Trả lời phỏng vấn tờ 20 minutes của Tây Ban Nha, cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho rằng, LB Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu tham gia hòa đàm nếu phải chịu áp lực. Trong khi, Hungary lên tiếng kêu gọi phương Tây “đảm bảo an ninh” cho Moscow.
Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho rằng, LB Nga và Ukraine chỉ có thể bắt đầu tham gia hòa đàm nếu phải chịu áp lực. (Nguồn: Haaretz) |
Ông Stubb nhấn mạnh: “(Để bắt đầu đàm phán hòa bình) cần các cường quốc như Trung Quốc và các cường quốc lớn ở phương Đông và phương Nam gây áp lực buộc Moscow ngồi vào bàn đàm phán.
Nếu điều đó xảy ra, thì chắc chắn Mỹ và Vương quốc Bỉ cũng sẽ phải làm như vậy với (Tổng thống Ukraine Volodimir) Zelensky để thuyết phục ông ấy rằng, đã đến lúc đàm phán. Phải có áp lực từ cả hai phía”.
Nga đã nhiều lần thể hiện quan điểm của mình liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý trước đó, nước này luôn để ngỏ các giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột và sẵn sàng đáp ứng những đề xuất thực sự nghiêm túc.
* Trong một diễn biến có liên quan, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary – ông Gergely Gulyas – tuyên bố một nền hòa bình lâu dài hậu xung đột Ukraine chỉ có thể đạt được nếu Nga nhận được đảm bảo an ninh từ phương Tây.
Phát biểu tại một sự kiện dành cho sinh viên, ông Gulyas nhấn mạnh Ukraine không có cơ hội thực tế để giành lại các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố là của mình từ tay Nga. Ông nói thêm “rõ ràng là Nga không gây ra mối đe dọa đối với Trung Âu” bởi Moscow chưa thể giành được chiến thắng nhanh chóng và vang dội trong cuộc xung đột. Theo ông Gulyas, hòa đàm giữa Nga và Ukraine sẽ không khả thi nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ông nói thêm các nước phương Tây “phải đưa ra đảm bảo an ninh cho Nga, nhưng chắc chắn không phải là tư cách thành viên NATO đối với Ukraine”. Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary còn tuyên bố về lâu dài, hòa bình giữa Moskva và Kiev có thể được duy trì thông qua hoạt động triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh “nếu không lôi kéo người Nga vào cấu trúc an ninh của châu Âu, chúng ta không thể mang lại cuộc sống an toàn cho người dân của mình”. Hungary không phải là quốc gia phương Tây duy nhất kêu gọi tính đến lợi ích của Nga. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi phương Tây suy nghĩ về cách đảm bảo an ninh không chỉ cho Ukraine mà còn cho Nga, đồng thời khẳng định NATO phải giải quyết những lo ngại của Moskva về việc khối quân sự do Mỹ dẫn đầu “có mặt ngay trước cửa ngõ và triển khai vũ khí có thể đe dọa Nga”.
Cuộc tranh luận về bảo đảm an ninh cho Nga đã nóng lên trước khi xung đột Ukraine nổ ra. Hồi tháng 12/2021, Moskva đưa ra danh sách các yêu cầu với Mỹ và NATO, đề nghị phương Tây áp đặt lệnh cấm Ukraine gia nhập khối quân sự, đồng thời nhấn mạnh liên minh sẽ rút quân, quay trở lại đường biên giới hồi năm 1997 trước khi mở rộng. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị phương Tây bác bỏ.
Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố tính trung lập của Ukraine là vấn đề “có tầm quan trọng cơ bản” đối với Nga, lập luận rằng việc Kiev thúc đẩy gia nhập NATO là một trong những nguyên nhân chính đằng sau chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
* Trước đó, sáng 3/9, Lực lượng không quân Ukraine thông báo họ đã phá hủy 22 máy bay không người lái của Nga trong một cuộc tấn công qua đêm vào khu vực phía Nam Odesa.
Viết trên Telegram, Không quân Ukraine cho biết, Nga “đã phát động một số đợt tấn công sử dụng máy bay không người lái ‘Shahed-136/131’ từ phía Nam và Đông Nam”.
Thông báo nhấn mạnh tổng cộng có 25 máy bay không người lái tấn công Shahed do Iran sản xuất đã được sử dụng và “22 chiếc trong số đó đã bị… Không quân phá hủy với sự hợp tác của lực lượng phòng không thuộc các thành phần khác của Lực lượng Phòng vệ Ukraine”.
Trong khi đó, tờ New York Times (NYT) cho hay, Lực lượng Vũ trang Nga đang sử dụng chiến thuật mới ở khu vực quân khu phía Bắc, khiến phía Ukraine phải lo ngại. NYT nêu rõ: “Theo Thuỷ quân lục chiến Ukraine, quân đội Nga đang sử dụng chiến thuật mới để khiến các bãi mìn, vốn đã nguy hiểm, trở nên nguy hiểm hơn.
Cùng với đó, quân đội Ukraine cũng thừa nhận lợi thế của Nga ở một số khía cạnh quan trọng như có nhiều pháo binh hơn, nhiều xe tăng hơn, nhiều máy bay không người lái, và nhiều quân nhân hơn. Tuy nhiên, tại mặt trận phía Nam, sau nhiều tuần giao tranh ác liệt, các lực lượng Ukraine tuyên bố đã chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga, và giành quyền kiểm soát nhiều thị trấn.
Kể từ khi chiến dịch phản công toàn diện diễn ra từ ngày 4/6, bước tiến của Ukraine ở phía Nam đã bị đình trệ đáng kể, khi các lực lượng của nước này phải băng qua một vùng đất được mô tả như “mê cung” gồm các chiến hào và cứ điểm được phòng thủ kiên cố của Nga. Mọi chuyển động có thể dễ dàng bị máy bay không người lái của Nga giám sát trên chiến trường phát hiện.
Về phần mình, Nga thực hiện chiến lược riêng để đối phó với Ukraine. Quân đội Nga tập trung hơn 100.000 binh sỹ ở phía sau chiến tuyến ở phía Đông Bắc.
Ukraine cũng dự đoán, Nga sẽ tìm cách giành lại làng Robotyne, ngăn chặn Kiev tiến sâu hơn về phía Nam. Gần đây, quân đội Ukraine cũng phát hiện dấu hiệu cho thấy Nga đã huy động Sư đoàn số 76 – lực lượng dự bị tinh nhuệ, tới bịt lỗ hổng phòng tuyến ở vùng Zaporizhzhia.