Sẽ có nhiều thay đổi quan trọng tại Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo, tuyến cao tốc được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC).
Phối cảnh một đoạn trong Dự án tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo. |
Đầu tư theo quy mô quy hoạch
Tròn 10 tháng kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền, vào đầu tuần trước, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Tờ trình số 18/TTr-UBND về việc xin áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và hỗ trợ ngân sách tham gia cho Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo.
So với Báo cáo số 30/BC-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 3/3/2023, phương án đầu tư và phương án tài chính của Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo được đề cập tại Tờ trình số 18/TTr-UBND đã có rất nhiều thay đổi.
Cụ thể, Dự án có chiều dài 56 km, điểm đầu giao với tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn và điểm cuối tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; đi qua 4 huyện: Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), sẽ được đầu tư luôn theo quy mô 4 làn xe, với chiều rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, quy mô đầu tư như trên là theo đúng quy hoạch tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo (CT.19) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư Dự án (chưa gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) là 13.726 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 676 tỷ đồng; chi phí xây dựng 10.643 tỷ đồng; chi phí thiết bị 222 tỷ đồng; chi phi quản lý dự án, tư vấn và chi khác 1.086 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.099 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị từng đề xuất thực hiện phân kỳ đầu tư đối với Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo, trong đó giai đoạn I, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp liên tục, mặt đường rộng 17 m.
Ước tính, tổng mức đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo theo phương án phân kỳ giai đoạn I là 7.938 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước góp 3.969 tỷ đồng; nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại là 3.969 tỷ đồng (tương đương 50% tổng mức đầu tư).
Theo một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam, việc UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất đầu tư hoàn chỉnh đối với tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo là phù hợp với tinh thần chỉ đạo mới đây của lãnh đạo Chính phủ về việc hạn chế đầu tư phân kỳ các tuyến cao tốc.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thay đổi quan trọng nhất liên quan phương án đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo. Tại Tờ trình số 18/TTr-UBND, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo, với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia lên tới 70% tổng mức đầu tư.
Đây chính là cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đối với Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023.
Nâng tỷ lệ vốn nhà nước
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, do Dự án đi qua các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong có điều kiện đặc biệt khó khăn và dự báo lưu lượng phương tiện tham gia trong giai đoạn đầu chưa cao, nếu phải áp dụng khoản 2, Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không quá 50% tổng mức đầu tư) sẽ khiến phương án tài chính của Dự án không khả thi, kéo dài thời gian hoàn vốn, khó khăn trong việc huy động vốn của các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
UBND tỉnh Quảng Trị tính toán, trong trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận đề xuất nói trên, vốn ngân sách nhà nước tham gia Dự án sẽ tăng lên tới 9.608 tỷ đồng (chiếm 70%); vốn nhà đầu tư huy động (chủ sở hữu, vốn vay và vốn khác) là 4.581 tỷ đồng (chiếm 30%).
“Phương án này đảm bảo tính khả thi tài chính, rút ngắn thời gian hoàn vốn cho Dự án xuống còn 28,7 năm, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị tính toán.
Do ngân sách tỉnh Quảng Trị có nhiền hạn chế, nên việc tiếp cận khoản vay ODA theo phương án vay lại hoàn toàn vốn vay nước ngoài để làm phần vốn nhà nước tham gia để thực hiện Dự án PPP đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo không đảm bảo tính khả thi.
“Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng quan tâm hỗ trợ, bố trí vốn từ ngân sách trung ương giai đoạn trung hạn 2026-2030 làm phần vốn nhà nước tham gia Dự án là 9.608 tỷ đồng; đồng thời bổ sung dự án vào Danh mục các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông – vận tải để tạo điều kiện đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn.
Tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị giao Tập đoàn Sơn Hải lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo theo phương thức PPP. Trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chấp thuận, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ đề xuất dự án theo quy mô đảm bảm tối thiểu theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 2030.