Hàn Quốc phủ nhận tin ông Yoon Suk Yeol thăm Ukraine, Kazakhstan khẳng định thái độ về nhà nước liên minh… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Chile bổ nhiệm ông Jaime Gazmuri làm Đại sứ tại Venezuela sau hơn 5 năm. (Nguồn: Globovision) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Truyền thông Nga: UAV Ukraine tấn công miền Nam: Ngày 26/5, các quan chức và truyền thông Nga cho biết Ukraine đã tấn công hai khu vực ở miền Nam nước Nga bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Truyền thông Nga cho biết một tòa nhà dân cư và văn phòng tại thành phố Krasnodar đã bị hư hại.
Viết trên Telegram, Thị trưởng Krasnodar Yevgeny Naumov nhấn mạnh: “Tất cả các dịch vụ khẩn cấp đang thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra. Người dân được yêu cầu giữ bình tĩnh”.
Trong khi đó, Thống đốc vùng Rostov Vasily Glubev cho biết: “Ở Morozovsk, một hệ thống phòng không đã khai hỏa và bắn hạ một tên lửa Ukraine. Quân đội đang thực hiện nhiệm vụ. Hãy bình tĩnh”. (Reuters)
* Nga không muốn hòa đàm với chính quyền Ukraine hiện tại: Ngày 26/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói: “Bất kỳ cuộc xung đột nào luôn kết thúc bằng đàm phán, và điều này là không thể tránh khỏi, nhưng chừng nào chính quyền hiện tại do ông Volodymyr Zelensky lãnh đạo còn nắm quyền ở Ukraine, việc tiến hành các cuộc đàm phán là điều không thể”.
Nhà lãnh đạo này cũng nhận định: “Cuộc xung đột này diễn ra suốt một khoảng thời gian rất dài, có thể là trong nhiều thập kỷ. Đó là một thực tế mới, điều kiện sống mới. Chừng nào còn tồn tại quyền lực như vậy (ở Kiev), thì sẽ có, giả sử, 3 năm ngừng bắn, 2 năm xung đột, rồi mọi thứ sẽ lại xảy ra như cũ.” (Sputnik/RT)
* Ukraine tuyên bố đẩy lùi nhiều đợt không kích của Nga: Ngày 26/5, cơ quan quân sự thủ đô Kiev nêu rõ: “Một cuộc không kích khác vào Kiev, lần thứ 13 liên tiếp kể từ đầu tháng Năm. Và như mọi khi, vào ban đêm. Theo thông tin sơ bộ, tất cả các mục tiêu của đối thủ trên bầu trời Kiev đã bị phát hiện và tiêu diệt”.
Đồng thời, trong cuộc họp hàng sáng, Bộ Tổng Tham mưu Ukraine đã ghi nhận 55 đợt không kích của Nga trong ngày hôm qua, bao gồm 36 cuộc tấn công bằng UAV và 4 cuộc tấn công bằng tên lửa. Báo cáo cho biết: “Một tên lửa S-300 đã đánh trúng một con đập ở khu vực Karlivka thuộc vùng Donetsk. Hậu quả là có nguy cơ lớn xảy ra lũ lụt ở những khu định cư khác gần đó”.
Cùng ngày, viết trên Telegram, Tỉnh trưởng tỉnh Dnipropetrovsk Serhiy Lysak cho biết một bệnh viện ở thành phố Dnipro đã bị Nga tấn công bằng tên lửa trong ngày 26/5. Phát biểu ít lâu sau đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cho hay vụ việc đã khiến cho ít nhất 1 người thiệt mạng và 15 người bị thương. (AFP/Reuters)
* Hàn Quốc bác tin ông Yoon Suk Yeol thăm Ukraine: Ngày 26/5, một quan chức cấp cao tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã phủ nhận thông tin của đài TBS (Nhật Bản) và khẳng định: “Không hề có kế hoạch nào như vậy… Chỉ khi có sự thay đổi về chất trong quá trình hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine thì (Tổng thống Yoon Suk Yeol) mới có khả năng thực hiện chuyến thăm và tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh”.
Một quan chức khác của xứ sở kim chi cũng nhấn mạnh thông tin nêu trên từ phía Nhật Bản là “không chính xác”, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng những tin tức sai lệch như vậy có thể làm suy giảm lòng tin giữa hai nước.
Trước đó, ngày 25/5, Đài truyền hình TBS (Nhật Bản) trích dẫn nhiều nguồn tin của Chính phủ nước này tiết lộ các về khả năng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Litva tháng 7 tới và có thể đến thăm Ukraine khoảng thời gian này.
Ngày 20/5 vừa qua, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã lần đầu tiên gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản).
Ông cam kết viện trợ thêm cho Kiev, bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn và xe cứu thương. Tính đến nay, Hàn Quốc đã gửi nhiều hàng hóa viện trợ phi sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện nước này vẫn tránh cung cấp vũ khí. (Yonhap)
* Trung Quốc kêu gọi thực hiện toàn diện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen: Phát biểu ngày 26/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Mao Ninh ngày 26/5 cho biết Bắc Kinh hy vọng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen có thể được thực hiện một cách cân bằng và toàn diện, đồng thời muốn hợp tác về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.
Trước đó, ngày 25/5, chính quyền Moscow đã phát tín hiệu rằng nếu nhu cầu cải thiện xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được đáp ứng thì nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 17/7. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Kiev tiếp tục bị không kích xuyên đêm; Nga dọa phủ đầu nếu dính đến hạt nhân |
Mỹ-Nga
* Nga phản đối bình luận của ông Jake Sullivan: Ngày 26/5, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Các nhà ngoại giao cấp cao của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Moscowđã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về những tuyên bố ‘không thể chấp nhận được’ của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, người đã phê duyệt các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang từ chính quyền Kiev trên lãnh thổ Nga, bao gồm Crimea và vùng Belgorod”.
Trước đó, ngày 21/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington không cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Crimea không thuộc Nga. (Reuters/Sputnik)
* Phóng viên Wall Street Journal kháng cáo việc Nga giam giữ kéo dài: Ngày 26/5, nguồn tin tòa án cho biết phóng viên tờ Wall Street Journal (Mỹ), ông Evan Gershkovich đã kháng cáo quyết định của tòa án Nga về việc gia hạn thời gian giam giữ ông trước khi xét xử thêm ba tháng.
Ban đầu, ông Gershkovich được chỉ định bị giam giữ cho đến ngày 29/5. Tuy nhiên, trong phiên lấy lời khai hôm 24/5, một tòa án Nga đã gia hạn thời gian giam giữ ông cho đến ngày 30/8 tới.
Ông Gershkovich, công dân Mỹ (31 tuổi) đã bị bắt hồi tháng Ba sau khi cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc ông thu thập bí mật quân sự ở thành phố Yekaterinburg. Nhân vật này là nhà báo Mỹ đầu tiên bị bắt và giam giữ ở Nga vì cáo buộc gián điệp kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Mỹ cho rằng đây là một vụ bắt giữ sai trái và đã kêu gọi Nga ngay lập tức trả tự do cho công dân. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Iran cảnh báo sẽ ‘ăn miếng trả miếng’ Mỹ nếu Washington làm điều này |
Đông Bắc Á
* Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc chỉ trích Thượng đỉnh G7: Ngày 26/5, trả lời phỏng vấn đài phát thanh MBC (Hàn Quốc), Đại sứ Trung Quốc tại Seoul Hình Hải Minh nhấn mạnh nước này và Hàn Quốc không chỉ là láng giềng, mà còn là đối tác hợp tác thân thiết không thể tách rời. Ông khẳng định Bắc Kinh luôn coi trọng và mong muốn phát triển mối quan hệ song phương này.
Đại sứ Trung Quốc cho rằng dù là láng giềng hay đối tác, yếu tố quan trọng nhất là hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, bởi đây là cơ sở để phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định quan hệ Trung-Hàn.
Ngoài ra, ông chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua “vẫn khăng khăng đi theo lập trường đối đầu phe phái và tâm lý Chiến tranh Lạnh, thổi phồng những vấn đề liên quan đến Bắc Kinh, bôi nhọ và tấn công Trung Quốc, đồng thời can thiệp vào công việc nội bộ của nước này”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các nước này tuân thủ xu thế chung của thời đại và thực hiện những hành động có thể thực sự duy trì hòa bình, ổn định, thống nhất và phát triển của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi cũng hy vọng phía Hàn Quốc có thể hiểu và ủng hộ lập trường của Trung Quốc”. (Global Times)
* Động đất 6,2 độ Richter tại miền Đông Nhật Bản: Ngày 26/5, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết một trận động đất 6,2 độ Richter đã làm rung chuyển Tokyo và các khu vực xung quanh miền Đông Nhật Bản vào ngày 26/5, nhưng không có mối đe dọa về sóng thần. Theo cơ quan trên, trận động đất xảy ra lúc 19 giờ 03 phút, với cường độ địa chấn thấp hơn 5 trên thang cường độ địa chấn gồm 7 mức của Nhật Bản ở các khu vực thuộc tỉnh Ibaraki và Chiba. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Chính phủ Nhật Bản: ‘Ứng trước’ tài chính khuyến khích tăng sinh |
Trung Á
* Kazakhstan không có kế hoạch gia nhập nhà nước liên minh: Ngày 26/5, viết trên mạng xã hội, ông Ruslan Zheldibay – Thư ký báo chí Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev viết: “Kazakhstan không có ý định và không có kế hoạch thành lập hoặc gia nhập bất kỳ nhà nước liên minh nào”.
Theo quan chức Kazakhstan, “thông điệp chính mà (Tổng thống) Tokayev gửi đi, đó là sự hội nhập trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có thể và chỉ nên đi theo con đường kinh tế… Vượt ra ngoài khuôn khổ này là hành vi vi phạm các mục tiêu và nguyên tắc trong các văn bản điều lệ của tổ chức”.
Quan chức này cũng nhấn mạnh: “Như Tổng thống đã lưu ý, hội nhập kinh tế không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là một phương tiện để phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi của người dân. Điều đó có nghĩa là bất kỳ quyết định nào được đưa ra trong khuôn khổ liên minh đều cần mang lại kết quả cho từng cá nhân tham gia và trên hết là cho công dân của tất cả các quốc gia thành viên EAEU”.
Trước đó, hôm 24/5, ông Tokayev đã tham gia phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Á-Âu – một sự kiện kinh doanh thường niên của EAEU – ở Moscow. Nhà lãnh đạo này khẳng định có nhiều cấp độ hội nhập khác nhau tại diễn đàn và nhắc lại rằng Nhà nước Liên minh Nga và Belarus là một phần của EAEU. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á: Bắc Kinh công bố khoản tài trợ 3,7 tỷ USD |
Châu Âu
* Pháp: Bắt giữ người di cư sau khi đụng độ cảnh sát: Ngày 26/5, các công tố viên cho biết lực lượng an ninh Pháp đã bắt giữ 38 người di cư đang tìm cách vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ sang Anh sau khi đụng độ với cảnh sát.
Theo đó, trong khi tuần tra khu vực Oye-Plage, bên ngoài Calais, bãi biển phía Bắc của Pháp, các hiến binh Pháp đã bị người di cư ném đá, làm vỡ kính chắn gió của các xe địa hình. Người đi cư đã cư tiếp tục tấn công các hiến binh bị mắc kẹt trong xe trước khi được giải cứu, khiến 3 thành viên của lực lượng này bị thương (AFP)
* Thụy Điển muốn gia nhập NATO trước tháng Bảy: Ngày 26/5, phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Tây Ban Nha José Manuel Albares, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói: “Chúng tôi sẽ có thể là một phần của NATO trước đó (tháng Bảy) và tham vọng của chính phủ sẽ là như vậy”.
Tháng 5/2022, Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với Phần Lan và tháng Tư vừa qua, Phần Lan đã chính thức là thành viên thứ 31 của liên minh này. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn còn đang đợi sự chấp thuận từ hai thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga khuyên Mỹ ‘từ bỏ nỗ lực xây phe khối’ ở châu Á-Thái Bình Dương |
Châu Mỹ
* Chile bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Venezuela sau 5 năm: Ngày 25/5, Bộ Ngoại giao Chile thông báo Tổng thống Gabriel Boric đã bổ nhiệm cựu Thượng nghị sĩ Jaime Gazmuri làm đại sứ đầu tiên của Chile tại Venezuela từ năm 2018.
Giải thích về quyết định trên, Ngoại trưởng nước này Alberto van Klaveren cho hay dù Santiago chưa bao giờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Caracas, nhưng giờ đây, Chile đã quyết định nối lại quan hệ song phương ở cấp cao nhất. Quan chức cấp cao của đất nước Nam Mỹ cũng nhận định đây là thời điểm thích hợp để bình thường hóa quan hệ với Venezuela để củng cố các hoạt động song phương. Trước đó, trong 5 năm qua, Santiago chỉ có một đại biện lâm thời tại Caracas.
Ông Gazmuri là thượng nghị sĩ Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại và ủy viên các Ủy ban Tài chính, Kinh tế, Nhà ở, Quốc phòng, Nông nghiệp và Lao động của Vùng Maule giai đoạn 1990-2010. Ông cũng từng là thành viên của Hội đồng Truyền hình Quốc gia (2011-2013) và giám đốc kênh Truyền hình Quốc gia Chile (2019). Chính trị gia này đã đảm nhiệm vị trí Đại sứ Chile tại Brazil (2014-2018).
Đáng chú ý, ông Gazmuri là người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn với tư cách là chuyên gia tư vấn cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ. Hiện tại, chính trị gia này là thành viên Hội đồng tư vấn của Bộ Ngoại giao Chile và đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Diễn đàn thường trực về chính sách đối ngoại. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Venezuela hoan nghênh BRICS, muốn tìm cách làm điều này với đồng USD |
Trung Đông-Châu Phi
* Mỹ, Saudi Arabia đánh giá việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Sudan: Ngày 26/5, Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum cho biết Mỹ và Saudi Arabia đã ghi nhận sự tôn trọng được cải thiện đối với thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn và các thỏa thuận nhân đạo ở Sudan.
Mặc dù vậy, các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa Lực lượng Vũ trang Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) vẫn tiếp tục nổ ra trong vài giờ qua, phá vỡ sự yên tĩnh tương đối ở thủ đô Khartoum.
Trước đó, tại đàm phán ở Jeddah do Saudi Arabia và Mỹ làm trung gian ngày 20/5, Lực lượng Vũ trang Sudan và RSF đã ký thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trong 7 ngày và có hiệu lực sau 48 giờ kể từ thời điểm được ký. Tuy nhiên, ngay ngày 24/5, Saudi Arabia và Mỹ cáo buộc các phe đối địch tại Sudan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ cam kết. (Reuters)