‘Nóng’ vụ nổ nghiêm trọng tại bệnh viện ở dải Gaza, lãnh đạo Nga-Trung hội đàm, Australia áp trừng phạt Iran… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buổi họp báo tại Israel hôm 18/10. (Nguồn: CNN) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga hạ 28 UAV Ukraine: Ngày 18/10, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố: “Các hệ thống phòng không làm nhiệm vụ trên lãnh thổ tỉnh Belgorod, Kursk và Biển Đen đã đánh chặn và phá hủy 28 máy bay không người lái (UAV) Ukraine”.
Trước đó, Thống đốc tỉnh Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết tại tỉnh này và đô thị Ykovlevsky, hệ thống phòng không đã bắn hạ 6 UAV của Ukraine. (TASS)
* Đại sứ Nga chỉ trích Mỹ chuyển giao tên lửa ATACMS cho Ukraine: Ngày 18/10, truyền thông Nga dẫn lời Đại sứ nước này Anatoly Antonov đánh giá Washington đã phạm “sai lầm khủng khiếp” khi gửi các Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa cho Ukraine.
Ông nêu rõ: “Những hậu quả của bước đi này, vốn cố ý giấu diếm công luận, sẽ mang bản chất nghiêm trọng nhất. Nước Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga”.
Hôm 17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận quân đội nước này lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp. Cùng ngày, Nhà Trắng cũng thừa nhận thông tin trên.
Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson, mặc dù ATACMS có tầm bắn tối đa lên đến 300 km, song phiên bản cung cấp cho Ukraine chỉ có tầm bắn 165 km. (Reuters)
* Ukraine cáo buộc Nga gây thương vong cho dân thường tại Zaporizhzhia: Ngày 18/10, Thống đốc vùng Zaporizhzhia ở Ukraine, ông Yury Malashko cho biết Nga đã không kích, phá hủy một tòa nhà chung cư ở thành phố này, khiến 1 người thiệt mạng và ít nhất 2 người bị thương. Trên Telegram, ông Malashko cho biết thêm: “Cư dân của tòa nhà đã được sơ tán. 8 tòa nhà chung cư bị hư hại”.
Trước đó, trong cùng ngày, quan chức khu vực Zaporizhzhia do Nga bổ nhiệm, ông Vladimir Rogov cáo buộc Ukraine đã tiến hành không kích trong đêm vào khu vực này. Cuộc tấn công đã nhằm trúng một khu dân cư ở thành phố. (Reuters)
* EP phê duyệt thêm 50 tỷ Euro cho Ukraine: Ngày 17/10, Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) cấp thêm 50 tỷ Euro trong 4 năm tới để giúp tái thiết một Ukraine bị chao đảo bởi hoạt động quân sự của Nga.
Đề xuất này, vốn được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào tháng 6, đã được thông qua với 512 phiếu thuận, 45 phiếu trống và 63 phiếu trắng tại EP. Nó sẽ kết hợp giữa các khoản tài trợ và khoản vay dành cho Ukraine trong ngân sách dài hạn giai đoạn 2024-2027 của khối. Một khi đi vào hoạt động, ngân quỹ này sẽ nâng cam kết tài chính dài hạn của EU cho Ukraine lên tới hơn 100 tỷ Euro. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine cần gấp 42,9 tỷ USD, phương Tây ‘chuyển hướng’ quan tâm, Kiev khó biến cam kết thành đảm bảo |
* Israel phủ nhận tấn công trực tiếp bệnh viện ở dải Gaza, Hamas nói gì: Ngày 18/10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết không thấy bằng chứng nào về một vụ tấn công trực tiếp vào bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở Dải Gaza một ngày trước đó, khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng.
Tuyên bố của IDF dẫn lời người phát ngôn quân đội Israel giải thích: “Phân tích về hoạt động của IDF cho thấy các lực lượng khác đã phóng hàng loạt tên lửa từ Gaza, bay qua khu vực cận kề Bệnh viện Al-Ahli vào thời điểm cơ sở này bị trúng đạn. Thông tin tình báo từ nhiều nguồn mà chúng tôi có được chứng tỏ PIJ phải chịu trách nhiệm cho vụ phóng tên lửa thất bại và rơi trúng bệnh viện ở Gaza”.
Đáp lại, Hamas cáo buộc Israel gây ra vụ tấn công. Thủ lĩnh phong trào này Ismail Haniyeh cho rằng, Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công Bệnh viện Ahli Arab. Theo ông, chính quyền Washington đã dung dưỡng cho “hành động” của Israel.
Phản ứng trước vụ việc tại Bệnh viện Al-Ahli, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đề nghị HĐBA LHQ họp khẩn sáng 18/10 (giờ New York).
Trong một tin liên quan, đêm 17/10, hàng chục người đã cố gắng xông vào Đại sứ quán Israel tại Amman, Jordan. Đám đông đã chọc thủng hàng rào bảo vệ của lực lượng an ninh và tiến vào Đại sứ quán, buộc lực lượng này sử dụng hơi cay để giải tán. (Reuters)
* IDF hối thúc người dân Gaza sơ tán về phía Nam: Ngày 18/10, IDF hối thúc người dân ở Gaza đi về phía Nam, cho biết trong một khuyến cáo sơ tán mới rằng có một “khu vực nhân đạo” với viện trợ có sẵn ở Al-Mawasi, cách bờ biển của vùng lãnh thổ Palestine 28 km. Một bài đăng trên mạng xã hội của quân đội Israel cho hay: “IDF kêu gọi cư dân Gaza sơ tán về phía Nam để bảo vệ mình”. (Reuters)
* Tổng thống Mỹ tới Israel: Ngày 18/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Tel Aviv. Phát biểu trong buổi họp báo chung, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 18/10 cảm ơn ông chủ Nhà Trắng về sự “ủng hộ rõ ràng” đối với cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Nhà lãnh đạo này cũng cập nhật số người thiệt mạng trong vụ tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7/10 đã lên tới 1.400 người và có thể sẽ còn tăng thêm nữa. Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh, Israel sẽ đánh bại Hamas vì “hòa bình, an ninh cho khu vực và thế giới”.
Ông cũng khẳng định mình “rất cảm động” khi ông Biden là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Israel giữa lúc xung đột. Theo chính trị gia này, động thái thể hiện cam kết sâu sắc của Mỹ với tương lai của người dân và Nhà nước Do Thái.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, thông tin ban đầu cho thấy vụ nổ ở bệnh viện Baptist Al-Ahli “do nhóm khác” gây ra. Khẳng định Washington ủng hộ quyền tự vệ của Nhà nước Do Thái trước các đợt tấn công, ông chỉ trích phong trào Hamas đã giết hại và bắt giữ nhiều nạn nhân, trong đó có công dân xứ cờ hoa. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố sẽ viện trợ đủ hỏa lực để Israel tự vệ.
Bên cạnh đó, ông Joe Biden đề nghị Israel chú ý không tấn công vào các mục tiêu dân sự, đồng thời mở hành lang nhân đạo để quốc tế đưa hàng cứu trợ vào giúp đỡ người Palestine cũng như để cho người dân vô tội thoát khỏi vùng xung đột. (Reuters)
* Chủ tịch EC cảnh báo về vòng xoáy bạo lực mới: Ngày 18/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, việc gia tăng đáng kể phát ngôn thù hận và các vụ tấn công ở châu Âu thời gian qua là hệ quả của tình trạng bạo lực ở Trung Đông.
Bà cũng khẳng định, những người gây ra vụ tấn công vào bệnh viện Baptist Al-Ahli ở Dải Gaza phải chịu trách nhiệm. Tuy Chủ tịch EC không đổ lỗi cụ thể cho bên nào là thủ phạm, nhưng quan chức cấp cao này cũng tố cáo phong trào Hồi giáo Hamas đã đẩy Israel và Palestine vào một vòng xoáy bạo lực mới. (Reuters)
* Đức ủng hộ nỗ lực hòa giải của Ai Cập: Ngày 18/10, phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi ở thủ đô Cairo trong khuôn khổ chuyến thăm Israel và Ai Cập, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của Ai Cập nhằm giảm căng thẳng giữa Israel và Hamas.
Ông nêu rõ: “Cùng với Ai Cập, chúng tôi muốn nỗ lực hết sức nhằm giảm bớt hậu quả thảm khốc do chiến tranh gây ra”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng cho biết thêm, hai bên đã thảo luận về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.
Về phần mình, Tổng thống el-Sisi cho rằng, việc buộc di dời người Palestine tại dải Gaza là không thể thực hiện được và người Palestine “chỉ có thể chuyển đến sa mạc Negev ở Israel khi xung đột được giải quyết”. (DW)
* Iran chỉ trích Mỹ sau vụ tấn công của Hamas: Ngày 17/10, viết trên mạng xã hội X, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei viết: “Các báo cáo tình báo của chúng tôi cho thấy Mỹ đang thiết lập chính sách hiện tại của chế độ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và những gì đang được thực hiện đều bị chi phối bởi quá trình hoạch định chính sách của Mỹ. Mỹ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hiện nay”.
Theo nhà lãnh đạo này, giới chức Mỹ đã có mặt trong những cuộc họp của Nội các chiến tranh của Israel. Đồng thời, Lãnh tụ tối cao Iran tin rằng, IDF sẽ mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza sau khi ông Joe Biden thăm Nhà nước Do Thái. Ông kêu gọi Israel lập tức ngừng tấn công Dải Gaza và thề rằng, người Hồi giáo sẽ trả đũa nếu Israel tiếp tục bắn phá vùng đất của người Palestine.
Trong khi đó, ngày 18/10, phát biểu tại cuộc họp khẩn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Jeddah, Saudi Arabia, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian “kêu gọi các nước Hồi giáo áp lệnh cấm ngay lập tức và hoàn toàn đối với Israel cùng với việc trục xuất đại sứ của nước này nếu như có quan hệ với Nhà nước Do Thái”. Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi thành lập nhóm luật sư Hồi giáo nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý về các hành vi của Israel ở Dải Gaza. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Mỹ khẳng định thủ phạm đứng sau vụ tấn công bệnh viện ở Dải Gaza là ‘một nhóm khác’ |
* Trung Quốc chỉ trích Mỹ áp đặt hạn chế về chip: Ngày 18/10, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố: “Các hạn chế và sự tách rời cưỡng ép vì mục đích chính trị này vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng”. Bắc Kinh hy vọng Washington không “nói một đằng làm một nẻo” khi khẳng định rằng nước này không muốn cản trở sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Trước đó, ngày 17/10, xứ cờ hoa đã công bố kế hoạch ngừng chuyển giao các loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến do NVIDIA và nhiều hãng công nghệ nước này sản xuất cho nước ngoài. Kế hoạch sẽ siết chặt phạm vi các nước tiếp cận chip tiên tiến hay công cụ sản xuất chip, đồng thời đưa thêm 2 công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Mỹ về sản xuất chip tiên tiến. Đây được coi là một phần trong các biện pháp của Washington nhằm hạn chế nước ngoài, đặc biệt là đối thủ cạnh tranh như Bắc Kinh, sở hữu công nghệ tiên tiến của xứ cờ hoa. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Một chỉ huy cấp cao của Hamas thiệt mạng tại Dải Gaza |
Nga-Trung
* Nga-Trung có kế hoạch ký phối hợp kéo dài: Ngày 18/10, phát biểu tại họp báo ở Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine là “sai lầm”. Theo ông, điều này làm gia tăng mối đe dọa đối với Nga, song sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình thực địa.
Ông cũng khẳng định mối đe dọa chung sẽ chỉ làm tăng cường sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga. Ông chủ Điện Kremlin cho biết, Nga và Trung Quốc có thể ký kế hoạch phối hợp kéo dài đến năm 2030 tại cuộc họp ở Bishkek, Kyrgyzstan.
Các hãng tin Nga cho biết trong cuộc hội đàm cùng ngày với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin đã thảo luận về tình hình Ukraine và cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhà lãnh đạo này đánh giá cuộc tấn công vào bệnh viện ở Dải Gaza khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng là “thảm họa khủng khiếp”, cho thấy cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas cần phải chấm dứt.
Cùng ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi mối quan hệ Trung-Nga. Theo ông, sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai cường quốc này ngày càng sâu sắc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh hai nước duy trì sự phối hợp chiến lược chặt chẽ và hiệu quả, kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao lịch sử, tiến tới mục tiêu 200 tỷ USD đã đặt ra. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Putin hội đàm song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình |
Đông Nam Á
* Thủ tướng Thái Lan mời Tổng thống Nga thăm chính thức: Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Bắc Kinh hôm 17/10. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, hiện đang ở Trung Quốc để tham dự Diễn đàn quốc tế về sáng kiến Vành đai và con đường.
Viết trên mạng xã hội X, ông Srettha nói “Tôi đã đề nghị Nga thúc đẩy thương mại song phương về nông sản và tăng cường đầu tư vào Thái Lan. Tôi cũng mời Tổng thống Putin đến thăm Thái Lan để tăng cường quan hệ của chúng ta”. Theo chính phủ Thái Lan, ông Putin đã chấp nhận lời mời, song chưa ấn định ngày.
Đề cập quan hệ với xứ bạch dương, Thủ tướng Strettha Thavisin cũng lưu ý, hơn 1 triệu người Nga đã đến thăm Thái Lan năm nay và chính phủ nước này mới phê chuẩn việc gia hạn thời gian lưu trú miễn thị thực cho khách du lịch Nga từ 30 ngày lên 90 ngày. (Thai PBS World)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Nga nhận lời mời thăm Thái Lan |
Đông Bắc Á
* Ngoại trưởng Nga đến Triều Tiên: Ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Triều Tiên trong khuôn khổ chuyến công du quốc gia này. Theo lịch trình, ông sẽ dự các cuộc gặp được coi là tạo tiền đề cho chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Triều Tiên.
Chuyến thăm kéo dài 2 ngày của Ngoại trưởng Lavrov diễn ra một tháng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thực hiện chuyến đi hiếm hoi tới Nga. Tại đây, ông đã mời Tổng thống Putin đến Bình Nhưỡng và thảo luận về hợp tác quân sự, bao gồm chương trình vệ tinh của Triều Tiên và tình hình Ukraine. (Interfax/Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Nga sắp thăm Bình Nhưỡng, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với Triều Tiên |
Châu Mỹ
* Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức bầu Chủ tịch vòng hai: Ngày 17/10, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jim Jordan cho biết vòng thứ hai của cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện sẽ bắt đầu vào lúc 11h00 ngày 18/10 (0h ngày 19/10 giờ Hà Nội).
Các thành viên Cộng hòa đã phản đối việc ông Jordan gửi thư cho Quyền Chủ tịch Hạ viện Patrick McHenry đề nghị tổ chức bỏ phiếu vòng hai ngay trong ngày 17/10, sau khi Hạ nghị sĩ này thất bại trong lần bỏ phiếu đầu tiên khi chỉ giành được 200 phiếu, thiếu 17 phiếu cần thiết để đạt đa số.
Nói về thất bại này, ông cho rằng diễn biến này không quá lạ vì Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy chỉ giành chức Chủ tịch Hạ viện sau 15 vòng bỏ phiếu, tháng 1/2023.
Con số 20 nghị sĩ đảng Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông Jordan cao hơn nhiều dự tính ban đầu. Trong số này có những gương mặt quyền lực, như Hạ nghị sĩ Kay Granger của bang Texas, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện và một số hạ nghị sĩ đại diện cho các khu vực đã bỏ phiếu cho ông Biden năm 2020. (CNN)
TIN LIÊN QUAN | |
Đồng minh thân tín của Donald Trump tranh cử vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ |
Trung Đông-châu Phi
* Australia tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran: Ngày 18/10, Bộ Ngoại giao Australia cho biết, nước này đã áp đặt lại các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu và cấm nhập cảnh đối với 19 cá nhân và 57 thực thể của Iran vì dính líu đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.
Những biện pháp trừng phạt này trước đây được áp dụng theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và giờ đây sẽ được liệt kê trong khuôn khổ trừng phạt của Australia. Động thái này phù hợp với cách tiếp cận của các đối tác quốc tế của Australia. Ngoài ra, có thêm 3 cá nhân và 11 tổ chức bị liệt kê trong danh sách trừng phạt do có liên quan đến những cá nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt theo Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ.
Theo thông cáo, việc Iran phổ biến tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Canberra kêu gọi Tehran cần ngừng hành động nhằm leo thang chương trình hạt nhân và tái khẳng định tuân thủ đầy đủ cam kết liên quan đến hạt nhân.
Điều này bao gồm đảo ngược tất cả các bước khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác minh hoàn toàn việc Iran sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Australia khẳng định lệnh trừng phạt thể hiện cam kết của nước này về không phổ biến vũ khí hạt nhân và quyết tâm hợp tác với các đối tác quốc tế. (TTXVN)