“Các nhà lãnh đạo phương Tây và giới chính trị của họ, những người đã bị cuốn vào cuộc chiến, nghĩ gì về phản ứng của đất nước chúng ta trước các cuộc tấn công bằng tên lửa có thể xảy ra “vào sâu trong lãnh thổ” Nga? Đây là những gì họ nghĩ: người Nga nói nhiều về việc đáp trả bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng không làm gì cả. Đây chỉ là “răn đe bằng lời nói”. Người Nga sẽ không vượt qua ranh giới. Họ chỉ đang đe dọa. Họ không muốn một cuộc xung đột hạt nhân, họ có thể mất nhiều hơn, bao gồm cả sự ủng hộ của Nam Bán cầu. Dù sao thì, ai muốn ngày tận thế?”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trên kênh Telegram hôm 14/9.
Ông Medvedev, cựu Tổng thống Nga, nhấn mạnh rằng không ai thực sự mong muốn một cuộc xung đột hạt nhân, đó là “một câu chuyện rất tồi tệ với một kết cục rất nghiêm trọng”.
“Đó là lý do quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược hoặc thậm chí là chiến lược vẫn chưa được đưa ra cho đến nay”, ông lưu ý.
“Nga đang tỏ ra kiên nhẫn. Xét cho cùng, rõ ràng là phản ứng hạt nhân là một quyết định cực kỳ khó khăn với những hậu quả không thể đảo ngược”, ông Medvedev nói, đồng thời cảnh báo “bất kỳ sự kiên nhẫn nào cũng sẽ kết thúc”.
Chính trị gia Nga đã lưu ý đến thực tế rằng, có những điều kiện tiên quyết buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân, điều này rõ ràng với toàn bộ cộng đồng thế giới và phù hợp với học thuyết răn đe hạt nhân của Moscow. Ông coi cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga là một trong số những sự kiện như vậy.
Nga tuyên bố đáp trả thích đáng chiến dịch Kursk của Ukraine. Kiev tuyên bố kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Nga và bắt giữ gần 600 tù binh Nga sau hơn 1 tháng đưa quân qua biên giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần cảnh báo phương Tây kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022 rằng, không nên tìm cách ngăn cản Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Ông Putin cảnh báo, khi cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, đại diện của các nước NATO “nên nhận thức được họ đang chơi trò gì”. Theo ông Putin, Nga đang theo dõi chặt chẽ các kế hoạch như vậy.
Tuy nhiên, Washington và các đồng minh vẫn gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp xe tăng, tên lửa tiên tiến và máy bay chiến đấu F-16.
Điều đó đã thúc đẩy một số chính trị gia phương Tây cho rằng tuyên bố hạt nhân của ông Putin chỉ là lời nói suông và Mỹ cũng như NATO nên dốc toàn lực để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.
Moscow coi việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga là “lằn ranh đỏ” sẽ buộc họ đáp trả bằng mọi phương tiện có thể, trong đó có vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Putin tuyên bố học thuyết hạt nhân của Moscow rất linh hoạt và có thể được điều chỉnh nếu cần thiết.
“Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng tất cả các biện pháp mà mình có. Điều này không nên bị xem nhẹ”, ông Putin nói.
Theo học thuyết hiện tại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-canh-bao-xung-dot-hat-nhan-khi-het-kien-nhan-20240914184115647.htm