Hai rạn san hô nằm ở vùng nước sâu của quần đảo Galapagos. Trong ảnh: Robot thăm dò điều khiển từ xa ROV SuBastian ghi lại hình ảnh sao biển đuôi rắn quấn quanh san hô mọc trên bức tường đá thẳng đứng nằm ở vùng nước sâu phía Tây đảo Fernandina. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Mới đây, các nhà khoa học đã thực hiện thăm dò hệ sinh thái vách đá dưới nước thuộc Khu bảo tồn biển quần đảo Galapagos bằng cách sử dụng robot thăm dò ROV SuBastian. Cuộc thám hiểm kéo dài 30 ngày bắt đầu từ ngày 18/9 do Tiến sĩ Katleen Robert thuộc Viện Thủy sản và Hàng hải thuộc Đại học Memorial University of Newfoundland and Labrador dẫn đầu.
Đoàn thám hiểm bao gồm 24 nhà khoa học là đại diện cho 13 tổ chức và trường đại học bao gồm Ban Giám đốc Công viên Quốc gia Galapagos (GNPD), Quỹ Charles Darwin (CDF), Viện Hải dương học và Nam Cực của Hải quân Ecuador (INOCAR), Hiệp hội Địa lý Quốc gia (National Geographic Society), Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI), Đại học Bristol, Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI), Đại học Costa Rica, Trung tâm Hải dương học Quốc gia Vương quốc Anh, Viện Khoa học Mar ở Barcelona, Tây Ban Nha và Đại học East Anglia-Anh.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra hai rạn san hô nguyên sơ ở vùng biển xung quanh quần đảo Galapagos. Những rạn san hô nước lạnh mới được xác định này nằm ở độ sâu từ 370 đến 420m. Khám phá này “khai phá” hiểu biết của chúng ta về các rạn san hô sâu trong Khu bảo tồn biển Quần đảo Galapagos.
Một trong các mục tiêu của chuyến thám hiểm là áp dụng công nghệ quét laser để tạo ra các bản đồ có độ phân giải cực cao về các rạn san hô này. Máy quét laser tạo ra bản đồ có độ phân giải 2mm có khả năng xác định động vật sống dưới đáy biển.
Trong hai rạn san hô mới được phát hiện, rạn san hô lớn hơn có chiều dài hơn 800m, tương đương với tám sân bóng đá. Rạn san hô thứ hai nhỏ hơn, có chiều dài 250m. Hai khu vực này thể hiện sự sống đa dạng, phong phú của các loài san hô đá. Các dấu hiệu cho thấy khu vực này có thể đã được hình thành và tồn tại đa dạng sinh học biển trong hàng nghìn năm.
Bên cạnh việc khám phá các rạn san hô, các nhà khoa học còn phát hiện ra hai núi ngầm chưa được khám phá và lập bản đồ chúng với độ phân giải cao. Sự tồn tại của các núi ngầm được phát hiện dựa trên dữ liệu vệ tinh và hiện đã được xác nhận.
Phát hiện này diễn ra sau nghiên cứu về các rạn san hô sâu đầu tiên trong Khu bảo tồn biển Galapagos của các nhà khoa học của Viện Hải dương học Woods Hole phát hiện khi thăm dò trong tàu lặn HOV Alvin hồi tháng 4/2023.
Ngoài việc điều tra đa dạng sinh học san hô ở Galapagos, các nhà khoa học còn khám phá các khu vực trong Công viên Hải dương Quốc gia Isla del Coco, một khu bảo tồn do Costa Rica quản lý.
Nhóm nghiên cứu đã khám phá các núi ngầm ở phía Tây Nam Isla del Coco và “truy tìm” mối liên hệ giữa các dải san hô trên các núi ngầm ở Galapagos và Costa Rica. Trong một lần lặn ROV, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy nhiều loài san hô biển sâu chứa đầy trứng. Nghiên cứu này đóng góp dữ liệu để cung cấp thông tin cho việc quản lý Hành lang biển nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương, một mạng lưới các khu bảo tồn biển liên kết với nhau do chính phủ Ecuador, Costa Rica, Panama và Colombia quản lý.
Bốn thập kỷ trước, hiện tượng El Nino làm nhiệt độ nước biển tăng khiến gần như toàn bộ san hô xung quanh quần đảo Galapagos bị chết hàng loạt. Phần lớn các rạn san hô không bao giờ phục hồi được.
Trước tình trạng các rạn san hô trên toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ bị “hủy diệt” do biến đổi khí hậu, việc phát hiện các rạn san hô sinh trưởng tốt ở vùng nước sâu nằm trong Khu bảo tồn biển quần đảo Galapagos được xem là một tín hiệu khả quan trong việc bảo tồn môi trường biển.
Một số hình ảnh trong chuyến thám hiểm được Viện Đại dương Schmidt công bố:
Đoàn nghiên cứu di chuyển bằng tàu nghiên cứu Falkor trên khu vực quần đảo Galapagos, khu vực tập hợp các đảo núi lửa nằm về hai phía xích đạo trên Thái Bình Dương. Galapagos vừa là tên quần đảo, vừa là vườn quốc gia đầu tiên của Ecuador, được thành lập vào năm 1959 và bắt đầu hoạt động vào năm 1968. Quần đảo này gồm 13 đảo chính, 6 đảo nhỏ và 107 khối đá nằm ở phía Tây Ecuador, Thái Bình Dương. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Robot thăm dò điều khiển từ xa SuBastian được kéo lên sau chuyến “thám hiểm” dưới lòng đại dương. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Là một phần của nghiên cứu, robot thăm dò điều khiển từ xa SuBastian được trang bị hai cảm biến lập bản đồ, bao gồm cả máy quét Laser Micro Insight, đã lặn xuống Cacho De Coral, một rạn san hô nguyên sơ mới được phát hiện. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Các nhà khoa học điều khiển thiết bị SuBastian trong lần lặn thứ 600 ở gần Isla del Coco, vùng biển ngoài khơi Costa Rica. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Các sinh vật sống tại rạn san hô mới được phát hiện ở phía Tây đảo Fernandina, hòn đảo trẻ nhất và lớn thứ ba thuộc quần đảo Galapagos. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Khu vực đa dạng sinh học gồm san hô, động vật giáp xác, hải quỳ… ở Cacho de Coral, một rạn san hô nguyên sơ mới được phát hiện ở Galapagos. Các nhà khoa học đã tìm thấy hai rạn san hô và hai núi ngầm chưa được thăm dò tại khu vực này. (Nguồn: AFP) |
Hình ảnh rực rỡ tại một địa điểm ở phía Bắc đảo Isabela, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Galapagos với diện tích 4.640 km2. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Các polyp màu trắng có thể thu vào, nhô ra từ các nhánh sán hô đỏ (Corallium) quý hiếm dưới đáy biển phía Bắc đảo Isabela, địa danh được đặt tên theo Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |
Tia laser quét rạn san hô và một sinh vật biển không xác định dưới đáy đại dương. (Nguồn: Schmidt Ocean Institute/AFP) |