(Dân trí) – Cây gạo ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa có tuổi đời hơn 500 năm, vừa được công nhận là cây di sản đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Cây gạo này hoa màu vàng cam, rất ít nơi có.
Cây gạo hoa cam này nằm ở trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng, thuộc thôn 3 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Theo các cao niên địa phương, cây gạo này đã có tuổi đời hơn 500 năm, được người dân xem là báu vật thiêng liêng, vô giá, gắn với bao thăng trầm lịch sử của vùng đất Tuyên Hóa.
Trong thời kỳ chống Pháp, dưới chân cây gạo, dân làng từng xây dựng có lò vôi để cung cấp vật liệu xây dựng đình chùa, miếu mạo cho cả vùng. Dù quê hương liên tục bị bom cày, đạn xới, mưa bão triền miên khiến nhiều cây cổ thụ đổ ngã, nhưng cây gạo vẫn nguyên vẹn, xanh tốt và hiên ngang đứng vững giữa đất trời.
Cây gạo cổ thụ ở thôn Thiết Sơn có chu vi gốc 18m, chu vi thân 14m, cao khoảng 30m, tán vươn rộng khoảng 20m. Gốc cây rộng lớn, 10 người ôm không xuể, có nhiều rễ bám xung quanh. Cây có nhiều nhánh lớn, tỏa bóng một vùng, mỗi nhánh có hình thù uốn lượn rất độc đáo giữa không trung.
Điều đáng chú ý, giống cây gạo thường có 2 màu hoa đỏ và trắng, riêng cây gạo ở Thạch Hóa hoa lại là màu vàng cam, màu hoa gạo này rất ít nơi có.
Cạnh cây gạo có một miếu thờ, người dân địa phương gọi là miếu thờ thần rừng. Đối với người dân ở Thạch Hóa, cây gạo không chỉ là biểu tượng cho sự trường tồn, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, với hình ảnh làng quê thân thuộc.
“Cây gạo này có từ xa xưa, giờ cũng chẳng ai nhớ có từ đời nào, từ thời ông bà tôi sinh ra, cây gạo đã có rồi. Trải qua chiến tranh, bom đạn, cây gạo cổ thụ vẫn sừng sững vượt qua thăng trầm như vậy. Từ xa xưa đến nay, cây gạo là biểu tưởng của quê hương, là bóng mát chở che, ôm ấp dân làng Thạch Hóa nên luôn được bà con yêu quý, bảo vệ”, anh Nguyễn Thanh Định, một người dân xã Thạch Hóa chia sẻ.
Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa nhuộm đỏ sắc thắm cả một góc trời, một bên cây gạo là núi đá vôi, một bên là cánh đồng lúa bát ngát, tạo ra một khung cảnh yên bình, đẹp như tranh vẽ.
Ông Nguyễn Thanh Tú, nhân viên khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa cho biết, trước đây nhiều người cho rằng, một số bộ phận cây gạo có thể trị bệnh nên thân cây bị xâm hại. Vì muốn giữ gìn cây gạo như một biểu tượng của làng và cho thế hệ sau này, ông Tú cùng với nhiều người dân phát quang, bảo vệ cây gạo cùng với loài voọc quý hiếm ở đỉnh Thiết Sơn.
Vào tháng 4/2023, Hội Di sản văn hóa huyện Tuyên Hóa đã làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận cây gạo cổ thụ ở Thạch Hóa là Cây Di sản Việt Nam. Đến ngày 23/5/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có văn bản thông báo: “Cây gạo ở thôn 3 Thiết Sơn (xã Thạch Hóa) đã được xét duyệt là Cây Di sản Việt Nam”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa cho hay, cây gạo hoa cam là niềm tự hào của người dân địa phương, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, tinh thần đoàn kết của người dân Thạch Hóa.
Hiện nay, xã Thạch Hóa đã phát quang bụi rậm, mở đường vào khu vực cây gạo hoa cam để phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của người dân, du khách. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận cây di sản do Hội Di sản văn hóa Việt Nam trao tặng.
Được biết, hiện nay cả nước có hơn 4.000 cây di sản đã được công nhận. Riêng ở Quảng Bình, cây gạo ở Thạch Hóa là cây di sản đầu tiên.
Dantri.com.vn