Cổ đông “người cười kẻ khóc”
Trong khi hàng loạt cổ đông ngân hàng (NH) vui mừng khi nhận được cổ tức từ 20 – 30% gồm tiền mặt lẫn cổ phiếu cho năm 2023 vừa qua thì ngược lại, có nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi vì nhiều năm liền không biết đến một đồng cổ tức nào. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cuối tuần qua, cổ đông tiếp tục chất vấn nhà băng này xung quanh việc không trả cổ tức. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, giải thích phải hoàn được vốn điều lệ và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức. Còn số nợ liên quan đến ông Trầm Bê phải chờ Chính phủ cho phép. Ông Minh khẳng định chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành việc này và nếu như hoàn được vốn, Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay.
Đây cũng là câu trả lời thường xuyên của lãnh đạo Sacombank trong nhiều năm qua về việc không chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của NH này là vào năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Như vậy đã 9 năm trôi qua, các cổ đông của Sacombank không nhận được đồng nào dù NH liên tục có lãi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Đến hết năm 2023, Sacombank có lợi nhuận chưa phân phối là 18.400 tỉ đồng, cũng tương đương với 100% vốn điều lệ.
Hay Tổng công ty CP Bảo hiểm Hàng không (VNI) năm 2023 vừa qua có lợi nhuận 24,6 tỉ đồng nhưng tiếp tục không chia cổ tức nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Tổng cộng lợi nhuận để lại đến hết năm 2023 đạt hơn 81,2 tỉ đồng. Tính từ năm 2017 đến nay, công ty này có 7 năm liên tiếp không chia cổ tức.
Một doanh nghiệp (DN) lớn khác là Công ty CP Tập đoàn GELEX có lợi nhuận chưa phân phối đến hết năm 2023 hơn 2.616 tỉ đồng. Trong đó, GELEX hiện có 1.945 tỉ đồng (tương đương 22,84% vốn điều lệ) là nguồn cổ tức có thể phân phối tối đa bằng tiền. Tuy nhiên, DN này không chia cổ tức năm 2023 nhằm đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và đầu tư của công ty. Năm trước, GELEX cũng không chia cổ tức năm 2022 dù lợi nhuận cũng đạt hơn 2.000 tỉ đồng.
Lại có những công ty dù đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức cả thập niên vẫn lùi thời gian chi trả. Có thể kể đến như Công ty CP Lilama 45.4 (L44) đã thông báo thay đổi ngày trả cổ tức lần thứ 9. Đợt thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền được dời sang cuối năm 2024. Lý do mà công ty đưa ra cũng như bao nhiêu năm qua là đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn, do đó chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Tương tự, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng đã 8 năm chưa thanh toán cổ tức năm 2014 và 2017 và tiếp tục lùi thời gian thanh toán đến cuối năm 2024. Điệp khúc của SJS là tình hình tài chính còn khó khăn, công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Trong khi đó, báo cáo của SJS đến cuối năm 2023, lợi nhuận để lại lũy kế lên hơn 202 tỉ đồng.
Đáng nói, trong khi cổ đông của các DN lớn “uất ức” vì bị nợ hay không được chia cổ tức thì có những công ty quy mô nhỏ, giá cổ phiếu “bèo bọt” lại duy trì cổ tức cao hằng năm. Ví dụ, Công ty CP May Xuất khẩu Phan Thiết (mã chứng khoán PTG) thông báo ngày 13.5 tới sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ được nhận 5.000 đồng. Đáng chú ý, mức cổ tức mà PTG chi trả cho cổ đông gấp 10 lần giá cổ phiếu của DN này đang giao dịch trên sàn UPCoM. Công ty cũng có kế hoạch sẽ chia cổ tức cả năm 2024 với tổng mức tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ còn nhận thêm 5.000 đồng. Như vậy cổ tức cả năm sẽ gấp 20 lần giá cổ phiếu hiện tại. Từ khi lên sàn UPCoM đầu năm 2010, DN dệt may này vẫn liên tục chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Thậm chí, một số năm tỷ lệ cổ tức còn lên đến 120%, tương đương 12.000 đồng/cổ phiếu và gấp nhiều lần giá cổ phiếu trên sàn. Một đơn vị khác là Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) sẽ thực hiện trả cổ tức với tỷ lệ 100%, được chia làm đôi gồm tiền mặt và cổ phiếu. Nếu cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu công ty sẽ nhận 5.000 đồng tiền mặt và 0,5 cổ phiếu mới. Chỉ riêng số tiền trả cổ tức đã chiếm gần 50% lợi nhuận của năm vừa qua…
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN
Uy tín giảm sút, khó thu hút nhà đầu tư dài hạn
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư – Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank, cho rằng có nhiều cổ đông khi đầu tư vào một cổ phiếu nào đó thì sẽ so sánh cổ tức với lãi suất gửi tiền NH. Đây là khoản lợi tức hằng năm mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ quan tâm, đặc biệt là với các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư dài hạn như các tổ chức. Theo quy định, khi chia cổ tức thì giá cổ phiếu cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng. Nếu như không được chia cổ tức mà giá cổ phiếu tăng đều đều thì cổ đông sẽ đỡ bực bội hơn. Tuy nhiên trên thị trường chứng khoán, rất nhiều cổ phiếu không tăng giá mà còn đi thụt lùi nên cổ đông càng “ôm hận” khi mòn mỏi chờ cổ tức.
Ông Khánh nhấn mạnh: Sau hàng chục năm, VN-Index cũng chỉ loanh quanh ở mức 1.200 điểm. Điều này cho thấy có rất nhiều cổ phiếu không tăng giá so với chục năm trước. Vì vậy nếu cổ đông ôm cổ phiếu dài hạn mà nhiều năm qua cũng không nhận được cổ tức thì coi như đã bị lỗ nặng. Riêng đối với các công ty lùi thời hạn trả cổ tức lên đến 8 – 10 năm thì cơ quan quản lý cần xem xét, có thể bổ sung quy định yêu cầu DN phải chủ động thông báo công khai về nguyên nhân chưa chi trả cổ tức. Bởi có nhiều công ty đã im lặng hoặc chỉ nêu lý do sơ sài, qua loa. Điều này buộc DN phải có trách nhiệm với cổ đông.
Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, nhận xét: Những nhà đầu tư có xu thế mua cổ phiếu chờ hưởng cổ tức sẽ thất vọng khi rơi trúng vào các DN nhiều năm liền không chia đồng nào hay liên tục “khất” cổ tức. Đồng ý có những DN, ngành nghề cần sử dụng lợi nhuận để lại nhằm tăng vốn, bổ sung cho hoạt động kinh doanh hay mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, cũng không thể liên tục kéo dài đến 5 – 6 năm mà không chia cổ tức. Bởi vì nếu xét theo chu kỳ đầu tư thì chỉ trong 3 – 4 năm là đã ghi nhận hiệu quả.
Đó là chưa kể việc chia cổ tức có thể tính toán ở một tỷ lệ nhất định mà không phải yêu cầu chia hết 100% lợi nhuận làm ra. Có thể nhiều lãnh đạo DN cũng là cổ đông lớn nhất nên có thể cá nhân những người này không cần tiền. Nhưng các cổ đông đều mong muốn được chia cổ tức, nhất là DN kinh doanh có lãi. Nếu DN để lại lợi nhuận mở rộng đầu tư nhưng không hiệu quả thì quyền lợi cổ đông càng bị ảnh hưởng. “Đối với những DN không chia cổ tức tiền mặt hay cổ phiếu nhiều năm liền, thậm chí liên tục chây ì trả cổ tức thì chắc chắn uy tín trong mắt nhiều nhà đầu tư cũng giảm mạnh. Điều này cũng không khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn, đồng hành cùng DN”, ông Hải khuyến cáo.