Nga phát triển riêng cho tiêm kích Su-57 tên lửa tầm ngắn thế hệ thứ năm RVV-MD2, vượt trước 5-10 năm so với những tên lửa tương tự của Mỹ.
Máy bay Su-57 của Nga đang luyện tập phóng tên lửa. (Nguồn: TASS) |
Đại diện công ty thiết kế chế tạo Vympel NPO cho biết điều này trong bài báo đăng trên tạp chí Nga Kho vũ khí của Tổ quốc.
“Có thể nói rằng quá trình phát triển tên lửa không đối không thế hệ thứ năm ở Nga đã đạt đến giai đoạn sản xuất công nghiệp, đi trước từ 5 đến 10 năm so với những thành tựu tương tự ở Mỹ”, bài báo viết.
Các tác giả chỉ ra rằng không giống như Mỹ, việc phát triển và thử nghiệm tên lửa không đối không thế hệ thứ năm ở Nga được thực hiện trong thời gian rất ngắn, đồng thời đã bước vào giai đoạn chuẩn bị đưa tên lửa vào biên chế vũ khí của quân đội Nga.
Theo các nhà phát triển, RVV-MD2 có thể được đặt ở khoang bên trong thân máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57.
Như chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, Tổng Biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc chia sẻ với Sputnik, RVV-MD2 “là loại đầu tiên trong các tên lửa tầm ngắn sử dụng hệ thống điều khiển quán tính, được thiết kế để điều khiển tên lửa và ổn định nó khi bay ở chế độ tự động”.
Hệ thống điều khiển quán tính có chức năng xác định tọa độ của mình trong không gian một cách tự động, không cần chỉ thị hướng dẫn và tín hiệu từ bên ngoài.
Ngoài ra, ông Murakhovsky lưu ý rằng RVV-MD2 được trang bị đường dẫn mục tiêu vô tuyến, cho phép xác định tọa độ của mục tiêu ngay từ trong máy bay, tăng xác suất bắn hạ các phương tiện bay của đối phương.
Tên lửa mới có một ưu điểm nữa so với phiên bản trước, đó là đầu tự dẫn hồng ngoại đa thành phần, nâng cao khả năng chống nhiễu, ông Murakhovsky cho biết.
Theo ông, tên lửa mới có thể bắn trúng mục tiêu ở mọi góc độ, đặc biệt là ở bán cầu sau – nghĩa là RVV-MD2 được phóng về phía trước, quay vòng trên không và bắn trúng mục tiêu địch ở phía sau máy bay Su-57.