Singapore có Chủ tịch Quốc hội mới, Brazil phản đối mở rộng BRICS, Pháp sơ tán công dân khỏi Niger… là một số tin quốc tế đáng chú ý trong 24 giờ qua.
Mỹ đã gửi lời mời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (ảnh) thăm chính thức. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga chặn nhiều đợt tấn công của Ukraine: Ngày 2/8, người phát ngôn Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp tỉnh Kherson cho hay một chiếc trực thăng Mi-24 của Ukraine đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ ở hữu ngạn sông Dnipro: “Các đơn vị phòng không đã tiêu diệt một máy bay trực thăng Mi-24 của quân đội Ukraine gần khu dân cư Mikhailovka ở hữu ngạn sông Dnipro, tỉnh Kherson”. Thống đốc thành phố Sevastopol trên Bán đảo Crimea xác nhận phòng không Nga đã hạ một máy bay không người lái (UAV) ở thành phố này.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, trong 24 giờ qua, các lực lượng nước này đã tiêu diệt tổng cộng hai thuyền chở 10 binh sĩ Ukraine gần các đảo Proseretsky và Damansky, cùng một hệ thống phóng tên lửa IRIS-T do Đức sản xuất. Binh sĩ Nga còn bắn trúng hai khẩu súng cối 129mm của Ukraine gần khu dân cư Sadovoye, tỉnh Kherson và hai cứ điểm gần các làng Zmeyevka và Mikhailovka ở khu vực Kakhovka. (Sputnik)
* Ukraine hạ hơn 10 UAV Nga ở Kiev: Ngày 2/8, các quan chức Ukraine cho biết hơn 10 UAV Nga đã bị bắn hạ trong một cuộc tấn công xuyên đêm vào Kiev.
Theo ông Sergiy Popko – người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Kiev, các UAV đồng loạt tiến vào Kiev từ nhiều hướng. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã kịp thời phát hiện và bắn hạ tất cả các mục tiêu trên không này. Ngoài ra, ông Popko còn tiết lộ, Nga đã sử dụng một loạt UAV Shahed do Iran sản xuất trong các đợt không kích gần đây.
Trước đó cùng ngày, ông Vitali Klitschko, Thị trưởng thành phố Kiev cho biết, vụ tấn công trên đã gây ra thiệt hại ở nhiều quận, trong đó có quận trung tâm Solomyansky. Chia sẻ trên trang Telegram, quan chức này khẳng định, vụ việc nêu trên đã khiến một tòa nhà phi dân cư bị hư hại, nhiều mảnh vỡ rơi xuống song may mắn không có ai thiệt mạng hoặc bị thương trong. (AFP/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Kiev hạ hơn 10 UAV, Moscow chặn nhiều đợt tấn công, Mỹ nhận định Nga đang gặp khó |
* Mỹ mời Ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm: Ngày 1/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller xác nhận lời mời trên đã xuất hiện trong cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao Mỹ giữa Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và ông Vương Đào, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông nêu rõ: “Trong cuộc họp hôm qua, chúng tôi đã chuyển lời mời trước đây đã được gửi tới Ngoại trưởng Tần Cương và nói rõ lời mời đã được chuyển tiếp”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết phía Trung Quốc có nhận lời hay không. Mặc dù vậy, ông cũng nói thêm, đây là mong đợi của Washington và tin tưởng Bắc Kinh sẽ chấp nhận lời mời. Tuy nhiên, hiện hai bên chưa ấn định thời điểm cụ thể của chuyến thăm. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Trung Quốc: Washington không còn ‘đơn phương’, đến lúc Bắc Kinh phản đòn, tuyên bố không thể im lặng… |
Đông Nam Á
* Thái Lan: Đảng Tiến bước không còn ở trong liên minh 8 đảng: Ngày 2/8, phát biểu với báo giới, ông Chaowarit Khajohnpongkirat, lãng đạo đảng Palang Sakom Mai cho hay: “Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đã gọi điện để nói với chúng tôi rằng, hiện liên minh 8 đảng không còn đảng Tiến bước (MFP) nữa”. (Reuters)
* Singapore có Chủ tịch Quốc hội mới: sáng 2/8, ông Seah Kian Peng, người được Thủ tướng Lý Hiển Long đề cử, đã tuyên thệ nhậm chức tân Chủ tịch Quốc hội Singapore. Như vậy, ông sẽ trở thành người đứng đầu Quốc hội thứ 11 của “Đảo quốc Sư tử” thay ông Tan Chuan-Jin, người đã từ chức giữa tháng Bảy.
Trong phát biểu sáng 2/8, ông Seah Kian Peng cam kết thực hiện nhiệm vụ của mình một cách khách quan, vững chắc và công bằng. Ông cũng kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội cần cẩn trọng trong các hành vi cá nhân, luôn ghi nhớ và gánh vác trọng trách với phẩm giá và ý thức trách nhiệm không ngừng.
Ông Seah, 61 tuổi, đã là nghị sỹ đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đại diện khu vực Marine Parade GRC từ năm 2006, và từng giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội giai đoạn 2011-2016. Hiện ông vẫn là Giám đốc Điều hành (CEO) của Tập đoàn NTUC Enterprise, song dự kiến sẽ từ chức vào cuối năm nay. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Nổ pháo hoa thảm khốc tại Thái Lan, ít nhất 130 người thương vong |
Nam Thái Bình Dương
* Chuyên gia: Australia không ngại việc Trung Quốc thay Ngoại trưởng: Ngày 2/8, một nguồn thạo tin từ chính phủ Australia cho biết, Đại sứ quán Australia tại Trung Quốc đã gửi lời của Ngoại trưởng Penny Wong, mời người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tới thăm Canberra. Lời mời này để “thay thế quyết định hủy chuyến thăm của ông Tần Cương”. Tuy nhiên, thời điểm của lời mời này vẫn chưa được xác định.
Nhận định về động thái trên, Giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Viện quan hệ Australia – Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Australia), nhận định: “Từ quan điểm của Australia, không có mặt tiêu cực nào khi ông Vương trở lại. Bà Penny Wong đã biết rõ về người đồng cấp vì cả hai đều tìm cách ổn định mối quan hệ vào năm ngoái. Đồng thời ông Vương Nghị có nhiều ảnh hưởng hơn trong hệ thống phân cấp chính trị của Trung Quốc so với người tiền nhiệm”.
Trong khi đó, chuyên gia Zhou Weihuan, Giám đốc Trung tâm Luật kinh tế và kinh doanh quốc tế Trung Quốc tại Đại học New South Wales ở Sydney (Australia), đánh giá lời mời là “bước tiến triển mới nhằm ổn định và củng cố quan hệ song phương, các vấn đề cụ thể trong mối quan hệ chỉ có thể được giải quyết dần dần”. Ông khẳng định: “Việc can dự liên tục một cách có thiện chí dựa trên sự linh hoạt, thỏa hiệp và có đi có lại vẫn là điều quan trọng để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với mặt hàng lúa mạch và rượu vang, hay việc Australia siết chặt đầu tư của Trung Quốc”.
Chuyên gia Laurenceson cũng nêu rõ: “Trong khoảng một tuần tới, Bắc Kinh sẽ cần quyết định liệu có dỡ bỏ thuế quan đối với lúa mạch (của Australia) hay không… Câu hỏi sau đó là liệu Bắc Kinh có tiếp tục cam kết gạt sang một bên những bất đồng, thay vào đó tập trung vào các lĩnh vực cùng có lợi và tiếp tục vạch ra quỹ đạo tích cực hơn cho mối quan hệ song phương hay không”. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ và Australia thỏa thuận tăng cường hợp tác không gian bí mật |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc nhận định về việc trì hoãn chuẩn hóa hệ thống THAAD: Ngày 2/8, một quan chức cấp cao của Hàn Quốc cho biết cần phải điều tra kỹ lưỡng nếu có nghi ngờ cho rằng chính quyền của cựu Tổng thống Moon Jae-in cố tình chần chừ trong việc chuẩn hóa Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại nước này.
Theo đó, có cáo buộc cho rằng, chính quyền tiền nhiệm đã cố tình trì hoãn việc công bố báo cáo đánh giá môi trường của căn cứ lắp đặt pin của THAAD tại huyện Seongju thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang, cách Seoul 214 km về phía Đông Nam, năm 2017. Kể từ khi lắp đặt, căn cứ này đã bị giữ ở trạng thái chờ đánh giá.
Quan chức trên nêu rõ: “Việc chuẩn hóa căn cứ Seongju là biện pháp cần thiết cho phương thức phòng thủ chung giữa Hàn Quốc và Mỹ. Nếu có nghi ngờ rằng biện pháp này đã bị trì hoãn có chủ ý, tôi nghĩ chúng ta phải cung cấp các dữ kiện liên quan cho người dân thông qua một cuộc điều tra kỹ lưỡng”. Quá trình chuẩn hóa căn cứ THAAD đã tăng tốc khi ông Yoon Suk Yeol nhậm chức. (Yonhap)
* Triều Tiên chỉ trích Nhật Bản và Pháp: Ngày 2/8, KCNA (Triều Tiên) đã dẫn lời các chuyên gia Triều Tiên chỉ trích chính sách quốc phòng của Nhật Bản.
Cụ thể, bà Kim Sol Hwa – nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên – nhận định: “Đối với ‘mối đe dọa từ các nước láng giềng’ mà Nhật Bản thường xuyên đề cập, đó chẳng qua chỉ là màn khói để che đi động thái biến mình thành một cường quốc quân sự”. Theo bà, mặc dù Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh Trung Quốc và Nga là đe dọa tiềm ẩn, chính Mỹ đã “phá hủy hoàn toàn hòa bình và ổn định khu vực” khi tạo ra một “liên minh đối đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn”, cũng như triển khai các khí tài chiến lược hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan.
Ông Ryu Kyong Chol, nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Triều Tiên – châu Âu, lại tin rằng, Bình Nhưỡng đang bị các nước phương Tây, trong đó có Pháp, đối xử như “kẻ thù”.
Ông lập luận: “Tại thời điểm này, Pháp đã điều động các máy bay chiến đấu đến bán đảo Triều Tiên, khu vực về mặt kỹ thuật là đang có chiến tranh. Hành động này chỉ có thể hiểu theo nghĩa là coi Triều Tiên là kẻ thù”. Theo ông, Pháp trước tiên cần “giải quyết ổn thỏa tình hình trong nước”, vốn ngày càng trầm trọng do “bất hòa xã hội”, thay vì “lãng phí năng lượng ở châu Á-Thái Bình Dương”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Ông Putin nói về ‘kế hoạch’ của phương Tây, Mỹ nêu thứ Nga tìm kiếm ở Triều Tiên |
Châu Âu
* Chuyên gia: Ba quốc gia châu Âu này sẽ không vào NATO: Ngày 1/8, ông Endre Simo, Chủ tịch Cộng đồng vì hòa bình Hungary nhận định Áo, Ireland và Thụy Sỹ ít khả năng nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhận định: “Tôi không cho rằng Áo và Thụy Sỹ sẽ từ bỏ chính sách trung lập theo hiến pháp của họ, vì việc này sẽ phải được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu dân ý và đại đa số người dân sẽ ủng hộ tính trung lập”.
Theo chuyên gia này, hiện có một số lực lượng chính trị nhất định ở cả ba quốc gia nêu trên đang ủng hộ lựa chọn từ bỏ chính sách trung lập và gia nhập NATO.
Ông cũng cho rằng, dù không trung lập về mặt pháp lý nhưng trên thực tế, Ireland theo đuổi chính sách trung lập, chống lại mọi sự tham gia vào xung đột. (TASS)
Châu Mỹ
* Brazil phản đối việc mở rộng BRICS: Ngày 2/8, ba đại diện giấu tên của chính phủ Brazil được dẫn lời cho biết nước này phản đối việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) gồm nước này, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Theo đó, chính phủ đất nước Nam Mỹ cho rằng việc bổ sung thành viên có thể dẫn đến sự xói mòn ý nghĩa và vai trò của nhóm trên trường quốc tế. Hiện BRICS chiếm 40% dân số và 25% GDP thế giới. Nhóm này đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong các sáng kiến và hợp tác chung về kinh tế, giáo dục, văn hóa và khoa học.
Song chưa rõ liệu tuyên bố của Brazil có nhằm vào một nước cụ thể nào muốn gia nhập BRICS, hay nó được chỉ đưa ra trong bối cảnh kế hoạch mở rộng nhóm làm suy yếu tầm quan trọng của BRICS. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị hòa bình cho Ukraine sắp diễn ra, Brazil xác nhận tham dự cùng 30 nước |
Trung Đông-châu Phi
* Tình hình Niger: Biên giới được mở lại, phái đoàn quân sự Niger tới Mali, Pháp sơ tán công dân: Ngày 1/8, phát biểu trên truyền hình quốc gia, một sĩ quan đảo chính ở Niger tuyên bố: “Biên giới trên bộ và trên không giữa Niger với Algeria, Burkina Faso, Libya, Mali và Chad đã được mở lại từ hôm nay (1/8)”.
Trong khi đó, ngày 2/8, một quan chức cấp cao của Niger và quan chức an ninh của Mali cho biết Tướng Salifou Mody, cựu tham mưu trưởng quân đội và là một sĩ quan lên nắm quyền tại Niger, đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự đến Mali.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Algeria đã kêu gọi khôi phục chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum và trật tự hiến pháp ở đất nước láng giềng. Thông cáo của Bộ này ngày 1/8 nhấn mạnh: “Trật tự hiến pháp phải được khôi phục thông qua các biện pháp hòa bình để ngăn chặn đất nước Niger anh em cũng như toàn bộ khu vực lún sâu hơn vào tình trạng mất an ninh và bất ổn, trong khi người dân của chúng ta rơi vào cảnh khốn cùng”.
Tuy nhiên, Algeria cũng “cảnh báo, kêu gọi thận trọng và kiềm chế trước ý đồ can thiệp quân sự của nước ngoài, cho rằng đây là “những yếu tố chỉ làm phức tạp và trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay”. Algeria và Niger có chung đường biên giới đất liền dài hơn 950 km.
Trong khi đó, ngày 2/8, chiếc máy bay đầu tiên của Pháp chở 262 người sơ tán khỏi Niger đã hạ cánh xuống Sân bay Paris-Roissy Charles de Gaulle vào khoảng 1h30 ngày 2/8 giờ địa phương (6h30 cùng ngày giờ Hà Nội). Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna thông báo: “Có 262 người trên máy bay Airbus A330, trong đó có hàng chục trẻ sơ sinh”, đồng thời cho biết “gần như tất cả hành khách đều là người Pháp”. Chuyến bay khởi hành tối ngày 1/8 này là chuyến bay đầu tiên trong số 3 chuyến bay sơ tán công dân Pháp và châu Âu khỏi Niger.
Tương tự, sáng 2/8, một máy bay quân sự Italy chở 87 người sơ tán khỏi Niger, nơi xảy ra cuộc đảo chính hồi tuần trước, đã đến thủ đô Rome. Phát biểu với đài RAI (Italy), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết một số công dân đã quyết định ở lại Niger. Đồng thời, ông nói thêm rằng Đại sứ quán Italy ở Niamey sẽ vẫn mở cửa. Về khả năng can thiệp quân sự ở Niger, nhà ngoại giao này kêu gọi “loại trừ bất kỳ sáng kiến quân sự nào của phương Tây bởi vì điều này sẽ bị coi là tiến trình thuộc địa hóa mới”.
Về phần mình, Đại sứ Italy tại Niger, ông Emilia Gatto cho biết, có khoảng 80 người Italy tại Niamey trước khi sơ tán và những người ở lại sẽ không gặp nguy hiểm. Hiện Italy có khoảng 300 binh sỹ ở Niger, tham gia nhiệm vụ chống nổi dậy và huấn luyện quân sự, song chưa có thông báo nào về việc họ sơ tán. (AFP/Reuters)