Khi quyết định đi làm thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm cho vợ nằm liệt một chỗ, người nhà mới bất ngờ phát hiện đại lý bảo hiểm ‘ôm’ hồ sơ 5 năm liền, không nộp về công ty.
Không được bồi thường bảo hiểm khi vợ liệt nằm một chỗ, sau khi được người có chuyên môn hướng dẫn, người nhà khách hàng quyết định đi làm thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm cho vợ và bất ngờ phát hiện đại lý bảo hiểm “ôm” hồ sơ 5 năm liền, không nộp về công ty.
Điều đáng nói là trong khoảng thời gian 5 năm mà khách hàng nằm liệt giường, người nhà của khách hàng vẫn phải đóng phí bảo hiểm bình thường.
Đến khi hồ sơ được xem xét quyền lợi bảo hiểm, phía doanh nghiệp bảo hiểm lại từ chối hoàn trả lại khoản phí mà người nhà khách hàng đã đóng trong 5 năm này.
Đại lý ôm hồ sơ 5 năm, không nộp về công ty bảo hiểm
Ngay từ sáng sớm, chen chân giữa dòng người đông đúc tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5, TP.HCM), ông Hồng cầm một xấp hồ sơ bệnh án, người vợ được con dâu đẩy xe lăn đi bên cạnh, để hỏi làm thủ tục giám định tỉ lệ thương tật.
Chia sẻ với chúng tôi khi vợ đã vào bên trong phòng để gặp bác sĩ hỗ trợ, ông Hồng cho biết vợ mình đã bị tai biến vào 5 năm trước. Liệt nửa thân trái, nằm một chỗ, mất trí nhớ, méo miệng, chưa kể đường huyết cao.
Thời gian đó, gia đình có báo bệnh tình cho đại lý bảo hiểm tên Hoàng Anh. Người này tới thăm rồi ôm hết hồ sơ bệnh của khách hàng về. Một thời gian sau, đại lý bảo hiểm báo rằng trường hợp của khách hàng bị tai biến, không được bồi thường bảo hiểm.
Sau nhiều năm chịu ấm ức, được người có chuyên môn hướng dẫn, mới đây ông Hồng quyết định đi làm thủ tục đòi bồi thường cho vợ. Đến lúc này, ông Hồng mới “té ngửa” khi biết rằng đại lý đã “ôm” hồ sơ 5 năm liền, không nộp về công ty.
Theo dữ liệu mà phóng viên thu thập được, trong cuộc trao đổi với đại lý bảo hiểm, ông Hồng từng chất vấn rằng lúc vợ vừa bị bệnh thì ông có gom hồ sơ bệnh án đưa, nhưng tại sao đại lý lại không nộp về công ty bảo hiểm.
Đại lý phân trần: “Tại vì em gửi, nhưng cái của chị không có mua bệnh hiểm nghèo (…), thành ra mình không có nộp. Có nghĩa cái đó chỉ mua cái “An tâm trọn đời” không à”. Cuộc trò chuyện kết thúc vì người đại lý nói đang đi ở ngoài và sẽ gọi điện sau.
Trong một cuộc trao đổi khác, ông và con gái cũng hỏi vì sao không “đẩy” bệnh án của khách hàng về công ty, đại lý đưa nhiều nguyên nhân như đã nghiên cứu, đã “hỏi ở trên”, do khách hàng không mua sản phẩm phụ – bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
“Nó đòi tới đòi lui, phải đi giám định y khoa đủ thứ hết – đại lý bảo hiểm này nói rồi khẳng định – Phải em làm được thì em đã làm cho anh, tiền của công ty mà”. Người bán bảo hiểm thông tin thêm: “Ở đây bao nhiêu ca rồi”.
Khách gian nan đi đòi bảo hiểm
Theo người bán bảo hiểm, “chừng nào rủi ro mà không nhận tiền” thì bản thân mới chịu trách nhiệm, sau đó đưa ra ví dụ về trường hợp khách hàng mất và người nhà đã nhận được tiền bồi thường bảo hiểm nhanh chóng. “Anh em mình sống từ đó đến giờ” – người bán bảo hiểm khẳng định mối quan hệ, đề nghị ông Hồng và người nhà phải tin tưởng.
“Cô bán bảo hiểm với bà xã là bạn bè, không rành, yếu nghề. Người bán nói vậy thì mình đành chịu, nhưng trong lòng cảm thấy rất uất ức. Bệnh nằm một chỗ, vừa không được bồi thường mà còn phải đóng phí bảo hiểm hoài, sao chịu nổi, tức!”, ông Hồng bức xúc.
Qua nhiều năm điều trị, may mắn đến vào đầu năm 2024 khi người vợ dần hồi phục, gương mặt có phần tỉnh hơn. Nhưng người vẫn yếu, phải dùng xe lăn, tiểu tiện phải mặc tã, thường xuyên quên người thân.
Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh sự việc, Công ty bảo hiểm Prudential đã cấp giấy giới thiệu để ông Hồng đưa vợ đi giám định y khoa. Đến gần cuối tháng 11-2024, tức 5 năm sau khi biến cố xảy ra, cơ quan giám định y khoa xác định khách hàng bị tổn thương cơ thể với tỉ lệ 82%, đáp ứng điều kiện được nhận quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Trả lời báo Tuổi Trẻ vào giữa tháng 12-2024, phía Prudential cho biết căn cứ vào kết quả giám định y khoa, công ty đã chấp nhận chi trả quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn (100 triệu đồng) cho khách hàng.
Trong cuộc trao đổi mới đây, đại lý bảo hiểm cho biết bà xem vợ ông Hồng như “chị ruột”, “tình nghĩa như ruột rà”.
Người này thừa nhận: “Cái sai của em là không nộp bệnh án lên, em sai, em nhận khuyết điểm”. Đại lý bảo hiểm bày tỏ mong muốn sớm được giải quyết êm xuôi, “xí xóa” để còn đón Tết, nếu để công ty điện tới điện lui thì khó làm ăn.
Liên quan đến khiếu nại đại lý bảo hiểm đã nhận chứng từ 5 năm trước nhưng không nộp về công ty, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, trả lời báo Tuổi Trẻ, Prudential cho biết: “Doanh nghiệp đã tiếp nhận khiếu nại, các phòng ban nghiệp vụ đang phối hợp để giải quyết, với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm và trên tinh thần tuân thủ quy định của pháp luật”.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm khi đại lý làm sai
Căn cứ điều 128 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trường hợp đại lý vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm do đại lý thu xếp giao kết.
Theo điều 129, đại lý có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp đã bồi thường cho khách hàng do sai phạm của đại lý.
Khách bị liệt lâu năm, công ty bảo hiểm đòi thêm bằng chứng
Sau 5 năm biến cố xảy ra, Prudential vừa chính thức ra quyết định chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền 100 triệu đồng cho vợ ông Hồng (TP.HCM).
Tuy nhiên, phía khách hàng còn đề nghị công ty phải trả lại 50 triệu đồng phí bảo hiểm đã đóng trong 5 năm qua kèm lãi phát sinh của khoản nộp này do khách hàng đã bị tai biến từ giữa năm 2019.
Về vấn đề hoàn phí này, Prudential cho hay trong quá trình trao đổi, khách hàng và gia đình trình bày rằng khách hàng bị liệt nặng (nằm một chỗ) từ 2019.
Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ngoài kết quả giám định (đã có quyết định chi trả nêu trên), Prudential chỉ nhận được thông tin tóm tắt bệnh án được trích lục ngày 7-6-2019, trong đó không mô tả tình trạng tổn thương khi ra viện của khách hàng: mức độ liệt, hay tỉ lệ thương tật ra sao.
Vì vậy, doanh nghiệp sẽ thông báo về việc xem xét lại hồ sơ/yêu cầu, sau khi khách hàng nộp thêm bệnh án chi tiết của Bệnh viện Thống Nhất vào năm 2019. Mặt khác, công ty “cũng sẽ nỗ lực thu thập thêm thông tin chi tiết trên bệnh án về tổn thương của khách hàng để đánh giá thêm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng theo đúng nguyên tắc chi trả quyền lợi bảo hiểm”.
Căn cứ bản tóm tắt bệnh án (ngày 7-6-2019) mà phóng viên nhận được, tại mục tóm tắt quá trình bệnh lý và diễn biến lâm sàn, phía bệnh viện ghi: Bệnh nhân nữ 64 tuổi, vào viện vì đột ngột yếu nửa người kèm nói khó, liệt nửa thân trái, méo miệng, đường huyết dao động cao.
Tóm tắt kết quả xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán: nhồi máu não thất phải, tắc động mạch não trước (phải) đoạn A2. Hướng điều trị: tái khám khi hết thuốc, tập vật lý trị liệu.
Đại lý muốn hoàn trả phí bảo hiểm bằng tiền túi
Trong cuộc trao đổi mới đây, người con gái khách hàng chất vấn rằng có phải do đại lý nói với công ty rằng mẹ của mình sức khỏe ổn nên công ty mới không trả lại phí (50 triệu đồng, đã đóng kể từ sau khi bị tai biến và liệt nửa người, chưa bao gồm lãi).
Người con nhấn mạnh rằng mẹ đã liệt mấy năm liền, sau thời gian dài điều trị nên giờ “mẹ con mới đỡ hơn xíu”. Đại lý bảo hiểm giải thích việc công ty chưa chịu hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng 5 năm qua là do điều khoản hợp đồng, chứ không phải do lời nói của bà tác động vào.
Vào tháng 12-2024 vừa qua, phía đại lý bảo hiểm bày tỏ mong muốn được bù đắp, tức lấy tiền túi để trả lại 50 triệu đồng. Nhưng gia đình ông Hồng không muốn nhận tiền ngoài, chỉ muốn đi theo đường chính thống, tức nhận tiền từ công ty.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngan-chay-i-boi-thuong-bao-hiem-ky-3-dai-ly-ngam-ho-so-khach-mon-moi-cho-20250108224329487.htm