Ukraine rút khỏi cứ điểm ở ngoại ô Avdiivka
“Sau nhiều tháng đối đầu, cấp chỉ huy quyết định rút khỏi cứ điểm Zenit ở vùng ngoại ô đông nam Avdiivka… Đây là quyết định nhằm bảo vệ binh lực và cải thiện tình hình chiến dịch”, AFP dẫn lời tướng Oleksandr Tarnavsky, người đứng đầu lực lượng vũ trang Tavria chịu trách nhiệm về chiến sự ở Avdiivka.
“Việc kiểm soát những vị trí này không mang đến lợi thế chiến lược cho quân Nga trên chiến trường và cũng không thay đổi tình hình liên quan đến chiến dịch phòng thủ Avdiivka”, tướng Tarnavskyi bổ sung.
Điểm xung đột: Ukraine rút quân khỏi Avdiivka; Mỹ bắt tàu chở vũ khí cho Houthi
Trước đó trong ngày 16.2, vị chỉ huy thừa nhận “tình hình Avdiivka đang khó khăn nhưng trong tầm kiểm soát. Giao tranh nảy lửa đang diễn ra trong thành phố”.
“Mặt trận (Bakhmut) đã khó khăn, nhưng giờ đây (Avdiivka) còn khó khăn gấp bội”, theo người phát ngôn Lữ đoàn Xung kích số 3 của Ukraine Oleksandr Borodin, thêm rằng tình thế ngày càng căng thẳng hơn vì lực lượng Nga đang được trang bị tốt hơn trước.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine vừa được bổ nhiệm là tướng Oleksandr Syrsky đã ra lệnh chi viện khẩn cấp cho Avdiivka, nhưng các thông tin mới từ tướng Tarnavsky và Lữ đoàn Xung kích số 3 cho thấy Kyiv có lẽ chuẩn bị triệt thoái khỏi thành phố.
Hiện quân Nga bao vây 3 mặt của Avdiivka và đang gia tăng áp lực vào nơi này.
Về tình hình những nơi khác, Bộ Quốc phòng Nga hôm 16.2 cho biết Ukraine tổn thất ít nhất 1.820 binh sĩ ở khu vực Donetsk trong tuần qua. Kyiv chưa bình luận về thông tin trên.
Thỏa thuận an ninh song phương với Đức, Pháp
Trong lúc tình hình Avdiivka tiếp tục căng thẳng, Tổng thống Volodymyr Zelensky công du châu Âu và ký vào thỏa thuận an ninh song phương mang tính lịch sử với Đức, Pháp.
Lễ ký kết đã diễn ra tại Berlin giữa Thủ tướng chủ nhà Đức Olaf Scholz và Tổng thống Zelensky trong chuyến thăm nước này, theo AFP hôm 16.2.
Chính quyền Berlin cho biết thỏa thuận bao gồm những cam kết an ninh và ủng hộ lâu dài đối với chính quyền Kyiv.
Tình báo Estonia nói Nga đang chuẩn bị cho đối đầu quân sự với NATO
Cụ thể, Đức và Ukraine nhất trí, trong trường hợp Nga phát động tấn công trong tương lai, 1 trong 2 nước gửi yêu cầu tham vấn về những bước đi tiếp theo cần phải được quyết định trong vòng 24 giờ, Reuters đưa tin.
“Nếu nhận định cần phải hành động, Berlin sẽ nhanh chóng hỗ trợ Ukraine về vấn đề an ninh, thiết bị quân sự hiện đại trên mọi nền tảng cần thiết, và trợ giúp về kinh tế”, theo thỏa thuận có thời hạn 10 năm.
Hai nước cũng đồng ý tiếp tục làm việc để đảm bảo gia tăng áp lực viện trợ kinh tế, kiểm soát xuất khẩu chống Nga.
Và tại cuộc gặp ở Berlin, ông Scholz thông báo gói viện trợ quân sự tức thời trị giá 1,1 tỉ euro cho Ukraine.
Dự kiến lễ ký kết thỏa thuận an ninh song phương giữa Pháp, Ukraine sẽ diễn ra ở Paris vào chiều cùng ngày (theo giờ địa phương). Văn phòng Tổng thống Pháp xác nhận thông tin, nhưng không cung cấp bất kỳ chi tiết về sự kiện.
Ngoại trưởng Nga ‘vạch trần’ âm mưu của EU
Phát biểu tại một hội nghị ở Moscow hôm 16.2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo với Ukraine rằng Kyiv cần dựa vào nguồn viện trợ vũ khí tầm xa để “thọc sâu vào đầu não nước Nga”.
“Theo thông tin của chúng tôi, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu đã đưa ra những đề xuất cho Ukraine, dựa vào thực tế rằng EU vô phương chiến thắng và Ukraine sẽ thua cuộc nếu tiếp tục các phương án hiện tại. Đó là lý do tại sao EU cần phải đặt cược vào việc chuyển giao thêm các dòng vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine, để Kyiv có thể đánh vào đầu não nước Nga, theo như EU mô tả”, Sputnik News dẫn lời ông Lavrov.
Ukraine từ chối nhận viện trợ chiến đấu cơ ‘rác bay’ F-18 từ Úc?
Ngoại trưởng Nga cũng nhận định rằng liên quan đến tình hình Ukraine, Anh đang áp dụng quan điểm thậm chí còn hung hăng và phức tạp hơn cả Mỹ.
Ukraine, Anh lẫn Mỹ đều chưa bình luận về nhận định trên của ông Lavrov.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho hay Stockholm sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16. Điều kiện tiên quyết là quốc gia Bắc Âu được kết nạp trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, theo trang Kyiv Independent hôm 16.2.