Hội trại xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) được tổ chức 5 năm một lần, vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, đúng dịp kỷ niệm ngày lễ Quốc khánh 2/9. Năm nay là lần đầu tiên hội trại được tổ chức kể từ khi hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã với sự tham gia của 11 đơn vị xóm.
Đây cũng là dịp để nghệ nhân và người lao động các làng nghề phô diễn tài năng trong xây dựng và trang trí trại của đơn vị mình.
Bản đồ Việt Nam qua bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề mây tre đan Thái Phúc, xã Nghi Thái. Theo ông Nguyễn Bá Lạc (xóm trưởng xóm Thái Phúc), bản đồ Việt Nam được làm từ những thanh tre ghép lại, mang thông điệp chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Để hoàn thành hình bản đồ này với tỉ lệ chuẩn, các lao động có tay nghề cao trong làng phải mất 5 ngày để thực hiện.
Cổng trại mang đậm dấu ấn làng nghề mây tre đan của xóm Thái Lộc. Phần trang trí hoàn toàn là sản phẩm thủ công của các nghệ nhân làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Định (xóm trưởng xóm Thái Lộc) cho biết, làng nghề mây tre đan Thái Lộc có 180 hộ, tạo việc làm cho hơn 600 lao động, hàng năm doanh thu gần 30 tỷ đồng. “Bằng việc sử dụng các sản phẩm truyền thống trong trang trí hội trại, chúng tôi muốn quảng bá sản phẩm của làng mình, đồng thời giúp các cháu hiểu rõ hơn về nghề ông cha để lại”, ông Định cho hay.
Nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Văn Thường (làng nghề mây tre đan Thái Lộc) dùng nan mây nhuộm màu để hoàn thành phần trang trí cổng trại. Dòng chữ “Tự hào tiếp bước”, “2/9/1945-2/9/2023” được tạo ra thông qua kỹ thuật đan và cách phối màu của các nan mây. Đây cũng là một cách để các nghệ nhân truyền nghề và tình yêu nghề cho lớp trẻ (Ảnh: Võ Thưởng).
Mô hình chùa Một Cột thu nhỏ được làm từ gỗ. Để hoàn thành trại và các mô hình trang trí, lao động ở các làng nghề phải dành cả tháng trời thực hiện. Ngoài tay nghề, kinh nghiệp, đòi hỏi ở những người thợ sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm cho việc chung của xóm (Ảnh: Võ Thưởng).
Mô hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm hoàn toàn bằng thanh tre ghép lại với nhau.
Mô hình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh của xóm Thái Quang thu hút sự chú ý của nhiều em nhỏ với hình ảnh thi hài Bác Hồ được nâng lên, hạ xuống bằng mô tơ.
Anh Vương Đình Trường (xóm Thái Quang) cho hay, xóm anh có nghề mộc truyền thống, bởi vậy, tất cả phần trang trí của hội trại đều được sử dụng gỗ để thực hiện.
“Các mô hình thu nhỏ của Lăng Bác, tượng đài Bác Hồ tại quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), đài tưởng niệm liệt sỹ cho đến các công trình, thiết chế văn hóa của xóm đều được làm bằng gỗ nguyên khối. Việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức, tâm huyết. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng tôi “khoe” tay nghề, giới thiệu về làng nghề của mình”, anh Trường cho hay.
Trong khi đó, người dân xóm Thái Cát lại mang cả ao nuôi tôm, nuôi cua với hệ thống cung cấp oxi vào trang trí cho phần trại của xóm mình.
“Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân xóm Thái Cát có nghề mây tre đan, nuôi trồng thủy hải sản. Do đó, trong phần trang trí của đơn vị mình, chúng tôi có các mô hình gắn với hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế hàng ngày của người dân. Để hoàn thành phần việc này, cả xóm cùng chung tay, mỗi người một phần việc, ròng rã gần một tháng trời, có những đêm làm đến 2h sáng ngày hôm sau”, ông Uông Văn Độ (xóm Thái Cát) chia sẻ.
Sản phẩm mây tre đan được các đơn vị đưa đến hội trại để quảng bá, giới thiệu. Mặt hàng mây tre đan của người dân xã Nghi Thái đã được xuất khẩu ra nhiều nước, mang lại nguồn thu kinh tế không hề nhỏ cho địa phương.
Các hoạt động sản xuất đặc trưng của người dân xã Nghi Thái như cưa gỗ, bổ củi, xay lúa… được tái hiện bằng tre. Với việc sử dụng con quay nước, các mô hình này có thể chuyển động, gây tò mò, thích thú cho khách tham quan.
Ngôi nhà mái tranh, vách nứa gợi nhớ về một làng quê bình yên, êm đềm, nơi người dân chăm chỉ làm lụng, phát triển nghề ông cha để lại.
Hình ảnh nông thôn mới nâng cao, đang đổi thay từng ngày được tái hiện một cách chi tiết qua bàn tay tài hoa của những người thợ làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ xã Nghi Thái.