Israel chấp nhận đề xuất của Mỹ về hòa bình tại Gaza, Ukraine mở đại sứ quán ở Philippines, Belarus hoàn tất huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga sẽ chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt sang Trung Quốc mỗi năm…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Bà Claudia Sheinbaum sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Mexico. (Nguồn: baynews9) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày..
Châu Á – Thái Bình Dương
*Hàn Quốc đình chỉ thỏa thuận quân sự với Triều Tiên: Hãng tin Yonhap ngày 3/6 đưa tin Hàn Quốc đã đình chỉ một thỏa thuận quân sự ký với Triều Tiên năm 2018 vốn nhằm giảm căng thẳng giữa hai bên. Động thái này diễn ra sau khi Seoul cảnh báo sẽ phản ứng mạnh mẽ trước việc Bình Nhưỡng thả hàng trăm quả bóng bay mang theo rác thải sang phía Hàn Quốc.
Trong tuần trước, Triều Tiên đã thả hàng trăm quả bóng bay lớn mang chất thải vào Hàn Quốc, đồng thời thực hiện các cuộc tấn công gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ở vùng biển gần các đảo biên giới phía Tây Bắc của Hàn Quốc trong 3 ngày liên tiếp cho đến ngày 31/5. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn hôm 30/5.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cảnh báo các biện pháp cứng rắn “không thể chống chịu được” sẽ được áp dụng đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích “phi lý”. (Yonhap)
*Trung Quốc không thay đổi lập trường về các đảo tranh chấp ở vùng Vịnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6 nhắc lại lời kêu gọi Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giải quyết tranh chấp đối với các đảo ở vùng Vịnh thông qua đối thoại và tham vấn, khẳng định lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này là “nhất quán”.
Trước đó, ngày 2/6, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Trung Quốc tới để phản đối Tuyên bố chung Trung Quốc – UAE về các hòn đảo tại vùng Vịnh bao gồm Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb.
Tuyên bố chung được đưa ra hôm 1/6 sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, trong đó khẳng định Bắc Kinh ủng hộ các nỗ lực của Abu Dhabi nhằm đạt được giải pháp hòa bình đối với các hòn đảo trên thông qua đàm phán song phương. (Al Jazeera)
*Ukraine mở đại sứ quán ở Philippines: Ngày 3/6, trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. ở Manila, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẽ mở đại sứ quán ở Philippines trong năm nay.
Tại cuộc gặp, Tổng thống Zelensky cũng bày tỏ cảm ơn Tổng thống Marcos về những hỗ trợ dành cho Ukraine và quan điểm rõ ràng của Philippines đối với cuộc xung đột với Nga.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã tới Philippines sau khi bất ngờ có mặt tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 diễn ra tại Singapore. Đây là chuyến thăm châu Á thứ hai của ông Zelensky kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ cảnh báo Israel về kết cục của chiến dịch ở Rafah, bị đồng minh phàn nàn về ‘thông điệp sai lầm’ |
*Trung Quốc cam kết tiếp tục hợp tác cùng có lợi với Nga: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 3/6 tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện cùng có lợi với Moscow, nhất là trong lĩnh vực dầu khí.
Nhật báo Financial Times ngày 2/6 đưa tin những nỗ lực của Nga nhằm ký kết thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt công suất lớn Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) với Trung Quốc hiện bị đình trệ do Moscow coi những yêu cầu của Bắc Kinh về giá cả và mức cung cấp là chưa hợp lý.
Trả lời họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố chắc chắn rằng Nga và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận về Power of Siberia 2 và tiến trình đàm phán về đường ống dẫn khí đốt công suất lớn này, được thiết kế để vận chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt của Nga sang Trung Quốc mỗi năm, sẽ tiếp diễn. (Reuters)
*Trung Quốc chỉ trích Mỹ hỗ trợ Philippines ở Biển Đông: Trung Quốc cho rằng Mỹ hỗ trợ và hợp tác với Philippines, sử dụng vấn đề ở Biển Đông nhằm kích động quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực. Tuyên bố ngày 3/6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Con mắt sáng suốt có thể thấy rõ rằng Philippines đang phục vụ ai với chính sách đối ngoại của mình và họ đang làm việc cho ai với các hoạt động hàng hải”.
Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN, trong đó có Philippines, để giải quyết những khác biệt trên biển và tăng cường hợp tác liên quan đến biển.
Trước đó ngày 31/5, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã tố cáo các hành động bất hợp pháp, cưỡng ép và gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. (Reuters)
*Trung Quốc, Saudi Arabia không dự hội nghị về Ukraine ở Thụy Sỹ. Ngày 2/6, hãng tin DPA dẫn các nguồn tin ngoại giao ở Riyadh cho biết Saudi Arabia sẽ không tham gia hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ vì không có đại biểu từ Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết nước này sẽ không tham dự hội nghị vì Bắc Kinh cho rằng cần có sự tham gia bình đẳng của Nga và Ukraine. Theo bà Mao Ninh, Trung Quốc luôn khẳng định rằng một hội nghị hòa bình quốc tế phải được tổ chức với ba yếu tố quan trọng: đại diện của cả Nga và Ukraine phải có mặt, sự tham gia của tất cả các bên phải bình đẳng và mọi kế hoạch hòa bình phải được xem xét công bằng.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sẽ không nài nỉ để được mời tham dự hội nghị nếu không được chào đón. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không bác bỏ ý tưởng giải quyết hòa bình cuộc xung đột với Ukraine. (TASS)
Châu Âu
*Tình báo Anh chiêu mộ 2 nhân viên chính phủ Trung Quốc: Trong tuyên bố ngày 3/6, Cơ quan An ninh quốc gia Trung Quốc cáo buộc Cơ quan Tình báo MI6 của Anh đã chiêu mộ 2 nhân viên cơ quan nhà nước của Trung Quốc làm gián điệp cho chính phủ Anh thành công.
Cơ quan an ninh Trung Quốc cho biết đã phát hiện ra một vụ gián điệp lớn liên quan đến một cặp vợ chồng có tên là Wang và Chu được cho là đã được MI6 tuyển mộ thành công. Wang đến Anh khi còn là sinh viên vào năm 2015 và sau đó được phép đón vợ đi cùng.
Tháng trước, cơ quan chức năng Anh cũng cho biết, có hai người sẽ bị xét xử vì nghi ngờ thu thập thông tin nhạy cảm cho chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc). Nghi phạm thứ ba, Matthew Trickett, 37 tuổi người Anh, cũng bị buộc tội trong vụ án, nhưng được phát hiện đã chết trong một công viên. (ABC News)
*Nga cảnh báo Mỹ về những sai lầm “chết người” ở Ukraine: Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 3/6 cảnh báo Mỹ về “những sai lầm có thể gây ra hậu quả chết người” liên quan đến quyết định cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Thứ trưởng Ryabkov cho rằng những nỗ lực của Kiev tấn công các hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga sẽ bị chặn đứng và Moscow có thể phản ứng một cách bất đối xứng với những bước đi như trên. Ông khẳng định Nga xử lý hết sức thận trọng và có trách nhiệm đối với mọi thứ có thể vi phạm cán cân bình đẳng chiến lược với Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga chỉ trích quan điểm của Mỹ về vấn đề nêu trên là “thiếu trách nhiệm ở mức tối đa”, Washington không làm gì để ngăn chặn những động thái khiêu khích nguy hiểm của Ukraine, đồng thời cảnh báo chính Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả. (Sputniknews, Reuters)
*Tổng thống Zelensky không trực tiếp dự Thượng đỉnh G7: Ông Serhii Nykyforov – người phát ngôn Tổng thống Ukraine – ngày 3/6 cho hay Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể không trực tiếp có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sắp tới ở Italy, nhưng chắc chắn sẽ tham dự sự kiện này.
Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra tại vùng Apulia của Italy từ ngày 13 đến 15/6. Tuần trước, nhật báo Financial Times dẫn thông tin từ các quan chức Ukraine và Mỹ tiết lộ Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị ký thỏa thuận an ninh song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Thụy Sỹ.
Phát biểu trên kênh truyền hình Quốc hội Ukraine Rada TV, ông Nykyforov chia sẻ: “Tôi không thể phủ nhận hay xác nhận Tổng thống Zelensky sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh hay không. Nhưng ông sẽ tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến”. (Sputniknews)
TIN LIÊN QUAN | |
Thêm một quốc gia NATO cho phép Ukraine sử dụng F-16 ở Nga; Moscow và Vatican cảnh báo hậu quả của việc leo thang |
*Đô đốc Anh phản bác khả năng xảy ra chiến tranh Nga – NATO: Trả lời phỏng vấn Sky News ngày 3/6, Tham mưu trưởng Quốc phòng của Lực lượng Vũ trang Anh, Đô đốc Tony Radakin nhận định Thế chiến 3 sẽ không xảy ra mặc dù thế giới đã trở nên “nguy hiểm hơn nhiều”. Ông giải thích: “Tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn chiến tranh với NATO. Ông ta cũng đâu có muốn chiến tranh hạt nhân. Còn chúng ta sở hữu lợi thế to lớn nhờ sức mạnh của NATO”.
Trước đó, phát biểu trong chương trình của đài phát thanh Kossuth ngày 31/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cảnh báo các nước châu Âu ngày càng bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông khẳng định các quốc gia trong khu vực đã bước vào giai đoạn chuẩn bị kế tiếp cho cuộc chiến với Nga.
Bình luận về tuyên bố trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ đồng tình với Thủ tướng Hungary, đồng thời lưu ý các chính trị gia ở châu Âu đang ráo riết “đốt nóng tâm thế” trước chiến tranh và cho rằng những hành động như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trong khu vực. (Sputnik/Sky News)
*Quân đội Belarus hoàn tất huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân: Phó Tư lệnh Lực lượng không quân và phòng không Belarus Leonid Davidovych cho biết quân đội Belarus đã hoàn tất toàn bộ chu trình huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, và các cuộc huấn luyện này đã trở thành huấn luyện định kỳ.
Ông Davidovych cũng cho hay Minsk phải đối phó với máy bay trinh sát của phương Tây dọc biên giới gần như hàng ngày.
Nói về cuộc tập trận không quân và phòng không chung với Nga diễn ra vào cuối tháng 5, ông Davidovych cho biết các nước NATO đã theo dõi cuộc tập trận. Theo ông, trong giai đoạn tích cực của cuộc tập trận, “một số máy bay phát hiện radar tầm xa và kiểm soát hàng không” trên không phận Ba Lan và các nước vùng Baltic. (TASS)
*Tướng Đức đề cập khả năng sử dụng tên lửa Patriot tấn công Nga: Trên kênh truyền hình ARD ngày 2/6, người đứng đầu Bộ tham mưu về các vấn đề ở Ukraine của Bộ Quốc phòng Đức, Thiếu tướng Christian Freuding, đã ám chỉ việc cho phép Kiev sử dụng các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất tấn công máy bay Nga.
Tướng Freuding được dẫn lời nói: “Rất có khả năng các hệ thống Patriot giờ đây cũng sẽ được sử dụng ở khu vực Kharkov và trên lãnh thổ Nga… Chúng có thể được sử dụng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.
Ông Freuding bày tỏ tin tưởng phía Ukraine sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế. Vị tướng này không tiết lộ liệu vũ khí do Đức cung cấp đã được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga hay chưa. (DW)
Trung Đông – châu Phi
*Lãnh tụ Iran tuyên bố Israel đang hướng đến “diệt vong”: Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 3/6 một lần nữa ca ngợi cuộc tấn công hôm 7/10/2023 của phong trào Hồi giáo Hamas nhằm vào Israel, đồng thời dự báo Nhà nước Do Thái đang hướng đến “sự diệt vong”.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm 35 năm ngày mất của Lãnh tụ Ayatollah Ruhollah Khomeini – nhà sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Khamenei cho rằng vụ tấn công của Hamas “là một cú đánh quyết định với chế độ Do Thái” và đặt Israel “vào con đường chắc chắn dẫn tới sự diệt vong”.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, với vị thế nắm quyền của dòng Hồi giáo Shi’ite, Iran chủ trương coi Israel và các nước phương Tây là kẻ thù. Tehran cũng bị cáo buộc chống lưng cho các nhóm vũ trang khu vực, trong đó có Hamas tại Dải Gaza. (Al Jazeera)
*Israel bắn hạ tên lửa trên Biển Đỏ: Quân đội Israel ngày 3/6 xác nhận đã sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow để bắn hạ một tên lửa đất đối đất được phóng ở khu vực Biển Đỏ. Trước đó, những hồi còi báo động đã vang lên tại thành phố cảng Eilat của Israel nằm bên bờ Biển Đỏ.
Thông báo của quân đội Israel không cung cấp thông tin về thiệt hại, thương vong cũng như lực lượng thưc hiện vụ tấn công trên.
Phong trào Houthi ở Yemen nhiều lần phóng tên lửa tầm xa vào thành phố Eilat để thể hiện tình đoàn kết với cuộc chiến của phong trào Hamas ở Dải Gaza.
Phát biểu trên truyền hình ngày 31/5, người phát ngôn lực lượng Houthi ở Yemen Yahya Saree cho biết nhóm này đã tấn công tên lửa vào tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ ở Biển Đỏ, nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào Yemen trong ngày 30/5. (Al jazeera)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ tiếp tục tấn công lực lượng Houthi ở Yemen, phá hủy loạt tên lửa hành trình chống hạm |
*Israel chấp nhận đề xuất của Mỹ về hòa bình tại Gaza: Ngày 2/6, ông Ophir Falk, Cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Netanyahu xác nhận rằng Israel đã chấp nhận thỏa thuận khung nhằm giảm bớt quy mô cuộc chiến ở Gaza hiện đang được Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy, mặc dù ông mô tả thỏa thuận này là có lỗ hổng và cần phải hoàn thiện thêm nữa.
Tổng thống Biden, người ban đầu ủng hộ mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel, đã chỉ trích việc có nhiều dân thường thiệt mạng trong chiến dịch tại Gaza. Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ đã công bố kế hoạch 3 giai đoạn nhằm chấm dứt chiến tranh. Điểm mấu chốt chính là việc Israel kiên quyết rằng họ sẽ chỉ thảo luận việc tạm dừng giao tranh và cam kết sẽ tiêu diệt Hamas. Trong khi đó, Hamas tuyên bố sẽ chỉ giải thoát cho con tin khi nào có giải pháp dẫn đến việc kết thúc vĩnh viễn chiến tranh. (TNHK)
*Hezbollah tấn công ồ ạt vào miền Bắc Israel: Phong trào Hezbollah ở Liban ngày 2/6 đã sử dụng trên 40 quả rocket và thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công xuyên biên giới vào sâu trong lãnh thổ Israel nhằm trả đũa cho các vụ không kích đêm hôm trước của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Các cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah tăng nhiệt trong những tuần gần đây sau khi IDF mở chiến dịch tấn công vào thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza. Kể từ khi xung đột xảy ra tháng 10/2023, phía Israel đã có 24 người thiệt mạng (bao gồm 14 binh sĩ), trong khi phía Hezbollah và Liban có tới 326 người thiệt mạng (bao gồm 62 binh sĩ).
Các cuộc giao tranh giữa IDF và Hezbollah vẫn trong vòng kiểm soát, nhưng khiến dư luận không khỏi lo ngại sẽ biến thành một cuộc chiến tổng lực. (Al Jazeera)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Mexico có nữ tổng thống đầu tiên: Đảng cầm quyền MORENA của Mexico tuyên bố bà Claudia Sheinbaum đã đắc cử tổng thống sau khi các điểm bỏ phiếu tại 32 bang của nước này đã đóng cửa vào lúc 18h ngày 2/6 theo giờ địa phương (7h sáng 3/6 theo giờ Việt Nam). Nếu kết quả này chính xác, bà Sheinbaum sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia Mỹ Latinh này.
Đài truyền hình NMAS và tờ báo El Financiero đều đưa tin cuộc thăm dò của họ cho thấy bà Sheinbaum chiến thắng nhưng không đưa ra số liệu cụ thể. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Parametria cho thấy bà Sheinbaum đã giành được 56% sự ủng hộ, vượt xa ứng cử viên Xochitl Galvez, người chỉ giành được 30% số phiếu.
Người đứng đầu đảng cầm quyền MORENA Mario Delgado cho biết bà Sheinbaum đã giành được chiến thắng với cách biệt “rất lớn”. (Reuters)
*Ấn Độ viện trợ 90 tấn dược phẩm cho Cuba: Ngày 2/6, Chính phủ Ấn Độ đã gửi khoảng 90 tấn dược phẩm để hỗ trợ nhân đạo cho Cuba. Lô hàng nêu trên gồm 9 hoạt chất dược phẩm (API) được sản xuất tại Ấn Độ và sẽ được giao cho các đơn vị Cuba để sản xuất các loại kháng sinh thiết.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh chuyến hàng viện trợ này thể hiện vị thế của Ấn Độ là “nhà thuốc toàn cầu”, đồng thời tái khẳng định cam kết hữu nghị của New Delhi với La Habana.
Ấn Độ là một trong 20 đối tác thương mại hàng đầu của Cuba và trong số 32 triệu USD kim ngạch xuất khẩu sang quốc đảo này trong năm tài chính 2023-2024, các sản phẩm dược phẩm và hóa chất chiếm ưu thế.
Kể từ chuyến thăm Cuba năm 2018 của Tổng thống Ấn Độ khi đó là Ram Nath Kovind, hai nước vẫn duy trì liên lạc thường xuyên. Bộ trưởng Ngoại giao và Văn hóa Ấn Độ Meenakashi Lekhi đã đến thăm đảo quốc Caribe tháng 1/2023 để tăng cường đối thoại chính trị và quan hệ kinh tế. (Reuters)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-36-nga-canh-bao-my-ve-sai-lam-chet-nguoi-o-ukraine-iran-tuyen-bo-israel-dang-huong-den-diet-vong-mexico-co-nu-tong-thong-dau-tien-273674.html