Từ tên lửa xuyên giáp S-8 tưởng chừng như sức mạnh đã kịch trần, Nga đã chế tạo ra phiên bản mới có tầm bắn xa hơn, động cơ công suất lơn hớn hơn, xuyên phá được nhiều mục tiêu hơn…
Nga triển khai sản xuất hàng loạt phiên bản nâng cấp tên lửa S-8. (Nguồn: HJSC) |
Giới chuyên gia về vũ khí Nga có một câu nói truyền miệng: “Từ một loại vũ khí lợi hại ta có thể tạo ra một phiên bản mới lợi hại hơn”. Tên lửa xuyên giáp thế hệ mới là một minh chứng cho điều này.
Tên lửa không điều khiển S-8 OFP (OFP là ký hiệu rút gọn của “mảnh phá xuyên thủng”) được sử dụng để tấn công từ trên không, đã có trong kho của quân đội Nga từ nhiều năm nay.
Phần lớn các kỹ sư và chuyên gia thiết kế, (kể cả các chuyên gia về không quân) đều cho rằng từ vũ khí này sẽ không tạo ra được loại nào tốt hơn, vì dường như mọi tính năng của nó đã phát huy mức tối đa. Thế nhưng giới chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất Tekhmash và Splav đã làm được điều tưởng chừng như không thể đó.
Ban đầu, các quan chức Bộ Quốc phòng Nga cũng tỏ ra hoài nghi với các nhận định của Trung tâm Tekhmash và Splav. Tuy nhiên, sau khi xác nhận kết quả thử nghiệm lô tên lửa đầu tiên, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định đưa vào sản xuất hàng loạt phiên bản tên lửa S-8 mới được nâng cấp này.
Trước hết, tên gọi của loại tên lửa thay đổi khi định danh phiên bản S-8 mới là tên lửa “xuyên giáp”.
Về cơ bản, phiên bản S-8 mới không thay đổi nhiều so với phiên bản cũ nhưng có những tính năng kỹ – chiến thuật mới vượt trội.
Do hình dạng và kích thước đều giống với phiên bản cũ, nên phiên bản S-8 mới hoàn toàn phù hợp với thiết bị phóng của phiên bản cũ. Điều này có nghĩa là thiết bị phóng của S-8 cũ không cần phải thay đổi, bổ sung gì thêm, yếu tố này giúp Trung tâm Splav tiết kiệm rất nhiều về thời gian và kinh phí.
Đáng chú ý, nhiều chi tiết và giải pháp mới được đưa và áp dụng, cho nên nhiều thông số cơ bản của tên lửa xuyên giáp S-8 mới được điều chỉnh tăng đáng kể.
Cỡ của tên lửa S-8 mới và cũ đều là 80mm, chiều dài là 1500mm, khối lượng xuất phát là 17kg. Tuy nhiên, đầu đạn của phiên bản S-8 mới là loại xuyên phá, có khối lượng 9 kg, khối lược thuốc nổ là 2,5 kg, trong khi khối lượng thuốc nổ phiên bản S-8 cũ là 1 kg.
Thân của S-8 mới có cấu trúc chắc hơn, có một rãnh khía bên trong, giúp cho các mảnh vỡ có độ phân tán xa hơn.
Ngòi nổ được thiết kế ở 2 chế độ, chế độ thứ nhất giúp đầu đạn phát nổ ngay khi tên lửa tiếp cận mục tiêu, chế độ thứ 2 khiến đầu đạn có thể phát nổ chậm hơn, khi tên lửa đã xuyên qua mục tiêu.
Động cơ của phiên bản S-8 mới chạy bằng nhiên liệu rắn, với những chỉ số năng lượng cao hơn, nên tầm bắn của nó đạt 6km (phiên bản S-8 cũ có tầm bắn đạt từ 3-4km).
Phi công trực thăng Nga sau khi thử nghiệm tên lửa S-8 thế hệ mới nhận xét: “Do sở hữu tầm bắn xa hơn, cho nên khi sử dụng tên lửa xuyên giáp mới để tấn công, không nhất thiết phải đi vào thế trận phòng không của đối phương, và như vậy độ an toàn của phi đội sẽ cao hơn”.
Động cơ của tên lửa mới có công suất lơn hớn hơn sẽ khắc phục được những hạn chế do khối lượng tên lửa mới và khối lượng đầu đạn của nó nặng hơn so với phiên bản cũ. Đầu đạn của S-8 mới có thể xuyên phá những công trình xây bằng gạch, bằng bê tông, có thể tiêu diệt những thiết bị bọc thép hạng nhẹ. Theo phi công Nga, đây là những tính năng rất cần thiết trong chiến dịch quân sự tại Ukraine hiện nay.
Một điểm “cộng” nữa, rất quan trọng của S-8 mới, đó là vẫn giữ nguyên hình dạng và kích thước như phiên bản S-8 OFP cũ, nên bệ phóng treo đã có trên các chiến đấu cơ và các trực thăng tấn công của không quân Nga vẫn hoàn toàn thích ứng đối với tên lửa xuyên giáp S-8 phiên bản mới.
Giới chức quốc phòng Nga cho biết tên lửa xuyên giáp S-8 mới sẽ sớm được cung cấp đầu tiên cho cường kích Su-25 và máy bay trực thăng tấn công đa năng.