Quan hệ Nga-Iran sắp bước lên tầm cao mới, bước đột phá trong đàm phán thành lập chính phủ đoàn kết ở Palestine, tình hình bầu cử Mỹ và xung đột ở Ukraine… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 7 từ phải sang) chụp ảnh với đại diện của các phe phái Palestine trong lễ ký kết ‘Tuyên bố Bắc Kinh’ tại Nhà khách Điếu Ngư ở Bắc Kinh, ngày 22/7. (Nguồn: AFP) |
Châu Âu
* Nga-Iran sẽ ký hiệp ước hợp tác toàn diện mang tính lịch sử và đã hoàn tất những bước cuối cùng để tiến tới động thái này, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko ngày 23/7.
Theo ông Rudenko, quá trình biên soạn tài liệu mất gần 2 năm rưỡi đã hoàn thành và Moscow hy vọng “sẽ sớm chứng kiến sự kiện lịch sử thực sự này”, vốn sẽ giúp nâng cao vị thế quan hệ Nga-Iran lên mức đối tác chiến lược toàn diện.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian khẳng định, Tehran sẵn sàng ký văn kiện này tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở thành phố Kazan (Nga) vào tháng 10 tới. (IRNA, TASS)
* Nhà ngoại giao Tây Ban Nha trở thành đặc phái viên mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có nhiệm vụ điều phối các hành động tại sườn phía Nam.
Nhà ngoại giao này là Javier Colomina, Phó Trợ lý Tổng thư ký NATO về các vấn đề chính trị và chính sách an ninh, cũng là Đại diện đặc biệt cho vùng Kavkaz và Trung Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto cáo buộc ông Stoltenberg “phản bội” Rome khi không bổ nhiệm người Italy làm đặc phái viên mới phụ trách sườn phía Nam của liên minh. (NATO)
* Ukraine muốn mở rộng tấn công Nga bằng vũ khí phương Tây: Ngày 22/7, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Kiev cần khả năng tiêu diệt các phương tiện mang bom dẫn đường, bao gồm cả máy bay chiến đấu của Nga tại các sân bay và trên bầu trời”.
Nhấn mạnh Ukraine cần các cuộc không kích tầm xa và phòng không hiện đại, ông Kuleba cũng thuyết phục phương Tây cần loại bỏ những lo ngại “phi lý” về các cuộc tấn công của Kiev nhằm vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Đồng ý kiến, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết, ông đã yêu cầu những người đồng cấp châu Âu cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây tài trợ. (Sputnik, Interfax)
* Bulgaria sắp đưa ra gói viện trợ mới cho Ukraine, bao gồm đạn dược và thiết bị được coi là dư thừa hoặc không cần thiết đối với các lực lượng vũ trang quốc gia Balkan, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Atanas Zapryanov.
Ông Zapryanov cũng lưu ý rằng, việc xem xét đưa ra các gói viện trợ mới cho Ukraine đang ở giai đoạn cuối và có thể sớm được trình lên Hội đồng Bộ trưởng để xem xét. (Sputnik)
* Nhiều nước châu Âu kêu gọi EU thay đổi chiến lược về Syria: Ngày 22/7, Ngoại trưởng các nước Italy, Áo, Slovenia, Slovakia, Croatia, Hy Lạp, Czech và Cyprus đã yêu cầu Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell xem xét lại chính sách đối với Syria.
Trong bức thư gửi ông Borrell, 8 nước thành viên yêu cầu EU có một chính sách đối với Syria “tích cực hơn, hướng tới kết quả và hoạt động hiệu quả hơn”. Mục tiêu là “đạt được các điều kiện để người tị nạn Syria trở về an toàn, tự nguyện và xứng đáng, tuân theo các tiêu chuẩn của Cao ủy Liên hợp quốc (UNHCR) về người tị nạn”. (AFP)
* EU gia hạn tất cả các biện pháp trừng phạt Nga thêm 6 tháng, đến 31/1/2025, từ các biện pháp trừng phạt hồi năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea cho đến các biện pháp mới được áp đặt từ năm 2022 khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đến nay, EU đã áp đặt tổng cộng 14 gói trừng phạt Nga, bao gồm các biện pháp hạn chế trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ, công nghiệp, giao thông, cũng như hạn chế nhập khẩu dầu, sản phẩm hóa dầu từ Nga, hạn chế xuất khẩu sang Nga các mặt hàng xa xỉ và hàng hoá lưỡng dụng.
Phía Nga coi các biện pháp trừng phạt là bất hợp pháp và thiếu xây dựng. (AFP)
* Moldova hy vọng hoàn tất đàm phán gia nhập EU vào năm 2028 để trở thành thành viên của khối vào năm 2030, theo lời Phó Thủ tướng Moldova phụ trách hội nhập châu Âu Cristina Gerasimov.
Bà Gerasimov nhấn mạnh, các tổ chức châu Âu sẵn sàng đón nhận ý tưởng về thời hạn khả quan năm 2030, đồng thời, các quốc gia EU cũng “hoàn toàn cởi mở với Moldova”. (Radio Moldova)
TIN LIÊN QUAN | |
EU tiếp tục bước đi tẩy chay Hungary |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đánh giá quan hệ Mỹ-Triều: Nhắc lại bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa hồi tuần trước, KCNA cho biết, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump có “mong muốn lâu dài” về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Ông Trump đã mô tả mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là “hòa hợp”.
Tuy nhiên, theo KCNA, dù “cố gắng phản ánh mối quan hệ cá nhân đặc biệt” này, ông Trump “đã không mang lại bất kỳ thay đổi tích cực đáng kể nào” trong quan hệ song phương, nhấn mạnh: “Phải phân biệt rõ ràng chính sách đối ngoại của đất nước và tình cảm cá nhân”.
Hãng thông tấn lưu ý, Washington nên xem xét cẩn thận những ưu và nhược điểm của cuộc đối đầu với Bình Nhưỡng và đưa ra lựa chọn đúng đắn, nhấn mạnh, sự đối đầu giữa hai bên có dừng lại hay không phụ thuộc vào hành động của Mỹ.
* Trung Quốc ủng hộ hòa đàm để giải quyết vấn đề Ukraine và sẽ thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, ngày 23/7.
Theo bà Mao Ninh, Bắc Kinh luôn “ủng hộ lệnh ngừng bắn”, nhấn mạnh rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình “phù hợp với lợi ích của cả hai bên”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 23-26/7 để thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề liên quan giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu. (TASS)
* Indonesia hoãn kế hoạch di dời đến thủ đô mới Nusantara (IKN), dự kiến diễn ra vào tháng này, do mưa lớn liên tục tại khu vực, theo lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) trong cuộc họp báo ngày 23/7.
Theo kế hoạch ban đầu, Indonesia sẽ tổ chức lễ khánh thành IKN vào Ngày độc lập 17/8 và Tổng thống Jokowi cùng người kế nhiệm Prabowo Subianto sẽ tổ chức lễ kỷ niệm tại Cung điện Nhà nước mới. Tuy nhiên, đến nay, ông Jokowi khẳng định sẽ không thể tổ chức khánh thành IKN vào Ngày độc lập. (The Jakarta Post)
* Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol công du Czech vào tháng 9, theo thông báo của Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, ngày 23/7.
Hôm 17/7, chính phủ Czech thông báo quyết định lựa chọn một công ty Hàn Quốc thực hiện dự án xây dựng 2 tổ máy mới tại Nhà máy điện hạt nhân Dukovany – đơn đặt hàng nước ngoài đầu tiên của quốc gia Đông Bắc Á cho một dự án điện hạt nhân quy mô lớn kể từ năm 2009. Đây cũng là dự án có chi phí lớn nhất trong lịch sử Czech. (Yonhap)
* Mỹ-Hàn Quốc tập trận không quân từ ngày 23/7-8/8 tại căn cứ không quân ở Suwon, phía Nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc, với sự tham gia của nhiều máy bay chiến đấu hiện đại như F/A-18C/D và F-35B của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ cũng như F-16, FA-50, KA-1 và F-15K của Không quân Hàn Quốc.
Cuộc tập trận sẽ bao gồm các khoa mục huấn luyện về cơ động chiến đấu, hỗ trợ và ngăn chặn trên không, phòng không, nhằm tăng cường khả năng phối hợp của không quân hai nước với nhiều loại máy bay khác nhau. (Yonhap)
* Malaysia sơ tán công dân khỏi Bangladesh bằng một chuyến bay thuê bao, với khoảng 100 người, bao gồm cả sinh viên.
Bangladesh rơi vào vòng xoáy bạo lực từ tuần trước khi nổ ra các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại chính sách của chính phủ về việc phân bổ hạn ngạch 30% vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước cho người thân trong gia đình của những người đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan.
Tính đến nay, ít nhất 168 đã người thiệt mạng và hơn 800 người bị bắt liên quan các vụ bạo lực do biểu tình tại Bangladesh. (Bernama)
* Thượng viện Thái Lan có Chủ tịch mới là cựu Thống đốc tỉnh Buri Ram, ông Mongkol Surasatja (72 tuổi), với 159 phiếu bầu.
Trong bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, ông Mongkol nhấn mạnh, ông nhận ra rằng mình “mắc nợ” đất nước rất nhiều nên muốn phục vụ quốc gia với tư cách là Chủ tịch Thượng viện.
Trên cương vị mới, ông khẳng định sẽ cố gắng để đảm bảo tất cả người dân Thái Lan có cuộc sống tốt hơn, cũng như nỗ lực đoàn kết các Thượng nghị sĩ để Thượng viện có thể trở thành cơ quan đại diện cho mọi người dân đến từ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội. (The Bangkok Post)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên đón khách quý từ Nga, Mỹ tỏ nỗi lo về mối ‘thâm tình’ Moscow-Bình Nhưỡng |
Trung Đông-châu Phi
* Các phe phái của Palestine đạt thỏa thuận đoàn kết dân tộc: Ngày 23/7, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Hamas đã ký thỏa thuận với các phe phái khác của Palestine, trong đó có đối thủ Fatah, để cùng nhau hợp tác vì “sự đoàn kết dân tộc”.
Đại diện của Hamas phát biểu: “Chúng tôi cho rằng con đường để hoàn thành hành trình này là khối đoàn kết dân tộc. Chúng tôi cam kết đoàn kết dân tộc và chúng tôi kêu gọi hành động đó”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người phụ trách tiếp đón quan chức cấp cao của Hamas Musa Abu Marzuk, đặc phái viên Fatah Mahmud al-Aloul và các đại diện từ 12 nhóm Palestine khác, cho biết, các bên liên quan đã nhất trí thành lập “chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời” để quản lý Gaza thời hậu chiến. (Hurriyet Daily News)
* Tunisia điều tàu chở hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên tới Gaza, mang theo 1.609 tấn thực phẩm và viện trợ y tế dành cho người Palestine.
Trong số hàng viện trợ có 2 xe cứu thương, 4 đơn vị chăm sóc sức khỏe di động, 19 thùng nước, một máy lọc máu, cũng như thuốc men.
Con tàu này sẽ cập cảng Port Said ở Ai Cập vào ngày 25/7 để dỡ hàng, sau đó, hàng viện trợ được vận chuyển bằng xe tải đến Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah, với sự phối hợp của chính quyền Ai Cập và Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập. (TAP)
* Chiến đấu cơ Israel xuất hiện trên bầu trời thủ đô Beirut của Lebanon, theo thông tin từ truyền thông ngày 23/7.
Theo hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA), máy bay chiến đấu Israel đã phá vỡ rào cản âm thanh trên bầu trời Beirut và các vùng ngoại ô cũng như các khu vực khác của quốc gia này. Tại Beirut, người dân nghe rõ 2 vụ nổ.
Cho đến thời điểm hiện tại, phía Israel chưa đưa ra bình luận về thông tin trên. (NNA)
TIN LIÊN QUAN | |
ICJ ra phán quyết mạnh mẽ nhất về xung đột Israel-Palestine: Đức tuyên bố dứt khoát, EU sẽ đem ra bàn tại hội nghị ngoại trưởng |
Châu Mỹ
* Bầu cử Mỹ 2024: Đảng Dân chủ thông báo sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu trực tuyến trong khoảng thời gian từ 1-5/8 để tìm ứng cử viên tổng thống thay ông Joe Biden đã rút lui.
Như vậy, việc tìm ra ứng cử viên sẽ hoàn thành trước lúc Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, dự kiến diễn ra từ ngày 19-22/8 tại thành phố Chicago.
Đến nay, ứng cử viên sáng giá nhất, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, tuyên bố, bà đã nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết (ít nhất là 1.976 phiếu đại biểu) để trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, đồng thời bày tỏ mong đợi sớm được chính thức nhận đề cử của đảng Dân chủ. (AP)
* Tổng thống Mỹ cam kết tiếp tục nỗ lực chấm dứt xung đột ở Gaza trong những tháng cuối cùng tại nhiệm.
Phát biểu trước các nhân viên tại trụ sở chiến dịch tranh cử, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Tôi sẽ hợp tác rất chặt chẽ với người Israel và người Palestine để cố gắng tìm ra cách chúng ta có thể chấm dứt chiến tranh ở Gaza, lập lại hòa bình ở Trung Đông và đưa tất cả các con tin về nhà”.
Ông Biden dự kiến có cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn đang thăm Washington, vào ngày 25/7 tại Nhà Trắng. (AFP, Reuters)
* Mỹ điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 đến căn cứ Không quân Mihail Kogalniceanu của Romania nhằm thể hiện cam kết của Washington với các đồng minh và đối tác trong NATO.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên máy bay ném bom B-52 hạ cánh xuống Romania để hỗ trợ Lực lượng máy bay ném bom của châu Âu, tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO. (NATO)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-237-nga-iran-chuan-bi-co-cai-bat-tay-lich-su-su-dot-pha-o-palestine-ba-kamala-harris-sap-mo-toang-canh-cua-di-vao-su-sach-279765.html