Tỉnh hình xung đột Nga-Ukraine, ba nước châu Phi kiện Kiev lên Hội đồng Bảo an, Mỹ phê duyệt một kế hoạch bí mật liên quan hạt nhân, Azerbaijan xin gia nhập BRICS… là một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang thúc đẩy ‘mối đe dọa hạt nhân’ từ Bắc Kinh để trốn tránh các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của mình. (Nguồn: The New Yorker) |
Châu Âu
* Nga sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, theo lời ông Mikhail Sheremet, thành viên Ủy ban an ninh và chống tham nhũng thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, trong bối cảnh có tin cho rằng, Kiev muốn nhận tên lửa hành trình tầm xa JASSM từ Washington.
Ông Sheremet nhấn mạnh: “Chính quyền Mỹ nên nhớ rằng, Nga không muốn việc leo thang căng thẳng quân sự trên toàn cầu nhưng luôn sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào”. (TASS)
* Ukraine tấn công hệ thống phòng không S-300 tại vùng Rostov của Nga trong đêm 20/8, theo thông báo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine.
Trong khi đó, Thống đốc vùng Rostov Vasily Golubev tuyên bố, lực lượng phòng không Nga đã phá hủy một tên lửa do Ukraine phóng ở khu vực.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga không đề cập sự cố này trong tuyên bố hàng ngày về vũ khí trên không bị phá hủy mà cho biết, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ tổng cộng 45 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine, trong đó có 11 chiếc ở tỉnh Moscow khi chúng đang trên đường tấn công vào thủ đô. (Reuters, TASS)
* Nga sẽ không đàm phán với Ukraine: Ngày 21/8, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, việc Ukraine xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga có nghĩa là sẽ không có cuộc đàm phán nào nữa cho đến khi Kiev bị đánh bại hoàn toàn.
Liên quan tình hình Kursk, Nga thông báo đã thành lập 3 đơn vị quân sự mới nhằm tăng cường bảo vệ an ninh cho các tỉnh giáp biên giới với Ukraine gồm Belgorod, Bryansk và Kursk.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov sẽ đích thân ra quyết định cho tất cả các nhiệm vụ bảo đảm an ninh ba tỉnh biên giới Belgorod, Briansk và Kursk của Nga khi các quan chức hữu quan không thể giải quyết nhiệm vụ đó.(TASS)
* Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn trợ cấp 5 tỷ Euro cho Đức để hỗ trợ và vận hành Công ty sản xuất chất bán dẫn châu Âu, một nhà máy sản xuất vi mạch mới.
Công ty này, sẽ được đặt tại thành phố Dresden, miền Đông nước Đức, dự kiến vận hành đầy đủ công suất vào năm 2029, với sản lượng hàng năm là 480.000 tấm silicon.
Dự án này nằm trong kế hoạch tăng gấp đôi thị phần chất bán dẫn toàn cầu của EU lên 20% vào năm 2030, như đã được đề ra trong Đạo luật chip châu Âu. (AFP)
* Azerbaijan nộp đơn xin gia nhập BRICS (Nhóm các nền kinh tế phát triển) vào ngày 20/8. Cả Nga và Trung Quốc, hai thành viên chủ chốt của nhóm, đều ủng hộ nguyện vọng này. (News AZ)
TIN LIÊN QUAN | |
Một nước Kavkaz chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Chiến lược hạt nhân bí mật của Mỹ khiến Bắc Kinh lo ngại: Ngày 20/8, tờ New York Times, đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa phê duyệt chiến lược bí mật nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga có tên “Hướng dẫn triển khai hạt nhân”.
Đây là bản cập nhật chiến lược được thực hiện 4 năm một lần, chỉ phân phối cho một số ít quan chức an ninh và chỉ huy Lầu Năm Góc. Washington không đưa ra bình luận về tin này.
Ngày 21/8, Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố, Bắc Kinh “thực sự lo ngại về thông tin trên”, đồng thời cáo buộc Mỹ đang thúc đẩy “mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc” để trốn tránh các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của mình.
* Trung Quốc-Nga lập mô hình quan hệ quốc tế mới và quan hệ giữa các nước láng giềng lớn, dưới sự chỉ đạo chiến lược của nguyên thủ hai nước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết trong chuyến thăm Moscow ngày 20/8.
Ông Lý Cường nhấn mạnh, quan hệ hai nước đã vượt qua thử thách của tình hình quốc tế thay đổi trong 75 năm qua, ngày càng trở nên mạnh mẽ và mới mẻ hơn.
Theo ông, quan hệ Trung-Nga trong kỷ nguyên mới thể hiện sức sống mới với sự tin tưởng chính trị lẫn nhau mạnh mẽ, hợp tác hiệu quả đa lĩnh vực và phối hợp quốc tế chặt chẽ.
Tại cuộc gặp giữa ông Lý Cường và người đồng cấp nước chủ nhà Mikhail Mishustin, Thủ tướng Nga tuyên bố, Moscow và Bắc Kinh nên cùng nhau bảo vệ lợi ích của mình và các nguyên tắc của trật tự thế giới đa cực trong điều kiện áp lực trừng phạt từ phương Tây. (TASS)
* Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thăm chính thức Mỹ từ ngày 23-26/8 theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Lloyd Austin.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo, chuyến thăm – diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương cùng các hoạt động quốc phòng ở nhiều cấp độ đang ngày càng phát triển – dự kiến sẽ làm sâu sắc hơn và mở rộng hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện toàn cầu Ấn Độ-Mỹ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Singh cũng sẽ chủ trì một cuộc họp bàn tròn cấp cao với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ về các hoạt động hợp tác quốc phòng hiện tại và trong tương lai. (The Hindu)
* Tổng thống đắc cử của Indonesia Prabowo Subianto thăm Papua New Guinea vào ngày 21/8 và có cuộc gặp người đồng cấp nước chủ nhà James Marape.
Tại họp báo chung sau cuộc gặp, ông Prabowo Subianto nói: “Sự thật, hai quốc gia là những người hàng xóm rất gần gũi. Về cơ bản, chúng ta gắn kết với nhau như những người anh em thực sự”.
Nhấn mạnh các quốc gia nên hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, giáo dục và thương mại, nhà lãnh đạo tương lai của Indonesia cho hay, nước này “muốn giải quyết mọi vấn đề bằng sự thỏa hiệp và hợp tác”. (AFP)
* Nga-Mông Cổ tập trận quân sự chung thường niên ở tỉnh Dornod, miền Đông Mông Cổ.
Cuộc tập trận mang tên “Selenge-2024” nhằm mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tăng cường hợp tác quân sự, cải thiện kỹ năng và kiến thức của quân nhân, nâng cấp vũ khí và khả năng sẵn sàng về mặt kỹ thuật, đồng thời tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Hơn 600 quân nhân từ cả hai nước tham gia huấn luyện chiến thuật thực địa với bắn súng chiến đấu, bao gồm 120 trang thiết bị. (THX)
* Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi khôi phục hòa bình cho Ukraine: Ngày 21/8, khi trên đường thăm Ba Lan trước khi đến Ukraine vào ngày 23/8, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Với tư cách là một người bạn và đối tác, chúng tôi hy vọng hòa bình và ổn định sẽ sớm trở lại khu vực”.
Ông tuyên bố sẽ tìm cách tăng cường hợp tác song phương với Ukraine trong chuyến thăm và sẽ “chia sẻ quan điểm” về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột của quốc gia Đông Âu này với Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Modi thăm Ukraine: Ấn Độ tuyên bố chuyến thăm ‘mang tính bước ngoặt và lịch sử’ |
Trung Đông-châu Phi
* Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas bên bờ vực sụp đổ nhưng hiện tại vẫn chưa có thỏa thuận khác thay thế, tờ Politico trích dẫn lời các quan chức Mỹ và Israel cho biết.
Theo các quan chức, đề xuất hiện tại “là hình thức thỏa thuận mạnh nhất cho đến nay… vì nó bao gồm các điều khoản phù hợp với yêu cầu của cả Hamas và Israel. Israel đã ký, nhưng Hamas tuyên bố công khai rằng họ sẽ không chấp nhận thỏa thuận”.
Tờ báo này chỉ ra rằng, nếu các nhà đàm phán không đạt được thỏa thuận tại Cairo trong tuần này, họ có thể sẽ không còn lựa chọn nào cho lệnh ngừng bắn, điều này sẽ “làm tăng nguy cơ bạo lực gia tăng giữa Israel và Hezbollah cũng như đối đầu trực tiếp giữa Israel và Tehran”.
Các nhà hòa giải đã nhất trí tổ chức một cuộc họp khác tại Cairo, Ai Cập trong tuần này.
* Israel không kích kho vũ khí của Hezbollah ở miền Đông Lebanon trong đêm 20/8, vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố “việc tấn công các kho vũ khí tại Lebanon là để chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra”.
Theo các nguồn tin, vụ không kích nhằm vào một khu dân cư gần thành phố Baalbek ở thung lũng Bekaa, khu vực có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống và ủng hộ Hezbollah, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 19 người bị thương. (Times of Israel)
* Tàu chở dầu Hy Lạp bị tấn công ở Biển Đỏ: Ngày 21/8, Cơ quan hoạt động thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) cho biết, tàu chở dầu Sounion báo cáo đã bị hai tàu nhỏ chở khoảng 15 người tấn công và trúng ba quả đạn pháo ở Biển Đỏ ngoài khơi Yemen.
Không có báo cáo nào về thương vong trong số 25 thành viên phi hành đoàn trên tàu. Vụ việc diễn ra cách cảng Hodeidah của Yemen 77 hải lý về phía Tây. (Reuters)
* Ba nước châu Phi kiện Ukraine lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ): Trong một bức thư gửi tới HĐBA, phái bộ thường trực của Burkina Faso, Mali và Niger tại LHQ cho biết, HĐBA nên có biện pháp chống lại Ukraine vì nước này hỗ trợ khủng bố ở khu vực Sahel.
Bức thư có đoạn viết: “Thông qua bức thư chung này, Bộ trưởng Ngoại giao Burkina Faso, Mali và Niger lên án mạnh mẽ việc chính quyền Ukraine hỗ trợ và tôn vinh chủ nghĩa khủng bố, đồng thời kêu gọi HĐBA đảm nhận trách nhiệm liên quan việc Ukraine cố tình hỗ trợ khủng bố ở châu Phi, đặc biệt là ở khu vực Sahel”.
Trong khi đó, Senegal cũng diễn ra biểu tình trước Đại sứ quán Ukraine tại Dakar yêu cầu trục xuất đại sứ Ukraine Yuri Pirovarov liên quan cáo buộc Kiev hỗ trợ khủng bố. (Anadolu)
TIN LIÊN QUAN | |
‘Scandal’ của Ukraine ở châu Phi: Mali và Niger ‘kiện’ lên Hội đồng Bảo an, Nga ra lời cáo buộc Kiev |
Châu Mỹ
* Bà Kamala Harris chính thức là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ sau kết quả bỏ phiếu chính thức diễn ra vào sáng 21/8 (giờ Hà Nội) tại Đại hội toàn quốc của đảng này.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11. Phó Tổng thống đương nhiệm Harris sẽ đối đầu ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (PBS News)
* Mỹ tin tưởng vào sức mạnh liên minh với Hàn-Nhật: Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder khẳng định, liên minh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ trở nên “mạnh mẽ hơn bao giờ hết” bất chấp kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Phát biểu họp báo, ông Ryder nói: “Tôi không đưa ra bất kỳ giả thuyết nào ngoài việc khẳng định rằng, liên minh của chúng ta với Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay rất mạnh mẽ và sẽ còn mạnh mẽ hơn trong tương lai”. (Yonhap)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-218-nga-canh-bao-my-dung-them-manh-dong-trung-quoc-lo-ngai-mot-chien-luoc-bi-mat-ukraine-khien-3-nuoc-chau-phi-noi-gian-283369.html