Bất chấp sóng trừng phạt của phương Tây, Nga sắp bước sang năm thứ 3 chiến sự với Ukraine bằng nguồn thu nhiều chưa từng có nhờ bán dầu.
Theo đạo luật ngân sách được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hồi tháng 11/2023, nguồn thu của Moskva trong năm 2024 dự kiến đạt hơn 35 nghìn tỷ ruble (gần 394 tỷ USD), còn năm 2025 là gần 377 tỷ USD và năm 2026 là hơn 382 tỷ USD.
Đây là đà tăng đáng kể của Nga, sau khi nước này đạt mức doanh thu kỷ lục 320 tỷ USD trong năm 2023, dù phải chi tiêu đáng kể cho quốc phòng để phục vụ chiến sự ở Ukraine, đồng thời chống chọi với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
Phần lớn nguồn thu của Nga trong năm qua là lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ, dù phương Tây đã tìm mọi cách cản trở dòng chảy năng lượng của Moskva. Khi nguồn dầu thô và khí đốt xuất khẩu của Nga tới châu Âu sụt giảm mạnh, Ấn Độ, đối tác chiến lược của Washington, đã trở thành khách hàng lớn thay thế.
Năm 2023, doanh số bán dầu thô sang Ấn Độ của Nga đạt mức kỷ lục 37 tỷ USD, theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA). Lượng dầu Ấn Độ mua từ Nga đã tăng hơn 13 lần so với trước khi xung đột Ukraine bùng phát.
Một số giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ được thực hiện công khai và trực tiếp. Windward, công ty trí tuệ nhân tạo về hàng hải ở Israel, cho biết các tàu chở dầu đã thực hiện 588 hành trình đi thẳng từ Nga đến Ấn Độ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, một số chuyến hàng giao dịch giữa hai nước có đường đi phức tạp hơn. Pole Star Global, công ty giám sát vận chuyển ở Anh, đã theo dõi dữ liệu vận chuyển và phát hiện hơn 200 chuyến tàu chở dầu từ Nga chuyển hàng sang một tàu khác ở Vịnh Laconia của Hy Lạp, trước khi được chở tiếp tới Ấn Độ.
“Việc giao dịch dầu được thực hiện hợp pháp, nhưng đôi khi họ cũng áp dụng một số biện pháp lách lệnh trừng phạt”, David Tannenbaum, thành viên của Pole Star Global, cho hay.
CNN cũng đã phát hiện những hoạt động thương mại phức tạp tương tự ngoài khơi cảng Gythio của Hy Lạp đầu tháng này. Hai tàu chở dầu neo đậu cạnh nhau ngoài khơi để chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác. Cả hai đều lấy những lô hàng dầu từ Nga vài tuần trước đó.
Một tàu trong số đó thuộc sở hữu của công ty có trụ sở ở Ấn Độ và bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Tàu còn lại thuộc sở hữu của cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt riêng của Mỹ.
Mỹ và các đồng minh phương Tây hồi cuối năm 2022 nhất trí thỏa thuận về áp trần giá dầu, cam kết không mua dầu thô của Nga với giá trên 60 USD mỗi thùng. Các quốc gia này cũng cấm những công ty vận tải biển và bảo hiểm của họ hỗ trợ cho những giao dịch dầu thô Nga vượt giá trần.
Đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ tung gói trừng phạt mới đối với các tàu và công ty bị nghi ngờ giúp vận chuyển dầu thô Nga, vi phạm lệnh trừng phạt.
Việc Nga thu về lợi nhuận khủng từ bán dầu thô bất chấp lệnh trừng phạt được cho là nhờ “đội tàu bóng tối” mà Moskva lập ra để che giấu giao dịch và tối đa hóa lợi nhuận, theo Nick Paton Walsh và Florence Davey-Attlee, hai nhà phân tích của CNN.
“Đội tàu bóng tối” ban đầu được ước tính có khoảng 600 chiếc, tương đương 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên toàn cầu. Đây là những phương tiện từng chuyển dầu cho Iran và Venezuela nhằm tránh lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng gần đây chuyển sang chở dầu thô Nga.
“Có một số bằng chứng cho thấy chúng thường che giấu hoạt động của mình bằng cách tắt bộ phát đáp AIS”, Matthew Wright, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại công ty thu thập dữ liệu Kpler ở Bỉ, nói về đội tàu này. AIS là hệ thống giúp định danh và định vị các con tàu di chuyển trên biển, nên hành động tắt thiết bị này khiến các chuyên gia giám sát bị mất dấu con tàu trên biển.
Viktor Katona, người đứng đầu nhóm phân tích dữ liệu dầu thô tại công ty Kpler, cho rằng trần giá dầu do phương Tây áp đặt với Nga là yếu tố kích hoạt nỗ lực tạo ra “đội tàu bóng tối”. “Chuỗi cung ứng càng dài, việc xác định giá thực của một thùng dầu Nga sau khi chuyển từ tàu này sang tàu khác càng khó khăn”, Katona nói.
Đội tàu bóng tối cho phép Nga tạo ra hệ thống vận chuyển song song và có thể vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây, với các tàu chở dầu có chủ sở hữu không rõ ràng. Windward ước tính đội tàu này đã tăng quy mô gấp ba, lên 1.800 chiếc, vào năm ngoái.
Ấn Độ là quốc gia mua dầu thô Nga nhiều thứ hai, sau Trung Quốc. Điều này góp phần giúp Nga giảm bớt khó khăn từ lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây. Đồng thời, doanh thu này cũng góp phần đảm bảo ngân sách của Nga cho chiến dịch ở Ukraine, theo giới quan sát.
Các nhà phân tích của CNN cho biết Nga năm ngoái đã chi khoảng 100 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine. Mức chi này dự kiến lớn hơn trong năm 2024.
Quyết định mua lượng lớn dầu Nga của Ấn Độ cũng góp phần làm suy yếu hiệu quả các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Mỹ và nhiều đồng minh không hài lòng về quyết định của Ấn Độ, song khó có thể gây sức ép mạnh với quốc gia này.
Ấn Độ là một thành viên nhóm Bộ Tứ, cùng với Mỹ, Australia và Nhật Bản. Mỹ đang dựa nhiều vào hợp tác với các thành viên Bộ Tứ trên nhiều lĩnh vực để duy trì động lực cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo giới chuyên gia. New Delhi cũng được xem là một mắt xích trọng yếu trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc, quốc gia mà Washington đánh giá là “mối đe dọa”.
Ấn Độ giải thích việc mua dầu từ Nga là biện pháp để kìm giá năng lượng toàn cầu, vì nước này không cạnh tranh nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông với các nước phương Tây.
“Nếu chúng tôi bắt đầu mua nhiều dầu mỏ từ Trung Đông, giá dầu sẽ không duy trì ở mức 75-76 USD mỗi thùng. Nó sẽ là 150 USD”, Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết.
Vai trò của Ấn Độ trong thương mại dầu mỏ toàn cầu cũng được phản ánh trong cách họ xử lý số dầu mua từ Nga. Một phần dầu thô Nga được tinh chế tại các nhà máy lọc dầu bên bờ biển phía tây Ấn Độ, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các nước tham gia áp lệnh trừng phạt dầu Nga.
Phân tích của CREA ước tính Mỹ là khách hàng mua các sản phẩm tinh chế từ dầu thô của Ấn Độ nhiều nhất trong năm ngoái, với tổng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Các đồng minh của Mỹ cũng tăng đáng kể lượng sản phẩm dầu tinh chế nhập khẩu năm ngoái, với ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 44% so với năm trước.
Các sản phẩm dầu tinh chế bên ngoài Nga không thuộc phạm vi điều chỉnh của lệnh trừng phạt phương Tây. Moskva được cho là đang tìm cách tận dụng lỗ hổng trên bức tường trừng phạt này để thu về nhiều tiền hơn từ bán dầu mỏ.
Một trong những nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tiếp nhận dầu thô Nga nằm ở Vadinar và được điều hành bởi công ty Nayara Energy, với 49,1% sở hữu của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. CREA ước tính Mỹ đã nhập khẩu 63 triệu USD dầu tinh chế ở Vadinar trong năm 2023 và khoảng một nửa lượng dầu thô sử dụng trong nhà máy có nguồn gốc từ Nga.
Giới phân tích nhận định lợi nhuận mà các bên có thể thu về từ những chiến lược tránh né lệnh trừng phạt sẽ rất lớn.
“Bạn đang nói về một thứ sinh lợi đáng kinh ngạc. Và các thương nhân cũng đối mặt với cám dỗ rất lớn để làm điều đó”, Ami Daniel, giám đốc điều hành Windward, nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, TASS, PTI)