đồng. Cả 4 lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ vào năm 2021 có kỳ hạn 3 năm (ngày đáo hạn vào tháng 6.2024). Đây loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Thời gian mua lại 4 lô trái phiếu này lần lượt vào các ngày 22.6, 23.6, 8.7 và 15.7. Giá mua bằng mệnh giá phát hành. Nguồn vốn để thực hiện mua lại đến từ nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay, đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.
Kết thúc quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng ACB đạt gần 5.157 tỉ đồng, tăng hơn 25% so với quý 1/2022 và hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023. Tổng tài sản của ACB đến cuối quý 1/2023 đạt 611.224 tỉ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Ngân hàng này có dư nợ hơn 36.055 tỉ đồng trái phiếu lưu hành. Trong đó, lượng trái phiếu kỳ hạn 1 – 2 năm là 11.450 tỉ đồng, kỳ hạn 3 năm 20.700 tỉ đồng, 5 năm 1.495 tỉ đồng và 10 năm hơn 2.411 tỉ đồng.
Trước ACB, có nhiều ngân hàng đã chi hàng ngàn tỉ mua lại trái phiếu trước hạn như Techcombank, Quân Đội, VPB, BIDV, Phương Đông… Theo Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4/2023 vừa được phát hành bởi Fiin Group, nhóm ngân hàng chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại tại thời điểm tháng 4. Giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại tăng 5,64 lần so với tháng 3 và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các lô trái phiếu được các ngân hàng mua lại có kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại đúng 1 hoặc 2 năm (2024 hoặc 2025)…