Ngày 12/4, báo The Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết, nước này có kế hoạch triển khai pháo laser “Lửa Rồng” (DragonFire) vào năm 2027 và sớm đưa hệ thống này thực chiến tại Ukraine.
Nga cáo buộc Mỹ phá hoại lựa chọn đàm phán hòa bình cho Ukraine. (Nguồn: AFP) |
Ông Shapps lưu ý, loại vũ khí này vẫn chưa sẵn sàng sử dụng trên chiến trường, nhưng nó có thể phù hợp để sử dụng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
“Mô hình mới cho phép chúng tôi không phải đợi đến khi các khí tài được hoàn thiện 100% mới có thể đưa chúng vào vận hành. Chỉ cần đạt mức khoảng 70% rồi triển khai luôn, sau đó tiếp tục phát triển”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh thông tin.
DragonFire dự kiến được bàn giao cho Quân đội Anh để thử nghiệm trong khoảng từ 6-9 tháng tới.
Hệ thống này đang được phát triển tại Phòng thí nghiệm Phòng thủ Porton Down (DSTL) của Anh với mục đích chủ yếu là tiêu diệt máy bay không người lái (UAV).
Báo Anh lưu ý, việc sử dụng loại vũ khí này đã trở thành một mốc quan trọng mới trong các cuộc xung đột vũ trang hiện đại. Các nhà phát triển cho rằng, tia laser sẽ giảm chi phí tiêu diệt các mục tiêu trên không do chi phí phóng tên lửa đánh chặn cao.
Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Anh, chi phí cho một lần bắn DragonFire là chưa đến 13 USD, thấp hơn rất nhiều so với những quả đạn trị giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD của các hệ thống phòng không phổ biến hiện nay.
* Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho rằng, bằng cách đưa ra những biện pháp trừng phạt mới chống Nga, Mỹ đang gửi tín hiệu tới Kiev không đồng ý đàm phán với Moscow.
Phát biểu với báo giới, ông Antonov nói: “Những hạn chế mới của Mỹ có nên được coi là phản ứng trước việc Nga sẵn sàng đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm nối lại đàm phán nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine? Trong trường hợp này, mục đích của các lệnh trừng phạt rất rõ ràng: Một tín hiệu gửi đến Kiev với những dấu hiệu không đồng ý với bất cứ điều gì”.
Hôm 12/4, chính quyền Mỹ đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Nga.
Mỹ và Anh cũng đã hạn chế sử dụng nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Moscow trên các sàn giao dịch kim loại toàn cầu và các giao dịch phái sinh không cần kê đơn.
Do đó, Sàn giao dịch kim loại London và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago sẽ không còn được phép bổ sung dự trữ nhôm, đồng và niken trong kho của họ thông qua việc cung cấp nguyên liệu thô của Nga.
* Cũng trong ngày 12/4, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, sẽ không phản đối Quốc hội phê chuẩn thêm viện trợ cho Ukraine miễn là sự hỗ trợ đó được đưa ra dưới hình thức cho vay chứ không phải quà tặng.
Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng: “Các đồng minh châu Âu phải có mức hỗ trợ tương tự những gì Washington dành cho Kiev”.
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ đạo luật viện trợ cho Ukraine hay không nếu Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa dự luật ra bỏ phiếu, ông Trump nói: “Chúng tôi đang nghĩ tới việc thực hiện điều đó dưới hình thức cho vay thay vì quà tặng. Chúng tôi tiếp tục trao những món quà trị giá hàng tỷ USD và chúng tôi sẽ xem xét”.
Hồi tháng 2, ông Trump lần đầu tiên nêu ý tưởng chuyển các khoản viện trợ dành cho Ukraine thành khoản vay.
Cựu Tổng thống cũng nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine trong vòng 24h bằng cách buộc hai bên ngồi vào bàn đàm phán.