Điều tra do tờ Financial Times công bố cho thấy, Nga dường như đã lường trước được các mối nguy hiểm, âm thầm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng các kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ ngay từ năm 2022.
Nga đã đi trước phương Tây một bước trong ‘chiến dịch tấn công’ kinh tế? (Nguồn: Interfax) |
Trong bối cảnh khối BRICS ngày càng lớn mạnh và thúc đẩy phi USD hóa, phóng sự điều tra của FT chỉ ra rằng, hai thành viên lớn nhất của nhóm là Nga và Ấn Độ – đã sớm gây dựng các kênh giao dịch bí mật, như một giải pháp tạm thời né các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Theo thông tin từ FT, Nga đã bí mật mua hàng hóa nhạy cảm từ Ấn Độ và đã sớm tìm cách xây dựng các cơ sở tại quốc gia châu Á nhằm hỗ trợ cho chiến dịch quân sự. Các tài liệu cho thấy, Bộ Công nghiệp và thương mại Nga – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động sản xuất quốc phòng, đã lên các kế hoạch bí mật từ tháng 10/2022, chi khoảng 1 tỷ USD để mua các thiết bị điện tử quan trọng, thông qua các kênh không bị các chính phủ phương Tây giám sát.
Trong khi đó, các ngân hàng Nga đã tích được một “kho dự trữ đáng kể” bằng đồng Rupee thông qua việc bán dầu cho Ấn Độ. Bản kế hoạch nêu chi tiết việc sử dụng kho dự trữ này để tài trợ cho các hoạt động thương mại bí mật, nhằm sở hữu các loại hàng hóa quan trọng mà “trước đây vốn được cung cấp từ các quốc gia thù địch”.
Trong các tài liệu của FT, trọng tâm của hoạt động này là các công nghệ sử dụng kép – các mặt hàng có cả ứng dụng quân sự và dân sự – nằm trong danh sách bị kiểm soát trừng phạt. Ngoài ra, Moscow cũng đã có kế hoạch đầu tư vào các cơ sở sản xuất và phát triển thiết bị điện tử liên doanh Nga-Ấn Độ.
Không rõ có bao nhiêu hoạt động bí mật đã được thực hiện, nhưng dữ liệu chi tiết về dòng thương mại cho thấy mối quan hệ thương mại Ấn Độ-Nga đã “sâu sắc” hơn đáng kể, nhất là đối với các loại hàng hóa được nêu ở trên.
Trên trường quốc tế, Ấn Độ duy trì chính thức trạng thái trung lập và chính sách đối ngoại không liên kết, liên quan cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này có thể giải thích, mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga vẫn được thiết lập, dù New Delhi đồng thời xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Mỹ và “bỏ qua” cảnh báo từ Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo rằng – “bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào làm ăn với cơ sở công nghiệp-quân sự của Nga đều có nguy cơ bị trừng phạt”.
Trên thực tế, Nga cung cấp hơn một nửa thiết bị quân sự của Ấn Độ, bao gồm xe tăng, vũ khí và máy bay chiến đấu với giá hợp lý hơn nhiều so với các loại vũ khí từ các nước phương Tây. Đây là yếu tố đặc biệt phù hợp với nhu cầu cấp bách của Ấn Độ, khi mối quan hệ giữa họ với một số nước láng giềng, bao gồm cả thành viên BRICS là Trung Quốc vẫn đang làm “nóng” tình hình dọc theo biên giới tranh chấp.
Ấn Độ cũng là nước mua dầu thô lớn của Nga trong những năm gần đây bất chấp các lệnh trừng phạt, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức cao nhất mọi thời đại là 66 tỷ USD trong năm tài chính 2023-24. Con số này cao gấp 5 lần so với kim ngạch thương mại diễn ra trong năm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đăck biệt tại Ukraine. Chính thông qua các hoạt động giao dịch này mà các ngân hàng Nga đã có được một lượng dự trữ Rupee rất lớn.
Một quan chức Nga được nhắc đến nhiều trong các tài liệu của FT là Phó giám đốc Bộ phận Điện tử vô tuyến của Bộ Công nghiệp và thương mại Alexander Gaponov. Tháng 10/2022, ông Gaponov được cho là đã liên hệ với Liên đoàn hoạt động Kinh tế đối ngoại và hợp tác liên quốc gia về công nghiệp – một tổ chức có trụ sở tại Moscow có quan hệ với các Cơ quan An ninh Nga – về kế hoạch mua các thành phần thiết bị quan trọng từ Ấn Độ. Do Nga phụ thuộc vào các thiết bị điện tử do nước ngoài sản xuất để sử dụng trong tên lửa, máy bay không người lái và chiến tranh điện tử.
Ông Vadim Poida, Chủ tịch Liên đoàn Ấn Độ cho biết, họ đã phát triển Liên doanh triển khai “các kế hoạch cụ thể” với ngành công nghiệp điện tử Nga. Kế hoạch gồm 5 giai đoạn, nêu chi tiết cách Nga có thể chi tiêu bằng đồng Rupee của Ấn Độ và thiết lập nguồn cung cấp ổn định các thành phần hàng hóa có thể có tác dụng kép. Ông Podia cũng cho biết, kế hoạch đã bao gồm việc Nga thiết lập một “hệ thống thanh toán khép kín giữa các công ty Nga và Ấn Độ” nằm ngoài sự giám sát của các nước phương Tây, bao gồm cả việc sử dụng tài sản tài chính kỹ thuật số.
Theo ước tính, Nga có thể chi tới 100 tỷ Rupee cho nhiều thành phần hàng hóa khác nhau, bao gồm các bộ phận cho “thiết bị viễn thông, máy chủ và các thiết bị điện tử phức tạp khác” mà trước đây thường được cung cấp từ các nước phương Tây.
Ông Poida lưu ý rằng, các thành viên liên doanh cũng đã bắt đầu các dự án thí điểm để sản xuất các thành phần hàng hóa do Nga thiết kế tại Ấn Độ. Ông cho biết thêm, nhiều khoản tiền bổ sung có thể đã được sử dụng để tài trợ cho các liên doanh nhằm tạo ra các nhà máy điện tử tại Ấn Độ nhằm “đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Nga”.
Theo nguồn tin của FT, kế hoạch là Nga sẽ sử dụng đồng Rupee để thanh toán cho hai loại hàng hóa nhập khẩu, bao gồm các loại thiết bị điện tử và máy móc. Các dữ liệu từ chính phủ Nga cho thấy, hoạt động thương mại trong hai danh mục hàng hóa này đã tăng rất mạnh so với “khối lượng không đáng kể” được báo cáo trước năm 2022.
Một hồ sơ hải quan từ Innovio Ventures có trụ sở tại Ấn Độ cho thấy, các công ty này đã cung cấp ít nhất 4,9 triệu USD thiết bị điện tử, bao gồm thiết bị máy bay không người lái cho Nga, cùng với 600.000 USD hàng hóa được trung chuyển đến đối tác thứ ba là Kyrgyzstan, tất cả đều được thanh toán bằng đồng Rupee. Trong khi đó, các lô hàng đến Nga được cho là bao gồm, 568.000 USD thiết bị điện tử được gửi đến Testkomplekt – một công ty Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU vì bị coi là “mắt xích” trong hệ thống mua sắm quân sự của Moscow.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bao-anh-nga-da-di-truoc-phuong-tay-mot-buoc-trong-chien-dich-tan-cong-kinh-te-285189.html