SGGP
Việc Trung Quốc mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga đóng vai trò to lớn trong việc giúp Nga vượt qua các lệnh cấm vận của phương Tây…
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kết thúc chuyến thăm chính thức 2 ngày (12 và 13-10) đến Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á có quan hệ chặt chẽ với Nga. Sau đó, dự kiến Tổng thống Nga tới Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh.
Ảnh hưởng ở Trung Á
Đây được xem là 2 chuyến thăm quan trọng của nhà lãnh đạo Nga nhằm phá vỡ thế bao vây kinh tế của phương Tây. Theo báo South China Morning Post, tâm điểm chuyến thăm Kyrgyzstan của ông Putin là hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), nhóm gồm một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, ông Putin nhấn mạnh vai trò của Nga với tư cách là đối tác thương mại quan trọng và nhà đầu tư lớn nhất trong nền kinh tế Kyrgyzstan.
Mối quan hệ của Nga với các thành viên SNG đã trải qua thử thách do áp lực từ lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine. Trước đó đã có một loạt cuộc họp giữa tổng thống 5 nước Trung Á và Tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhằm tìm cách phát triển những hành lang giao thông và nguồn nhập khẩu năng lượng thay thế Nga.
Theo Nikkei Asia, bà Kate Mallinson, cộng sự trong chương trình Nga và Á – Âu tại Viện Nghiên cứu chính sách Chatham House (Anh), nhận định, thông qua hội nghị thượng đỉnh SNG, ông Putin cho phương Tây thấy bản thân không bị cô lập và vẫn giữ được ảnh hưởng. Trừ Gruzia, Ukraine và gần đây nhất là Moldova đã rời khỏi SNG, đa số các quốc gia còn lại đều là đồng minh trung thành của Nga.
Tuần trước, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tới Moscow cùng Tổng thống Vladimir Putin dự lễ khởi công đường ống cung cấp khí đốt từ Nga đến Uzbekistan thông qua Kazakhstan.
Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN |
Quan hệ cùng có lợi
Hãng thông tấn Tass dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin phát biểu gần đây tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga: “Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác kinh tế đã đạt đến mức rất cao”.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Nga hiện là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc với khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Nga, mang về doanh thu ước tính 15,3 tỷ USD cho Moscow.
Ngược lại, Nga nhập khẩu đa số hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch thương mại song phương tăng lên 21,18 tỷ USD trong tháng 9, cao nhất từ tháng 2-2022 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Theo AP, ông Joseph Nye Jr., giáo sư danh dự của Trường Harvard Kennedy (Mỹ), đánh giá, việc Trung Quốc mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu của Nga đóng vai trò to lớn trong việc giúp Nga vượt qua các lệnh cấm vận của phương Tây.
Ông Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao của Công ty Tư vấn Eurasia Group (Mỹ), cho biết Trung Quốc cân bằng được quan hệ với Nga và EU vì cả hai đều là đối tác quan trọng của Bắc Kinh và tính chất quan hệ cùng có lợi.