Theo SF, Lostarmour.info vừa mới công con số khí tài của Ukraine bị máy bay không người lái cảm tử Lancet Nga phá huỷ. Theo đó, tính đến ngày 8/3, Lancet của Nga đã phá huỷ 1.210 khí tài của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Lostarmour đã ghi lại các cuộc tấn công của máy bay không người lái cảm tử Lancet Nga nhằm vào khí tài Ukraine. Những con số này được thống kê dựa trên bằng chứng trực quan như video và ảnh chụp.
Theo bản tóm tắt do Lostarmour cung cấp, các cuộc tấn công Lancet của Nga cho đến nay đã phá hủy hoặc làm hư hỏng 224 khẩu pháo tự hành, 235 pháo kéo, 31 bệ phóng tên lửa đa nòng, 165 xe tăng chiến đấu chủ lực, 114 xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân, 64 hệ thống phòng không và pháo phòng không tự hành, 71 radar tác chiến điện tử và hệ thống thông tin liên lạc, một máy bay chiến đấu.
Trong hai tháng qua, tỉ lệ các cuộc không kích được ghi nhận đã tăng hơn gấp đôi so với vài tháng trước đó.
Tuần qua, Lostarmour đã ghi lại 22 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử Lancet của Nga trên khắp tiền tuyến trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các cuộc tấn công gần đây đã phá hủy hoặc làm hư hại 6 khẩu pháo tự hành, trong đó có một khẩu M109 do Mỹ sản xuất và một khẩu Archer do Thụy Điển sản xuất; 3 khẩu pháo kéo, trong đó có một khẩu M777 do Mỹ sản xuất; 5 xe tăng chiến đấu chủ lực; một xe chiến đấu bộ binh BTR-4 do Ukraine sản xuất; 2 pháo phòng không, trong đó có một pháo tự hành Gepard 1A2 do Đức sản xuất; 2 radar, trong đó có một radar AN/TPQ-36 do Mỹ sản xuất; một hệ thống định hướng tín hiệu, Plastun-RP3000 do Ukraine sản xuất; một chiếc Humvee do Mỹ sản xuất.
Tập đoàn ZALA Aero, một công ty con của Tập đoàn Quốc phòng khổng lồ Kalashnikov Concern (Nga), đã sản xuất hai phiên bản Lancet. Phiên bản Izdeliye-52 có thời gian hoạt động 30 phút, mang đầu đạn nặng 1 kg và phiên bản lớn hơn, Izdeliye-51 có thời gian hoạt động 40 phút, được trang bị đầu đạn nặng 3 kg.
Theo thiết kế, máy bay không người lái cảm tử Lancet bay về phía khu vực được chỉ định bằng hệ thống dẫn đường quán tính với sự hỗ trợ của GLONASS. Sau khi đến khu vực chỉ định, người điều khiển sử dụng hệ thống quang điện để phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu. Sau đó, một hệ thống đo khoảng cách bằng laser sẽ điều khiển quá trình phát nổ của đầu đạn.
Do tiết diện radar nhỏ và tín hiệu hồng ngoại ở mức tối thiểu nên máy bay không người lái cảm tử Lancet rất khó bị phát hiện và đánh chặn.
HOÀ AN (Theo SF)