Xuất khẩu vũ khí từ lâu đã là công cụ cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Do đó, sự hiện diện của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu bị giảm sẽ làm suy yếu vai trò địa chính trị của gã khổng lồ Á-Âu.
Theo dữ liệu mới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 10/3, 10 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu là Mỹ, Pháp, Nga, Italy, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Israel.
Trước đó, Nga chiếm vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, nhưng khối lượng xuất khẩu của nước này đã giảm một nửa sau các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt để phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine.
Như vậy, theo bản cập nhật hàng năm về ngành công nghiệp vũ khí của SIPRI, Nga đã lần đầu tiên để mất ngôi vị “á quân” về xuất khẩu vũ khí vào tay Pháp trong giai đoạn từ 2019 đến 2023.
“Nga lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3, sau Mỹ và Pháp. Xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 53% trong giai đoạn 2014-2018 và 2019-2023. Sự sụt giảm diễn ra nhanh chóng trong 5 năm qua và trong khi Nga xuất khẩu vũ khí tới 31 quốc gia vào năm 2019, nhưng chỉ gửi vũ khí đến 12 quốc gia vào năm 2023”, báo cáo của tổ chức có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, cho biết.
Ông Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Chuyển giao Vũ khí tại SIPRI, nói với Newsweek rằng triển vọng đối với Moscow rất ảm đạm.
“Đây không chỉ là một sự sụt giảm ngắn hạn mà có thể là nguyên nhân khiến xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ không thể phục hồi ở mức mà chúng ta đã thấy trước đây”, ông Wezeman giải thích.
“Chúng ta sẽ thấy những thách thức rất lớn đối với nỗ lực tiếp tục trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn trên thế giới. Và với những số liệu mà chúng ta có về số vũ khí đang được đặt hàng, Nga cũng đang bị tụt lại phía sau”, vị chuyên gia nói.
“Tất nhiên, tình hình có thể thay đổi, các đơn đặt hàng lớn mới có thể xuất hiện. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy điều này xảy ra. Và với một số đơn đặt hàng đã có, chúng ta cần chờ xem liệu chúng có thực sự dẫn đến việc giao hàng hay không”, ông tiếp tục.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang năm thứ 3, gây nhiều thiệt hại về người và của, và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên công nghiệp quân sự của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển nền kinh tế đất nước sang trạng thái thời chiến nhằm vượt qua những thách thức, đánh thức tiềm năng quân sự ngủ quên, và tìm kiếm các nhà cung cấp nước ngoài mới.
Ngành công nghiệp trong nước và thương mại ở nước ngoài của Nga đã bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù Moscow đã bắt tay vào một chiến dịch rộng rãi nhằm vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt, nhưng việc hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây đã làm suy yếu hoạt động sản xuất vũ khí tiên tiến hơn của nước này.
Việc bị loại khỏi thị trường tài chính quốc tế cũng cản trở khả năng thực hiện các giao dịch của các nhà sản xuất Nga.
“Câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp vũ khí Nga có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine và xuất khẩu ở mức độ nào, đồng thời cũng tính đến các biện pháp trừng phạt liên quan đến công nghệ mà Nga vẫn cần để sản xuất vũ khí cũng như các tùy chọn thanh toán, vốn vẫn đang cản trở các thỏa thuận đang diễn ra với Ấn Độ”, ông Wezeman nói.
Xuất khẩu sụt giảm đã khiến ngành công nghiệp vũ khí Nga phụ thuộc nhiều hơn vào các khách hàng ở châu Á và châu Đại Dương, những nơi chiếm 68% tổng xuất khẩu của Moscow trong giai đoạn 2019-2023, trong đó 2 nhà nhập khẩu chính là Ấn Độ chiếm 34% và Trung Quốc 21%. Nhưng các quốc gia này – vốn đang nổi lên như những siêu cường tiềm năng – ngày càng có ít nhu cầu hơn đối với những gì Nga cung cấp.
“Đó là 2 thay đổi lớn mà chúng tôi thấy trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga và điều đó có tác động to lớn đến tổng mức xuất khẩu vũ khí của nước này”, ông Wezeman cho biết, đề cập đến việc giảm bớt hoạt động kinh doanh của New Delhi và Bắc Kinh với Moscow.
“Ấn Độ đã không bị thuyết phục để mua thêm máy bay chiến đấu Nga, một lô tương đối nhỏ, để thay thế một số chiếc đã bị rơi trước đó”, ông Wezeman cho biết. “Ấn Độ đã quay sang Pháp”.
Minh Đức (Theo Newsweek, Agenzia Nova News)