Tướng Ukraine nhận định tình hình thực địa, Israel phát hiện mạng lưới đường hầm lớn tại phía Bắc Dải Gaza…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Đập thủy điện Kakhovka đã bị vỡ hồi tháng 6. (Nguồn: Maxar) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Ông Medvedev khẳng định thắng lợi của Nga trước Ukraine: Ngày 17/12, phát biểu tại đại hội đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã nhắc lại lời của Nguyên soái Liên Xô Konstantin Rokossovsky về Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ông nhấn mạnh rằng, cũng như lúc đó toàn dân đã giành được thắng lợi vĩ đại, chiến dịch hiện nay cả nước cũng sẽ giành được thắng lợi chung. Lưu ý rằng, xã hội Nga đã thể hiện sự kiên cường và đoàn kết trước đối thủ, nhà lãnh đạo này khẳng định: “Chúng ta sẽ đạt được chiến thắng chung của toàn dân trong cuộc đấu tranh này”.
Mới đây, ông Medvedev tuyên bố phương Tây đã thực sự bước vào cuộc xung đột quân sự với Nga. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng các thế hệ đương đại đang sống trong một kỷ nguyên có nhiều thay đổi đáng kể và mạnh mẽ. (TASS)
* Ukraine: Tình hình thực địa chưa đến mức bế tắc: Ngày 18/12, phát biểu với trang RBC (Ukraine), khi được hỏi về tình hình thực địa liệu đã lâm vào thế bế tắc hay chưa, Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhniy đáp: “Không”. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về khả năng Ukraine có tiếp tục phản công trong mùa Đông không, viện dẫn tính nhạy cảm của vấn đề.
Trong khi đó, trả lời Reuters, Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi lại cho biết lực lượng Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và đã phải giảm bớt hoạt động quân sự do thiếu hỗ trợ từ nước ngoài: “Có vấn đề với đạn dược, đặc biệt là (đạn) thời hậu Xô Viết – đó là loại 122 mm, 152 mm. Những vấn đề này đang tồn tại trên toàn bộ chiến tuyến”. Theo ông, đây là “vấn đề rất lớn” và xu hướng giảm viện trợ quân sự nước ngoài đang ảnh hưởng đến tình hình. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Putin: Nga sẽ không tấn công NATO nếu thắng Ukraine |
* Chính phủ Israel phê duyệt đàm phán về vấn đề con tin: Ngày 17/12, Channel12 (Israel) dẫn các nguồn tin cho biết ban lãnh đạo Israel đã phê chuẩn đàm phán giữa Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) David Barnea với Qatar và Ai Cập về việc thả thêm các con tin bị giam giữ ở Dải Gaza. Theo đó, trình bày trước lãnh đạo cấp cao, ông đã phác thảo về một thỏa thuận khả thi để tiếp tục thả con tin. Giám đốc Mossad đã được “bật đèn xanh” để thảo luận các chi tiết với Qatar và Ai Cập liên quan tới kịch bản này, tính đến yêu cầu của Israel.
Như vậy, quan chức này sẽ sang châu Âu để hội đàm với Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani về thỏa thuận con tin tiềm năng với Hamas. Đi cùng ông có Thiếu tướng (nghỉ hưu) Nitzan Alon, người hiện đứng đầu các nỗ lực tình báo nhằm truy tìm dấu vết con tin bị bắt cóc ở Dải Gaza.
Trước đó, hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết cả phía Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đều sẵn sàng thực hiện một lệnh ngừng bắn mới và phóng thích con tin, mặc dù hai bên vẫn còn bất đồng về cách thức thực hiện thỏa thuận. (Sputnik)
* Israel phát hiện mạng lưới đường hầm khổng lồ ở miền Bắc Dải Gaza: Ngày 17/12, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết đã phát hiện mạng lưới đường hầm tấn công lớn nhất từ trước đến nay của Hamas ở gần cửa khẩu biên giới Erez, phía Bắc Dải Gaza. Đường hầm này dài 4km, sâu 50m dưới lòng đất và một số khu vực đủ rộng cho các phương tiện đi qua, song không ăn vào lãnh thổ của Israel. Một trong những nhánh đi sát Israel chỉ cách giao lộ Erez 400m.
Theo IDF, đơn vị tinh nhuệ Yahalom của Quân đoàn kỹ thuật và Lữ đoàn phía Bắc thuộc Sư đoàn Gaza đã sử dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo tiên tiến để thăm dò và phát hiện mạng lưới đường hầm “chiến lược”, cũng như tiến hành truy quét để loại bỏ các nguy cơ tiềm tàng trong hệ thống đường hầm này.
IDF đã thu giữ nhiều vũ khí bên trong hệ thống đường hầm này. Theo ước tính, Hamas đã đầu tư hàng triệu USD vào xây dựng các mạng lưới đường dưới lòng đất Gaza. Đến nay, IDF đã phát hiện hơn 800 đường hầm và đã phá hủy khoảng 500 đường hầm như vậy. IDF cũng bắt đầu thử nghiệm bơm nước biển vào một số đường hầm nhằm vô hiệu hóa nơi trú ẩn của tay súng Hamas. (Times of Israel)
* Quân đội Mỹ kêu gọi Israel thu hẹp chiến sự tại Gaza: Ngày 17/12, truyền thông Mỹ cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Charles Q. Brown đang trên đường tới Tel Aviv. Một mục tiêu của chuyến thăm là thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về sự cần thiết phải chuyển dịch từ các hoạt động quân sự quy mô lớn nhắm vào lực lượng Hamas ở Gaza sang một chiến dịch quân sự hạn chế hơn.
Chính quyền Biden đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Israel về hoạt động ném bom diện rộng, khiến 18.700 người Palestine thiệt mạng và hàng triệu người phải đi lánh nạn, tác động tiêu cực sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Israel trong cuộc chiến chống Hamas. Cách đây vài ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm Tel Aviv, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã hối thúc Thủ tướng Netanyahu ra lệnh cho quân đội Israel chuyển hướng sang hoạt động tấn công chiến thuật có hiệu quả hơn, thay vì bắn phá trện diện rộng trong những tuần qua.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant khẳng định các binh sĩ nước này sẽ duy trì các hoạt động tấn công quy mô lớn để chống lại phong trào Hồi giáo Hamas vài tháng tới. Điều này làm dấy lên câu hỏi về mục tiêu thực sự của Tổng thống Joe Biden khi cử 2 quan chức quân sự hàng đầu trở lại Israel. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Israel – Hamas: Một nhà ngoại giao Pháp thiệt mạng, điều kiện đàm phán trả tự do cho con tin là gì? |
Đông Nam Á
* Thổ Nhĩ Kỳ bàn giao trực thăng T-129 ATAK cho Philippines: Ngày 18/12, tờ Patronlar Dunyasi (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin Ankara đã hoàn tất công tác chuyển giao trước thời hạn lô trực thăng tấn công T-129 ATAK cho Philippines, bất chấp thương vụ này liên tục bị trì hoãn do hạn chế của Mỹ đối với xuất khẩu động cơ.
Trước đó, kế hoạch chuyển giao 6 trực thăng T-129 ATAK dự kiến hoàn thành năm 2024, song Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất công tác này cuối năm 2023. Philippines sẽ tổ chức buổi giới thiệu đặc biệt về phi đội trực thăng mới trong ngày 20/12.
Cũng theo báo Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm chuyên gia kỹ thuật của Không quân Philippines đã chọn T-129 ATAK cho chương trình trực thăng tấn công của lực lượng này cuối năm 2018. Kể từ đó, thương vụ đã bị trì hoãn do hạn chế xuất khẩu động cơ LHTEC CTS800-400A của Mỹ đối với T-129 ATAK. (Sputnik)
* Lãnh đạo Nhật Bản, Campuchia cam kết tăng cường hợp tác an ninh: Ngày 18/12, một ngày sau Hội nghị cấp cao Nhật Bản-ASEAN kỷ niệm 50 năm hữu nghị và hợp tác, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp Campuchia Hun Manet đã có cuộc gặp song phương tại Tokyo.
Tại cuộc gặp này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai nhà lãnh đạo đã xác nhận Tokyo và Phnom Penh sẽ khởi động cơ chế đối thoại cấp thứ trưởng quốc phòng.
Ông Kishida đánh giá quan hệ song phương đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả dự án rà phá bom mìn cho Ukraine. Về phần mình, ông Manet, trong chuyến đi đầu tiên tới Nhật Bản từ khi nhậm chức hồi tháng 8, cam kết sẽ hợp tác với người đồng cấp Kishida vì hòa bình và ổn định trong khu vực. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Nghị sĩ Thái Lan đề xuất giải quyết tranh chấp đền Preah Vihear với Campuchia |
Đông Bắc Á
* Tàu Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản: Ngày 18/12, Hải cảnh Trung Quốc xác nhận một nhóm tàu nước này đã đi vào vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong ngày.
Quần đảo này là nhóm đảo nhỏ, nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400km về phía Tây. Hiện Điếu Ngư/Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến khu vực này. Hai bên đã đối đầu trên vùng biển này, thường triển khai tàu tuần tra và hối thúc bên kia rời khỏi khu vực. Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo này khiến quan hệ Nhật-Trung căng thẳng nhiều năm qua. (Reuters)
* Trung Quốc khẳng định mối quan hệ có tầm quan trọng chiến lược với Triều Tiên: Ngày 18/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng nước này Vương Nghị và người đồng cấp Triều Tiên Pak Myong Ho đã gặp gỡ tại Bắc Kinh. Hai bên bày tỏ ủng hộ và tin tưởng vững chắc vào quan hệ song phương,
Về phần mình, ông Vương Nghị nhấn mạnh: “Trước tình hình quốc tế đầy biến động, Trung Quốc và Triều Tiên luôn vững vàng ủng hộ và tin cậy lẫn nhau, thể hiện tầm quan trọng chiến lược của hợp tác hữu nghị Trung-Triều”. (AFP)
* Hàn-Trung bàn cách vận hành “đường dây nóng” về chuỗi cung ứng: Ngày 18/12, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) cho biết nước này và Trung Quốc đã thảo luận chi tiết về cách vận hành “đường dây nóng” song phương nhằm duy trì sự phối hợp chặt chẽ trong vấn đề chuỗi cung ứng.
Cụ thể, tại đàm phán cấp chuyên viên ở Seoul, hai bên đã thảo luận chi tiết về đường dây nóng cũng như các vấn đề khác xung quanh chuỗi cung ứng. Trước đó, bộ trưởng thương mại hai nước đạt đồng thuận cơ bản khi gặp tại Bắc Kinh.
Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực ổn định nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu quan trọng. Trong khi đó, gần đây, Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu ure do nguồn cung cho tiêu dùng trong nước bị thắt chặt. Động thái nêu trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khác, tương tự như khi Hàn Quốc phải hứng chịu tình trạng khủng hoảng nguồn cung ure lớn hồi năm 2021 sau khi Trung Quốc áp dụng các quy định hạn chế xuất khẩu. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên lấy hành động đáp trả cảnh báo cứng của Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản triệu tập họp khẩn |
* Nga có thể xây lại đập thủy điện Kakhovka: Ngày 18/12, trả lời phỏng vấn RIA Novosti (Nga), Thống đốc tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm ông Vladimir Saldo cho biết đập của Nhà máy thủy điện Kakhovka có thể được khôi phục nhờ các tài liệu lưu trữ được bảo quản và công nghệ hiện đại: “Tài liệu thiết kế đập Kakhovka hầu hết được lưu giữ trong kho lưu trữ của các viện ở Moscow … có thể bắt đầu từ đó và dựa vào điều kiện hiện đại, xây dựng đập Kakhovka và tất cả các công trình trên nó”.
Theo ông Saldo, có thể khôi phục con đập nhanh hơn thời Xô Viết nhờ vào các công nghệ hiện có. Đầu tiên, cần phải thực hiện các đo đạc trắc địa, nghiên cứu và tiến hành kiểm tra kỹ thuật các công trình được bảo tồn ở đó – sau đó mới có thể bắt đầu thiết kế. Trước đó, đêm ngày 6/6, Nhà máy thủy điện Kakhovka ở tỉnh Kherson bị phá hủy một phần. Nước sông Dnieper tràn bờ, làm ngập các khu dân cư hai bên bờ. Moscow và Kiev đã cáo buộc lẫn nhau cố tình phá hủy con đập. (Reuters)
* Nga hoan nghênh chiến thắng của đảng cầm quyền Serbia: Ngày 18/12, phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hoan nghênh chiến thắng của đảng Tiến bộ Serbia (SNS) của Tổng thống Aleksandar Vucic trong cuộc bầu cử quốc hội tại quốc gia Balkan. Ông chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh thành tích này của ông Vucic”, đồng thời bày tỏ hy vọng kết quả này sẽ dẫn đến “sự tăng cường hơn nữa tình hữu nghị” giữa hai nước. Ông Peskov còn gọi Serbia là đất nước “anh em”.
Hôm 17/12, ông Vucic tuyên bố đảng SNS giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, trong khi kết quả chính thức dự kiếnđược công bố vào tối 18/12. Serbia và Nga có mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử và Belgrade không tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. (AFP)
* EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Hungary để đạt thỏa thuận hỗ trợ Ukraine: Ngày 17/12, tờ Financial Times (Anh) dẫn nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng Điều 7 của Hiệp ước 2007, cho phép tước quyền bỏ phiếu của quốc gia vì vi phạm luật pháp châu Âu. Quá trình này có thể bị chặn bởi bất kỳ thành viên EU nào khác. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử gần đây ở Ba Lan, trong EU “không còn người bảo đảm” cho Hungary nữa.
Mặc dù vậy, một số thành viên trong cộng đồng vẫn cảnh giác với ý tưởng áp đặt các hạn chế đối với Budapest. Thay vào đó, họ có ý định chứng minh cho Thủ tướng Hungary Viktor Orban thấy “cái giá thực sự” của việc đất nước này bị cô lập trong EU, để buộc Hungary phải thay đổi quan điểm về việc phân bổ vốn cho Ukraine. Tờ báo viết, nếu chiến thuật này không hiệu quả, 26 quốc gia trong hiệp hội có thể ký kết thỏa thuận hỗ trợ Kiev mà không có sự tham gia của Hungary. Tuy nhiên, điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn và “sẽ chỉ là giải pháp tạm thời”.
Ngày 15/12, ông Orban cho biết Budapest không có ý định ủng hộ việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine từ ngân sách EU. Ông xác nhận rằng tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, ông đã ngăn chặn việc sửa đổi ngân sách cộng đồng nhằm phân bổ 50 tỷ Euro cho Ukraine trong giai đoạn 2024-2027. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Hungary, Ukraine đầy kỳ vọng trên ‘con đường dài và vô cùng mệt mỏi’ |
* Bộ trưởng Quốc phòng Israel cảnh báo Hezbollah: Ngày 17/12, đến thăm các binh sĩ dọc biên giới Israel-Lebanon, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant một lần nữa cảnh báo Hezbollah về “cái giá đắt” phải trả sau loạt vụ tấn công của phong trào này vào IDF trong những ngày gần đây. Ông tuyên bố: “Những gì chúng ta đang làm ở Gaza, chúng ta có thể làm ở Beirut. Nếu chúng ta bị kéo vào cuộc xung đột bạo lực, Hezbollah sẽ phải trả giá đắt”. (Al-Jaazera)