Moscow xác nhận trao trả tù bình với Kiev, Mỹ phủ nhận thông tin tiếp xúc không chính thức với Nga, là một số diễn biến đáng chú ý về tình hình Ukraine.
(theo RIA, Reuters, TTXVN)
* Nga nêu tần suất UAV Ukraine tấn công Crimea: Ngày 6/7, Thư ký Hội đồng An ninh nước này Nikolai Patrushev cho biếtKiev đã chỉ đạo hơn 70 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào Crimea năm nay. Ngoài ra, các khu vực miền Nam, Krasnodar và Rostov cũng hứng chịu nhiều đợt tấn công.
Phát biểu tại một cuộc họp về an ninh của miền Nam tại Krasnodar, ông Nikolai Patrushev khẳng định: “Các mục tiêu, theo lệ thường, là các cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghiệp, nhằm phá hủy hoặc gây thiệt hại, đe dọa cuộc sống bình yên và sức khỏe con người”. (RIA)
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận: “Sau quá trình đàm phán, ngày 6/7, 45 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát”. Theo thông báo, máy bay vận tải quân sự của Nga sẽ đưa những người này đến các cơ sở y tế thuộc Bộ Quốc phòng Nga để điều trị và phục hồi chức năng.
* Tổng thống Ukraine công du châu Âu: Ngày 6/7, trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu, phát biểu họp báo tại thủ đô Sofia (Bulgaria) sau cuộc gặp lãnh đạo nước chủ nhà, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Hai bên đã thảo luận về hoạt động viện trợ quân sự mà Bulgaria dành cho quốc gia chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng việc tiếp tục hợp tác, vốn đã cứu được nhiều nhân mạng”.
Tổng thống Ukraine thăm CH Séc
TTXVN (Praha 6/7)
Chiều tối 6/7 (giờ địa phương), truyền thông Séc đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang trên đường bay tới Praha. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới CH Séc của Tổng thống Zelensky kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Thông tin được người phát ngôn Phủ Tổng thống Séc Marketa Rehakova xác nhận. Còn trên tài khoản mạng xã hội, Tổng thống Zelensky thông báo, tại Praha, ông sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Petr Pavel, tiếp kiến Thủ tướng Petr Fiala, Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil và Chủ tịch Hạ viện Marketa Pekarova Adamova, gặp gỡ các thành viên Chính phủ, Quốc hội Séc và giới truyền thông. Theo ông Zelensky, trọng tâm thảo luận tại các cuộc gặp sẽ là vấn đề quốc phòng, hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Vilnius, tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu và NATO của Ukraine, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và công cuộc tái thiết đất nước Ukraine./.
ổng thống Ukraine lần đầu thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xung đột với Nga bùng phát
AFP (Istanbul 6/7)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7/7 sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên kể từ khi xung đột với Nga nổ ra để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai nhà lãnh đạo có thể tổ chức một cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ở Istanbul. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này dự kiến tập trung vào thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sắp hết hạn cũng như hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần tới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kỳ vọng Tổng thống Zelensky sẽ thúc đẩy ông Erdogan bật đèn xanh cho việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này, dự kiến diễn ra tại thủ đô Vilnius của Litva vào ngày 11-12/7 tới./.
Mỹ khẳng định Ukraine phải cải cách nếu muốn gia nhập NATO
TTXVN (Washington 6/7)
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Ukraine vẫn còn nhiều rào cản cần giải quyết để có thể gia nhập NATO, Mỹ vẫn cam kết với chính sách mở rộng của NATO, song nhấn mạnh “bất kỳ quyết định nào” về việc mở rộng phải được sự ủng hộ của tất cả các thành viên của liên minh. Trong trường hợp Ukraine, Mỹ đã thảo luận với các đồng minh NATO và Ukraine về cách thức có thể cùng nhau ủng hộ nguyện vọng của Kiev.
Tại cuộc họp báo hôm 5/7, bà Jean-Pierre nhấn mạnh Tổng thống Joe Biden đã nhắc lại nhiều lần rằng Ukraine sẽ phải thực hiện các cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn giống như bất kỳ quốc gia NATO nào trước khi gia nhập và Mỹ sẽ không đơn giản hóa quá trình này. Ông Biden nhận định rằng Ukraine có thể làm được điều đó.
Trong một diễn biến liên quan khác, theo hai quan chức Mỹ, đề xuất về việc có gửi bom chùm đến Ukraine hay không đang nằm trên bàn của Tổng thống Biden và có thể được quyết định trong tuần này. Một trong các quan chức cho biết ông Biden dự kiến sẽ chấp thuận gửi loại vũ khí này. Các lực lượng Ukraine đang vật lộn để chọc thủng phòng tuyến của Nga trong chiến dịch phản công và các quan chức Mỹ tin rằng việc cung cấp đạn dược sẽ mang lại lợi thế cho Kiev, khi nguồn cung cấp vũ khí thông thường của nước này đang cạn kiệt.
Quan điểm của chính quyền Biden về việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine đã thay đổi trong năm qua. Tháng 12/2022, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Mỹ có “mối quan ngại” về việc gửi vũ khí gây tranh cãi, vốn bị hơn 100 quốc gia cấm vì bom chưa nổ có thể giết hại dân thường. Tuy nhiên, chính quyền Biden gần đây nghiêng về việc gửi bom chùm khi Kiev đã sử dụng một lượng lớn vũ khí thông thường. Một quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc gần đây nói với các nhà lập pháp rằng các nhà phân tích quân sự đã kết luận bom chùm sẽ hữu ích trên chiến trường, đặc biệt là chống lại các vị trí hầm hào của Nga, nhưng chúng vẫn chưa được cung cấp do những rào cản từ Quốc hội Mỹ và “lo ngại về sự thống nhất của đồng minh”. Tổng thống Biden sẽ phải điều hòa các quan điểm chính trị khác nhau về vấn đề này, giữa yêu cầu cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa chủ chốt tại Quốc hội và những nghị sĩ đảng Dân chủ tỏ ra hoài nghi hơn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mike Quigley, đồng Chủ tịch Nhóm nghị sĩ về Ukraine, cho biết một số nhà lập pháp lo ngại việc cung cấp vũ khí bị cấm có thể chia rẽ sự ủng hộ của đồng minh và làm lu mờ ranh giới đạo đức đối với Ukraine./.