Kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, Nga không từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng khí đốt hóa lỏng, Kiev muốn Jakarta tham gia sáng kiến “Ngũ cốc từ Ukraine”, Mỹ-Trung Quốc có nhiều dấu hiệu phục hồi… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bắc Cực của Nga. (Nguồn: Novatek) |
Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu 2024 tăng trưởng vượt dự báo
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, nhờ tăng trưởng thu nhập mạnh và lòng tin rằng những tác động tồi tệ nhất từ việc tăng lãi suất mạnh đã qua.
Theo Goldman Sachs, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,6% trong năm tới, trên mức 2,1% theo dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg. Kinh tế Mỹ được cho là tiếp tục tăng trưởng vượt các thị trường phát triển khác, với 2,1%.
Goldman Sachs cũng cho rằng, các chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt gần như không còn gây ra những trở ngại. Các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường phát triển không thể hạ lãi suất trước nửa cuối năm 2024, trừ phi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến.
Ngân hàng này nhấn mạnh, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và nhóm 10 nền kinh tế phát triển (G10), dự kiến sẽ giảm hơn nữa.
Các nhà kinh tế của ngân hàng này dự báo, đà giảm của lạm phát trong năm nay sẽ tiếp tục trong năm tới, với lạm phát lõi sẽ giảm từ 3% hiện nay xuống trung bình 2-2,5% trong G10 (trừ Nhật Bản).
Kinh tế Mỹ
* Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tại Mỹ, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã bật tăng trở lại, lên mức cao nhất kể từ năm 2021, do xu hướng giá khí đốt liên tục tăng. Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy, lạm phát vẫn gây căng thẳng tài chính đáng kể cho nhiều người dân của nước này.
Các hộ gia đình ở Mỹ sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn trong quý III/2023. Chi tiêu mạnh mẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng hoạt động chi trả nợ vay tín dụng đang trở nên kém hiệu quả hơn trong các nhóm người trẻ thuộc thế hệ Millennials.
Kinh tế Trung Quốc
* Nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn (chip) của Trung Quốc, trong tháng 10/2023, đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khả năng sản xuất chip của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang được cải thiện, trong bối cảnh nguồn cung chip từ bên ngoài vào Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các các biện pháp kiểm soát thương mại do Mỹ và các đồng minh áp dụng.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu máy móc và thiết bị dùng để sản xuất chất bán dẫn hoặc các bộ vi mạch tích hợp đã tăng 93% trong vòng ba tháng, tính đến hết tháng 9/2023, lên 63,4 tỷ Nhân dân tệ (8,7 tỷ USD).
Đáng chú ý nhập khẩu thiết bị in thạch bản đã tăng gấp 4 lần trong cùng thời điểm.
* Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đều ghi nhận các mức tăng trưởng vượt dự đoán trong tháng 10/2023. Nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn yếu, khi lĩnh vực bất động sản vẫn đang loay hoay tìm đường phục hồi.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, sản lượng công nghiệp tăng 4,6% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,5% trong tháng 9 và dự đoán 4,4% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2023.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 7,6% trong tháng 10, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% trong tháng 9 và là mức tăng nhanh nhất kẻ từ tháng 5. Trước đó, giới phân tích dự đoán doanh số bán lẻ tăng 7%.
Kinh tế châu Âu
* Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/11 đã nhất trí về Đạo luật vật liệu thô thiết yếu, nhằm đảm bảo nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.
EU đặc biệt quan ngại trước nguy cơ tụt hậu trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ sạch, lĩnh vực mà Trung Quốc đã đạt những bước tiến lớn, do khả năng tiếp cận với các vật liệu thô, trong khi Mỹ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ lĩnh vực này.
Các vật liệu thô thiết yếu như cobalt, lithium và wolfram được sử dụng cho hầu hết các sản phẩm điện tử ngày nay như điện thoại thông minh. Trung Quốc đang giành lợi thế trong nhiều lĩnh vực công nghệ sạch như chip, khoáng sản thiết yếu, pin và tấm pin năng lượng Mặt trời.
* Theo IMF, nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, châu lục này vẫn mất thêm vài năm nữa để có thể đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.
Cụ thể, IMF phân tích, nền kinh tế châu Âu khó có thể sụp đổ dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cao.
* Gần đây, Nga tuyên bố sẽ không từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên 100 triệu tấn mỗi năm bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong gói trừng phạt mới được công bố trong tháng này, Mỹ đã nhắm vào một thực thể lớn của Nga liên quan đến việc phát triển, vận hành và sở hữu một dự án lớn ở Siberia có tên là Arctic LNG-2. Phát triển cơ sở hạ tầng LNG là ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Moscow và các công ty Nga đã có cách vượt qua những trở ngại như vậy.
* Nền kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Theo số liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tỷ lệ doanh nghiệp nộp đơn phá sản trong tháng 10/2023 đã tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 trước đó, mức tăng này là 19,5%. Từ tháng 6, tỷ lệ doanh nghiệp nộp đơn phá sản gia tăng đều và luôn ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một góc độ khác, nước Đức với tư cách là một trung tâm công nghiệp đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Một cuộc khảo sát của công ty tư vấn Deloitte cho thấy, 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Trong khi đó, 45% doanh nghiệp dự báo rằng nước Đức sẽ tiếp tục tụt lại phía sau so với các trung tâm công nghiệp khác.
* Số liệu chính thức được công bố ngày 10/11 cho thấy, kinh tế Anh đã chững lại trong quý III/2023 do lạm phát gia tăng và các đợt nâng lãi suất.
Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã không tăng trưởng trong quý vừa qua. Kết quả này tốt hơn dự đoán giảm 0,2% mà thị trường đưa ra trước đó, nhưng kém khả quan hơn mức tăng 0,2% trong quý II.
* Trong cuộc trao đổi mới đây với người đồng cấp Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev có kế hoạch nối lại xuất khẩu ngũ cốc sang quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Zelensky khẳng định, Ukraine đang xuất khẩu ngũ cốc thông qua các tuyến đường thay thế và cho biết nước này sẵn sàng tiếp tục xuất khẩu sang Indonesia. Kiev cũng cố gắng thuyết phục Jakarta tham gia sáng kiến “Ngũ cốc từ Ukraine”.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Nhiều ngân hàng lớn nhất Nhật Bản vừa tiết lộ kế hoạch tăng lợi tức cho cổ đông, sau khi công bố đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, ngày 14/11, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ thông báo chương trình mua lại cổ phiếu trị giá 2,6 tỷ USD, sau khi cho biết, lợi nhuận quý II/2023 theo năm tài chính (kết thúc vào ngày 31/3) đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Sumitomo Mitsui nâng dự báo thu nhập ròng cả năm từ mức 820 tỷ yen lên 920 tỷ Yyen và cho biết đang chuẩn bị kế hoạch chi 150 tỷ yen (989 triệu USD) để mua lại cổ phiếu. Một ngày trước đó, tập đoàn Mizuho tuyên bố điều chỉnh tăng dự báo cổ tức hằng năm và mục tiêu thu nhập, nhưng không thông báo mua lại cổ phiếu.
Tập đoàn Amazon mở rộng hoạt động tại Nhật Bản. (Nguồn: National World News) |
* Tập đoàn Amazon đã đầu tư hơn 1.200 tỷ Yen (8 tỷ USD) vào Nhật Bản trong năm 2022, tăng 20% so với năm trước nhằm thúc đẩy mở rộng mạng lưới hậu cần và trung tâm dữ liệu.
Amazon Nhật Bản đã mở các trung tâm xử lý đơn hàng lớn ở tỉnh Hyogo, gần Osaka, cũng như các tỉnh Kanagawa và Saitama, gần Tokyo, vào năm 2022. Có 18 trạm giao hàng xử lý các chuyến giao hàng chặng cuối cho khách hàng cũng đã được xây dựng.
Từ năm 2010 đến năm 2022, khoản đầu tư của công ty đạt hơn 6.000 tỷ Yen. Hơn 7 triệu mặt hàng hiện có thể được giao vào ngày hôm sau trên cả nước, ngoại trừ đảo chính cực Bắc Hokkaido, và các khu vực đủ điều kiện giao hàng không tiếp xúc cũng đã mở rộng.
* Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, sản lượng gạo của nước này đạt 3,7 triệu tấn trong năm 2023, thấp hơn so với mức 3,76 triệu tấn của năm trước.
Sự sụt giảm trong năm nay xảy ra do tổng diện tích các cánh đồng lúa giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức thấp kỷ lục 708.012 ha.
Chính phủ Hàn Quốc đã và đang thực hiện các biện pháp để cân bằng cung cầu gạo, chẳng hạn như trợ cấp cho nông dân trồng “các cây trồng chiến lược” như lúa mì, đậu và gạo.
Mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người hằng năm đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay là 56,7 kg trong năm 2022, so với mức cao kỷ lục 136,4 kg trong năm 1970.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Chính phủ Lào đang chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu với mục tiêu trở thành nhà cung cấp năng lượng xanh của khu vực Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tối 13/11, đại diện chính phủ Lào và Công ty TNHH Tài nguyên Tái tạo và Đầu tư Naseng Wayo đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về nghiên cứu khả thi việc phát triển các nhà máy điện gió ở tỉnh Savannakhet và dự án trạm biến áp và đường dây truyền tải điện 500 kV kết nối các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo ở tỉnh Savannakhet phía Trung Lào với các nước láng giềng.
Theo đó, các công ty Naseng-Wayo và UPC Renewables sẽ được chính phủ Lào phê duyệt việc nghiên cứu và tìm hiểu khả năng phát triển các dự án năng lượng gió ở các huyện Phin, Vilabouly và Atsaphone thuộc tỉnh Savannakhet và phát triển các trạm biến áp 500 kV, cùng đường dây truyền tải điện kết nối tới các nước láng giềng phục vụ cho mục đích mua bán điện.
* Ngày 13/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman cho biết, đến năm 2024, quốc gia đông dân thứ tư thế giới có thể cần nhập khẩu tới 5 triệu tấn gạo do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Niño tới hoạt động sản xuất lúa gạo. 5 triệu tấn gạo này bao gồm 3,5 triệu tấn được nhập khẩu trong năm nay và 2 triệu tấn vào năm 2024.
Theo ông Amran, việc Indonesia chuyển từ vị thế quốc gia tự cung tự cấp gạo thành nhà nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi, xuất phát từ việc sản lượng lúa gạo trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của El Niño.
* Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof ngày 14/11 cho biết, nước này có kế hoạch củng cố hơn nữa sự tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường (BRI)” của Trung Quốc, và khám phá mối quan hệ đối tác kinh tế rộng rãi hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong các lĩnh vực tăng trưởng mới nổi như phát triển bền vững và thương mại xanh.
Theo Phó Thủ tướng Fadillah, Malaysia đã chủ động thực hiện các biện pháp then chốt hướng tới quản lý và sản xuất dầu cọ bền vững. Hiện tại, khoảng 90% diện tích trồng cọ dầu lên tới 5,26 triệu ha, có năng lực sản xuất hàng năm ấn tượng lên tới 18 triệu tấn.
Ông Fadillah kêu gọi các bên liên quan đến dầu cọ nắm bắt các cơ hội mở rộng nhờ kết nối kinh tế và thương mại đang phát triển giữa Malaysia và Trung Quốc. Malaysia tin rằng dầu cọ có rất nhiều tiềm năng để trở nên nổi bật hơn trên thị trường dầu và mỡ Trung Quốc trong thời gian ngắn.