Quan chức Nga nói rằng lực lượng nước này đã hạ thêm một xe tăng Challenger 2 được Anh chuyển cho Ukraine chỉ với một tên lửa dẫn đường Kornet.
“Cuộc săn tìm xe tăng Anh đã bắt đầu. Chúng sẽ cháy đượm như các khí tài khác được phương Tây viện trợ cho Ukraine”, Vladimir Rogov, quan chức do Nga bổ nhiệm tại tỉnh Zaporizhzhia, hôm 10/9 tuyên bố khi thông báo thêm một chiếc Challenger 2 đã bị loại khỏi vòng chiến tại tỉnh Zaporizhzhia.
Ông Rogov cho biết chiếc Challenger 2 bị các binh sĩ thuộc Trung đoàn 104, Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 76 hạ bằng một quả đạn chống tăng Kornet, nhưng không tiết lộ cụ thể tình huống trận đánh. Chưa có hình ảnh nào về sự việc này được công bố.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Ukraine bị bắn cháy gần làng Rabotino hôm 6/9, đánh dấu lần đầu mẫu xe tăng này bị đối phương phá hủy hoàn toàn kể từ khi được Anh đưa vào biên chế cách đây 25 năm. Các chuyên gia phương Tây nhận định nó có thể đã bị trúng mìn hoặc đạn pháo của Nga, mất khả năng di chuyển và bị trúng đòn đánh bồi.
Anh viện trợ tổng cộng 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine. Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Challenger 2 có nhiều ưu thế trước phần lớn xe tăng chủ lực đang được Nga triển khai trên chiến trường, có thể giúp Ukraine tung những “cú đấm thép” uy lực nhằm vào lực lượng thiết giáp đối phương.
Các binh sĩ Lữ đoàn Xung kích đường không số 82 Ukraine nói rằng Challenger 2 đóng vai trò ổ hỏa lực di động, tận dụng hệ thống kính ngắm và điều khiển hỏa lực hiện đại để bắn phá cứ điểm Nga từ khoảng cách hơn 3 km. Điều này cho phép kíp xe Challenger 2 nấp trong công sự và tấn công từ tuyến sau, tránh đụng độ trực tiếp với tên lửa dẫn đường và UAV tự sát đối phương.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Mỹ David Axe, xe tăng Challenger 2 dễ tổn thương khi phải rời vị trí ẩn nấp để cơ động đến trận địa mới, thời điểm lực lượng Nga có thể phát hiện và tung đòn tập kích, đặc biệt là bằng tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) Kornet.
Ra đời vào năm 1994, tên lửa chống tăng Kornet được thiết kế để tiêu diệt mọi xe tăng hiện đại của phương Tây như Leopard 2 và M1 Abrams nhờ đầu đạn kép. Nhà thiết kế đặt hai liều nổ lõm xuyên giáp (HEAT) nằm tách biệt, thay vì xếp chồng lên nhau như ATGM phương Tây.
Thiết kế đầu đạn Kornet tăng chiều dài luồng hội tụ xuyên giáp, giúp đầu đạn chính được kích hoạt từ khoảng cách xa hơn, bảo vệ nó khỏi bị hư hỏng do vụ nổ từ đầu đạn sơ cấp phía trước. Tên lửa Kornet có khả năng xuyên thủng lớp giáp dày tương đương 1.000-1.300 mm giáp thép cán đồng nhất (RHA) sau khi phá hủy giáp phản ứng nổ của đối phương.
Hệ thống Kornet được Nga xuất khẩu cho gần 30 nước và lần đầu thực chiến năm 2003, xuất hiện trong nhiều xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi, từng phá hủy nhiều loại xe tăng hiện đại của phương Tây.
Một điểm nổi bật của Kornet là kính ngắm ảnh nhiệt có khả năng phóng đại 12-20 lần, lớn hơn mức 12 lần trên kính ngắm cùng loại của tên lửa FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất. Kính ngắm ảnh nhiệt ITAS trên tổ hợp TOW Mỹ có độ phóng đại 24 lần, nhưng nặng hơn nhiều so với hệ thống ngắm bắn của Kornet.
Vũ Anh (Theo RIA Novosti, Forbes)