Ông Nguyễn Phương Hùng, hay còn được nhiều người biết đến với cái tên “Hùng Lò Rèn” ngày ngày nổi lửa giữ nghề truyền thống.
Hà Nội 36 phố phường thường được biết đến với những con đường nhỏ đan xen, gắn liền với nhiều ngành nghề thủ công đã trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Vải, Thuốc Bắc… Trong số đó, Lò Rèn là con phố nổi tiếng với các sản phẩm phục vụ tăng gia sản xuất như cày, cuốc, xẻng, dao, kéo.
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Phương Hùng, hay còn được nhiều người biết đến qua cái tên “Hùng lò rèn”, cách đây vài thập kỷ, các bễ lò ở con phố nhỏ này lúc nào cũng đỏ lửa, đi cách mấy chục mét cũng có thể dễ dàng nghe được tiếng quai búa lanh lảnh, hối hả cùng tiếng nói cười, mua bán rộn rã, tấp nập.
Ông Hùng nổi lửa bễ lò thủ công của mình ở góc phố Lò Rèn – Hàng Đồng.
Cũng như những đứa trẻ thời đó, từ lúc 10 tuổi, ông Hùng đã phải phụ bố nhặt than, nhóm lửa, chuẩn bị đồ nghề. Thế nhưng, ít người biết rằng, cậu bé Nguyễn Phương Hùng từng rất… ghét nghề rèn gia truyền của ông nội và bố “vì vừa nóng bức, vừa nhức đầu mà lúc nào cũng mồ hôi mồ kê, lấm lem muội than, bụi kim loại”.
Công việc thường thấy nhất của ông Hùng là sửa chữa, làm mới các mũi khoan, mũi đục máy xây dựng.
Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai trẻ Nguyễn Phương Hùng quyết định học nghề cơ khí rồi về làm việc ở một xưởng sửa chữa ô-tô. Cuộc đời ông Hùng có lẽ đã gắn với những linh kiện sản xuất ô tô, nếu như trước phút lâm chung, bố ông không gọi các con lại và căn dặn: “Chỉ thằng Hùng có thể nối nghiệp tổ tông”.
Bễ lò rèn truyền thống đỏ lửa đón những “công trình” mới.
Khi đó, ông Hùng như bừng tỉnh. Ông nhận ra rằng, cũng với bễ lò rèn ấy, bố ông đã nuôi nấng 7 người con ăn học từ tế, trở thành người đàng hoàng. Ông chính thức tiếp quản “cơ ngơi” ông cha để lại, trở thành nghệ nhân đời thứ 3 giữ lửa lò rèn của tổ tông.
Những đóa “hoa lửa” nổ tí tách, báo hiệu thời điểm nguyên liệu đã sẵn sàng để gia công.
Lúc này, ông Hùng sẽ lấy nguyên vật liệu ra khỏi lò.
Mỗi tiếng quai búa đanh gọn vang lên là một lần sản phẩm dần có thêm hình hài, sức sống.
Ánh lửa đỏ của phôi kim loại qua đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công năm nay đã 64 tuổi.
Gần 30 năm thấm thoát trôi qua, những bễ lò rèn thủ công của 36 phố phường dần nguội lạnh. Các nghệ nhân, trong đó không ít người là truyền nhân đời thứ 3-4 của cái nghề “mồ hôi mồ kê” ấy cũng lần lượt buông tay quai búa hoặc chuyển sang làm nghề hàn, cơ khí chính xác hay bán vật liệu xây dựng.
Thế nhưng, giữa khu phố cổ ngày càng hối hả chạy theo nhịp sống hiện đại ấy, bễ lò của ông Nguyễn Phương Hùng vẫn đỏ lửa trong khoảng không gian chỉ vỏn vẹn 2m2 ở đầu ngã tư Lò Rèn – Hàng Đồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“Nhiều người nghĩ rằng, nghề rèn đều là những gì thuộc về sức khỏe. Nhưng thực tế không phải như vậy. Nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và độ chính xác rất cao. Không những vậy, người thợ rèn còn cần sở hữu kinh nghiệm, sự tinh tế, đôi bàn tay nhanh nhẹn cùng khả năng tập trung cao độ. Cũng không phải chưa có người đến ngỏ ý xin tôi theo học nghề. Nhưng chỉ sau một thời gian, họ đều bỏ cuộc vì thấy nghề rèn thủ công quá vất vả”, người thợ rèn sinh năm 1960 chia sẻ.
Sau mỗi đợt rèn, ông Hùng lại cho thêm than vào bếp để gia nhiệt.
Những đầu mũi khoan, mũi đục xây dựng trở nên sắc bén như mới sau mỗi nhịp búa.
“Pháo hoa” trong xưởng rèn rộng hơn 2m2 của ông Hùng.
Quả thật, sau nhiều lần tìm đến “lãnh địa 2m2” của ông nhưng không thành công, chúng tôi đã hiểu được phần nào sự tỉ mỉ trong từng công đoạn làm nghề rèn. Có lần, ông chỉ giải thích ngắn gọn rằng, nhiệt độ, độ ẩm trong ngày không phù hợp để nổi lửa, sản phẩm làm ra chắc chắn sẽ không đạt chất lượng tốt như kỳ vọng.
Ông Hùng có 2 người con, một trai và một gái. Tuy nhiên, con trai ông lại không có đủ sức khỏe để nối nghiệp bố. Nhắc đến nguy cơ nghề gia truyền sẽ lụi tàn, ông thoáng ngậm ngùi rồi nhỏ giọng nói: “Thời này, ai mà không muốn nhàn nhã? Chẳng ai đổ mồ hôi sôi nước mắt bên bếp lò nóng đến cả nghìn độ để giữ nghề đâu”.
Hiện tại, ông “Hùng lò rèn” vẫn nhận đều những đơn hàng từ khắp nơi gửi về, trong đó nhiều nhất là việc sửa chữa mũi khoan, mũi đục máy hay làm mới xà beng, cuốc, xẻng… Từ đó, nghề rèn truyền thống vẫn mang lại cho người thợ rèn thủ công cuối cùng của 36 phố phường Hà Nội xưa nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, ngọn lửa bễ lò rèn ở góc phố đó sẽ cháy đỏ được tới bao giờ, khi người nghệ nhân ấy năm nay đã 64 tuổi?
Sau công đoạn rèn, sản phẩm sẽ được làm nguội qua 3 bước.
Bước đầu tiên, sản phẩm phải được nhúng vào thùng dầu.
Để ra được thành phẩm cuối cùng, các mũi khoan, mũi đục tiếp tục được nhúng lần lượt vào thùng nước thường rồi đến nước muối.
Thành phẩm sau những giờ “mồ hôi mồ kê, lấm lem muội than và bụi kim loại” của ông Hùng.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/ngam-hoa-lua-tu-tay-nguoi-tho-ren-thu-cong-cua-pho-co-ha-noi-post828187.html