Nga lần đầu tiên tăng trưởng trong vòng 1 năm, Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, Trung Quốc mất đà hồi phục, giá điện ở châu Âu giảm xuống mức âm, Indonesia cấm xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Nền kinh tế Nga trong tháng 4/2023 lần đầu tiên trong vòng 1 năm đã tăng trưởng – tăng 3,3% sau khi giảm 0,7% trong tháng 3/2023. (Nguồn: RIA Novosti) |
Kinh tế thế giới
Mỹ kêu gọi APEC tìm giải pháp ứng phó với thách thức toàn cầu
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 25/5 kêu gọi các Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) “tư duy sáng tạo” để tìm ra giải pháp vượt qua hàng loạt thách thức từ chuỗi cung ứng dễ đổ vỡ, khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
Theo bà Tai, các nhà lãnh đạo cần phát triển, củng cố các thỏa thuận gần đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phục vụ người lao động tốt hơn và xây dựng hệ thống thương mại bền vững hơn.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC diễn ra tại Detroit (Mỹ) từ ngày 25-26/5, bà Tai nhấn mạnh đề xuất xây dựng động lực đa phương đã từng thấy trong cuộc họp cấp bộ trưởng WTO năm ngoái, nơi đã tạo ra các thỏa thuận mới đầu tiên sau nhiều năm, bao gồm hạn chế trợ cấp thủy sản và miễn trừ một phần quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19.
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực APEC sẽ tăng nhẹ lên 3,1% trong năm nay, sau khi tăng trưởng vừa phải ở mức 2,6% năm 2022. Báo cáo phân tích kinh tế mới do Ban Hỗ trợ chính sách APEC công bố dự báo tăng trưởng của khu vực này năm 2024 sẽ giảm xuống 2,8%. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 31/5, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ giới hạn vay trong 2 năm với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, chỉ vài ngày trước khi có khả năng Mỹ vỡ nợ công lần đầu tiên.
Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, hai bên cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận hồi cuối tuần qua nhằm tạm xóa bỏ giới hạn nợ công là 31,4 nghìn tỷ USD cho đến ngày 1/1/2025. Động thái này mở đường cho chính quyền liên bang tiếp tục vay tiền để thanh toán chi tiêu quốc gia đúng hạn. (Kyodo/ Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 26/5, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố cho biết, trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo hôm 25/5 tại Washington, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã nêu bật những mối quan ngại chính về các chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn, kiểm soát xuất khẩu và xem xét lại đầu tư nước ngoài.
Theo bộ trên, hai bên đã nhất trí thiết lập các kênh liên lạc để duy trì và thúc đẩy hoạt động trao đổi về những mối quan tâm liên quan đến kinh tế và thương mại cụ thể, cũng như các chủ đề hợp tác. (Reuters)
* Theo số liệu chính thức vừa được công bố, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế số 2 thế giới đang để mất đà phục hồi.
Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực chế tạo – thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy – đã giảm xuống 48,8 trong tháng 5/2023, nằm dưới mốc 50 điểm – mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp. Con số này theo sau mức giảm 49,2 trong tháng 4/2023, đảo ngược xu hướng tăng trưởng của ba tháng liên tiếp và thấp hơn so với mức ước tính trung bình 49,5 của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Trong tuần qua, một số quốc gia châu Âu đã ghi nhận giá điện xuống mức âm trên thị trường năng lượng bán buôn vào ban ngày, chủ yếu nhờ các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào kết hợp với giá khí đốt lao dốc khi nhu cầu xuống thấp. Đây là một tin vui cho các hộ gia đình châu Âu, khi họ đang phải đối phó với tình trạng giá cả leo thang kéo dài.
Ngoài ra, giá khí đốt lao dốc tại châu lục này cũng góp phần lớn giúp đưa giá điện giảm sâu.
Hợp đồng khí đốt tương lai chuẩn của châu Âu đã giảm tới 6,9% vào thứ Sáu tuần trước (26/5), ghi nhận mức giảm 19% theo tuần và kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ tám liên tiếp. Mức giảm trên đã kéo dài đà đi xuống của khí đốt châu Âu trong năm nay lên tới 68%. (TTXVN)
* Bộ Phát triển kinh tế LB Nga trong báo cáo “Tình hình hiện nay của nền kinh tế” ngày 31/5 cho biết, nền kinh tế Nga trong tháng 4/2023 lần đầu tiên trong vòng 1 năm đã tăng trưởng – tăng 3,3% sau khi giảm 0,7% trong tháng 3/2023. Tính trong giai đoạn từ tháng 1-4, kinh tế Nga đã giảm 0,6%.
Cũng theo bộ trên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tháng 4 đã tăng 0,2% so với tháng trước, không tính đến yếu tố mùa vụ sau khi tăng 1,1% một tháng trước đó. Dự đoán mức tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 là 1,2%. (TTXVN)
* Trên trang mạng chính thức ngày 31/5, chính phủ Nga thông báo đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với việc xuất khẩu đạn và vỏ đạn.
Theo một sắc lệnh do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký, lệnh cấm tạm thời xuất khẩu đạn cho súng trường dân dụng và quân dụng, cũng như vỏ đạn cho súng trường sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12 năm nay.
Lệnh cấm không áp dụng đối với đạn phục vụ nhu cầu của Lực lượng vũ trang Nga, cũng như các binh sĩ và tổ chức quân sự khác của nước này. Chính phủ Nga cho biết quyết định nhằm bảo vệ lợi ích của đất nước. (THX)
* Mới đây, Văn phòng thống kê LB Đức (Destatis) đã công bố số liệu cho biết, nền kinh tế đầu tầu châu Âu này suy giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm 2023 so với quý trước đó với GDP giảm 0,3% trong quý I/2023. Cùng với mức giảm 0,5% trong quý IV/2022, kinh tế Đức đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp và chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật. (TTXVN)
* Lạm phát của Pháp trong tháng 5/2023 đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong vòng một năm do giá năng lượng và lương thực tăng vừa phải.
Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (INSEE) cho biết, giá tiêu dùng của Pháp ở mức 6,0% trong tháng 5/2023, sau khi đạt 6,9% trong tháng 4/2023. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Đặc biệt, lạm phát giá năng lượng chậm lại, giảm từ 6,8% trong tháng 4/2023 xuống 2,0% trong tháng 5/2023, trong khi lạm phát giá lương thực cũng giảm từ 15,0% xuống 14,1%.
Giá lương thực tăng sau khi các nhà sản xuất và bán lẻ đồng ý tăng giá trung bình 10% trong các cuộc đàm phán về giá vào tháng 3/2023. (TTXVN)
* Thủ tướng CH Czech Petr Fiala ngày 26/5 khẳng định, nước này chưa có kế hoạch tham gia Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Chính phủ Czech đánh giá nhiệm vụ giảm thâm hụt ngân sách và kiềm chế lạm phát cần được ưu tiên hơn trong nhiệm kỳ hiện nay so với kế hoạch sử dụng đồng Euro.
Czech vẫn đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao. Trong tháng 4/2023, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Trung Âu này giảm xuống còn 12,7% so với mức 15% trong tháng 3/2023. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Czech trong 4 tháng đầu năm 2023 lên tới 200 tỷ CZK (9 tỷ USD). Tổng mức thâm hụt ngân sách chính phủ Czech dự kiến cho cả năm tài khoá 2023 là 295 tỷ CZK (13,4 tỷ USD). (TTXVN)
Czech chưa có kế hoạch tham gia Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). (Nguồn: Getty) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo kết quả khảo sát của công ty Teikoku Databank, có khoảng 3.575 mặt hàng tại Nhật Bản sẽ tăng giá trong tháng 6/2023, bao gồm cả mặt hàng tăng giá lần 2 và mặt hàng giữ nguyên giá song giảm khối lượng sản phẩm.
Công ty Teikoku Databank đã tiến hành khảo sát đối với 195 nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống chủ yếu tại Nhật Bản. Kết quả cho thấy, có 1.670 sản phẩm gia vị và 1.612 mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn sẽ được các công ty tăng giá trong tháng 6/2023. Trong mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền được tăng giá nhiều nhất với 567 sản phẩm.
Theo Teikoku Databank, trong bối cảnh giá lùa mì nhập khẩu, sữa tươi và giá điện tăng lên, dự kiến sẽ có nhiều mặt hàng tại Nhật Bản tiếp tục tăng giá trong tháng 7/2023, số lượng các mặt hàng tăng giá, tính từ đầu năm đến tháng 7/2023, có thể đạt 30.000 sản phẩm, vượt qua con số của cả năm 2022. (TTXVN)
* Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản vừa công bố cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng 4/2023 đã giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước đó xuống 2,6%, ghi dấu lần cải thiện đầu tiên trong ba tháng qua, giữa lúc nền kinh tế này tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tỷ lệ việc làm có sẵn không thay đổi ở mức 1,32 trong tháng 4/2023, cho thấy cứ 100 người tìm việc thì có 132 cơ hội việc làm, theo dữ liệu của chính phủ. Số lượng cơ hội việc làm trong tháng 4/2023 đã giảm 0,6% so với tháng trước đó, trong khi số lượng người tìm việc giảm 0,7%. (Kyodo)
* Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), chi tiêu thẻ ở nước ngoài của người Hàn Quốc đã tăng gần 15% trong quý I/2023 nhờ các biện pháp kiềm chế đại dịch Covid-19 được nới lỏng và sức mua hàng hóa trực tiếp tăng.
Theo BoK, số tiền người Hàn Quốc chi tiêu ở nước ngoài bằng thẻ, bao gồm cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, đã lên tới 4,6 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn so với mức 4 tỷ USD ba tháng trước đó. So với cùng kỳ năm trước, chi tiêu ở nước ngoài của người Hàn Quốc đã tăng 50,3%. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Trong khuôn khổ Triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul Food 2023 (SF 2023), ngày 30/5, Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc đã tổ chức khai trương khu gian hàng trưng bày các sản phẩm thực phẩm và đồ uống đến từ các quốc gia thành viên ASEAN và tạo cơ hội cho các công ty ASEAN kết nối và thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh với đối tác Hàn Quốc.
Sự kiện là cơ hội tốt để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN trong ngành ẩm thực tăng cường hơn nữa năng lực thâm nhập thị trường Hàn Quốc, cũng như thiết lập mạng lưới kinh doanh với khách hàng xứ kim chi.
Các công ty Hàn Quốc quan tâm được sắp xếp, kết nối cơ hội kinh doanh cả trực tiếp và trực tuyến. (TTXVN)
* Indonesia và Malaysia đã chính thức triển khai giao dịch xuyên biên giới thông qua thanh toán bằng Mã phản hồi nhanh tiêu chuẩn (QRIS) sau nhiều tháng thử nghiệm.
Việc tích hợp hệ thống thanh toán đem lại sự tiện lợi cho người dân hai nước do số lượt lưu thông qua lại và giao dịch giữa hai quốc gia láng giềng này thường rất cao. Năm 2022, Malaysia chiếm 19% lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia với khoảng 1,03 triệu lượt, trong khi năm trước đó nước này đứng ở vị trí thứ hai sau Timor-Leste với khoảng 480.700 lượt. (TTXVN)
* Ngày 30/5, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia (Marves) Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, chính phủ nước này đang có kế hoạch hạn chế xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng.
Theo ông Luhut, một báo cáo tổng hợp về xuất khẩu LNG đã được gửi đến Tổng thống, đồng thời khẳng định, bất chấp những hạn chế được đề xuất, các hợp đồng xuất khẩu LNG đã ký kết sẽ tiếp tục được triển khai như bình thường.
Hiện Indonesia vẫn đang nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, song sự phát triển không ngừng của ngành hóa dầu ở tỉnh Bắc Kalimantan dự kiến sẽ giúp giảm lượng nhập khẩu cũng như giá khí đốt công nghiệp. (TTXVN)