Việc phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cũng chính là thực hiện 1 trong 6 chương trình trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Sau gần 3 năm thực hiện với những cách làm riêng, huyện Nga Sơn đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Mô hình nông nghiệp của gia đình bà Lê Thị Sáu ở xã Nga Hải cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Nga Hải, gia đình bà Lê Thị Sáu ở thôn Tây Sơn đang duy trì 10.000 m2 nhà lưới chuyên trồng hoa và canh tác dưa vàng. Các loại giống dưa chất lượng cao như kim hoàng hậu, kim hồng ngọc được gia chủ nhập hạt giống từ Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Quy trình sản xuất ở đây hoàn toàn theo hướng nông nghiệp an toàn, bởi nơi đây gần như nói không với phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Trong trang trại toàn bộ hệ thống tưới nước nhỏ giọt được kết nối với điện thoại, có thể cài đặt giờ tưới tự động hoặc tưới theo độ ẩm thực tế của đất. Đi theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, gia đình bà Sáu có doanh thu trung bình trên dưới 1,7 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm.
Theo bà Sáu, việc mạnh dạn chuyển từ sản xuất nông nghiệp quảng canh sang thành lập mô hình hiện đại trong nhà lưới là thực hiện lời kêu gọi và khuyến khích từ chính quyền xã. Do sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra dòng sản phẩm an toàn nên dưa ở khu sản xuất đã được tiêu thụ đi nhiều tỉnh phía Bắc qua các chuỗi cung ứng, chưa bao giờ ế hàng.
Mô hình của gia đình bà Sáu chỉ là một trong nhiều mô hình trên địa bàn xã, bởi theo thống kê từ UBND xã Nga Hải, đến nay toàn xã có tới 42.000 m2 nhà lưới, sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Đó cũng chính là phát triển tiêu chí sản xuất trong XDNTM, tạo tiền đề cho xã hoàn thiện những tiêu chí khác. Đến cuối tháng 7-2023, xã Nga Hải đang gấp rút hoàn thiện những tiêu chí cuối cùng và các khâu hồ sơ để đề nghị được thẩm định đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023.
Trên bình diện toàn huyện, ngay từ năm 2020 Đảng bộ, chính quyền huyện Nga Sơn cũng xác định phát triển nông nghiệp và XDNTM là hai nhiệm vụ quan trọng, có sự bổ trợ nên gắn việc thực hiện thành chương trình “hai trong một”. Để vượt qua những thách thức của giá cả vật tư tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, cũng như thực hiện bộ tiêu chí mới trong XDNTM với các chỉ tiêu cao hơn, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có nhiều văn bản, triển khai nhiều chương trình liên quan. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có sự linh hoạt nên toàn huyện đã kịp thời khắc phục được những vướng mắc, giải quyết được những vấn đề phát sinh và đạt được nhều thành quả đáng ghi nhận.
Trong nông nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2023 toàn huyện ước đạt 5,05%; tổng giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,16 lần so với năm 2020. Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản huyện Nga Sơn đã đạt khoảng 191 triệu đồng/ha. Đó chính là kết quả gần 3 năm qua, huyện, các xã và người dân thực hiện đẩy mạnh tích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng theo hướng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn Quách Thị Khuyên cho biết: “Phòng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đến nay, diện tích nhà kính, nhà lưới sản xuất trồng trọt tiếp tục được mở rộng lên 43,3 ha, trở thành đơn vị đứng thứ 2 cả tỉnh trong phát triển các mô hình nhà lưới, nhà kính để sản xuất nông nghiệp. Giá trị canh tác trong các mô hình này đã đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Trong nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao đã đạt gần 11 ha, cho thu nhập 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi ha/vụ. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm thực hiện như công nghệ tưới nhỏ giọt, cơ giới hóa đồng bộ, nhiều mô hình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp”.
Hiện toàn huyện đã có 17 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 54 chủ cơ sở sản xuất là cá nhân, doanh nghiệp, HTX cũng được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi với diện tích sản xuất gần 96 ha. Huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng nông sản và thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, địa phương đã hình thành được gần 125 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm dưa hấu huyện Nga Sơn đã được Cục Sở hữu Trí tuệ tiếp nhận hồ sơ đánh giá công bố chất lượng nhãn hiệu tập thể. Cây cói Nga Sơn cũng đã có chỉ dẫn địa lý.
Cùng với đó, phong trào XDNTM trên địa bàn được quan tâm triển khai với hệ thống hạ tầng ngày càng khang trang. Các chương trình sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm chỉ đạo, trong đó Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, đưa Nga Sơn nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh về số sản phẩm. Đến nay, huyện NTM Nga Sơn đã có bình quân 10,7/19 tiêu chí NTM nâng cao/xã. 100% số thôn trong huyện đều đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Về Nga Sơn có thể dễ dàng cảm nhận được hệ thống hạ tầng được đầu tư khang trang hiện đại. Hệ thống giao thông ở đây rộng mở, có tính kết nối cao. NTM đang tạo ra những vùng quê đổi mới, gắn với phong trào phát triển nông nghiệp khá hiệu quả. Hiện huyện đang đẩy mạnh phong trào khuyến khích nông dân khởi nghiệp, cùng nhau làm giàu, gắn với XDNTM ở các xã.
Bài và ảnh: Lê Đồng