Anh công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Indonesia đề xuất giải pháp giảm căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gọi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới, Venezuela đình chỉ các chuyến bay trực tiếp tới Chile… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Khói bốc lên từ hiện trường vụ không kích của Israel vào ngôi làng miền nam Lebanon vào ngày 25/9. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Indonesia bắt giữ 5 tàu nước ngoài đánh bắt cá trái phép: Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Hàng hải và nghề cá Indonesia ngày 26/9 cho biết Indonesia đã bắt giữ 5 tàu nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Theo Vụ trưởng Vụ giám sát tài nguyên biển và nghề cá thuộc Bộ này, ông Pung Nugroho Saksono, 5 tàu bị bắt giữ này gồm 4 tàu cá mang cờ Philippines và 1 tàu treo cờ Malaysia. Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã bắt giữ 21 tàu mang cờ nước ngoài vì hoạt động đánh bắt trái phép ở vùng biển nước này. (THX)
*Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp với EU: Ngày 26/9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cả nước này và Liên minh châu Âu (EU) đều tỏ rõ thiện chí chính trị trong việc giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn.
Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông về cuộc tham vấn gần đây giữa Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Phó chủ tịch kiêm Ủy viên thương mại Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis về vụ kiện chống trợ cấp của khối này liên quan đến xe điện Trung Quốc.
Người phát ngôn nhấn mạnh, Trung Quốc “hết sức chân thành” trong việc giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng thông qua đối thoại và tham vấn. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý: “Đồng thời, chúng tôi cũng kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”. (AFP)
*Bộ Quốc phòng Trung Quốc gọi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương ngày 26/9 tuyên bố Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới và là nguồn gốc của chiến tranh và xung đột.
Ông Trương Hiểu Cương khẳng định trong những năm gần đây, Mỹ đã xem quân đội Trung Quốc dưới góc độ cạnh tranh và đe dọa, đồng thời đã phóng đại và thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa quân sự Trung Quốc” trong nỗ lực biện minh cho việc mở rộng sức mạnh quân sự của mình. (Sputnik)
*Indonesia đề xuất giải pháp giảm căng thẳng ở Biển Đông: Tờ Antara News ngày 25/9 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Pahala Mansury cho rằng các nước cần hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Biển Đông để ngăn khu vực này trở thành sân khấu chiến tranh của các siêu cường.
Phát biểu tại Diễn đàn chính trị Jakarta 2024, ông Pahala khẳng định ASEAN đã tái khẳng định cam kết hợp tác khu vực trong việc phát triển nền kinh tế xanh. Sự phát triển của nền kinh tế xanh ở Biển Đông có thể được mở rộng bằng cách thu hút sự tham gia của các quốc gia liên quan, chẳng hạn như Trung Quốc.
Theo ông Pahala, hợp tác phát triển nền kinh tế xanh ở khu vực Biển Đông cũng có thể hỗ trợ khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tăng trưởng công nghiệp. Ba nguyên tắc được áp dụng trong khuôn khổ phát triển nền kinh tế xanh ASEAN: giá trị gia tăng, tính toàn diện và tính bền vững. (Antara News)
*IMF chấp thuận khoản vay 7 tỷ USD cho Pakistan: Ngày 25/9, ban lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cho Pakistan vay 7 tỷ USD để củng cố nền kinh tế đang suy yếu của nước này, chấp thuận một gói cứu trợ mà Islamabad đã cam kết sẽ là gói cuối cùng nhận từ tổ chức này.
Trong tuyên bố, IMF cho hay chương trình cho vay 3 năm này “sẽ đòi hỏi các chính sách và cải cách hợp lý” để hỗ trợ những nỗ lực đang diễn ra của Pakistan nhằm củng cố nền kinh tế “và tạo điều kiện cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn”. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ: ‘Khai tử’ kỷ nguyên đối thoại liên tục với Pakistan, sẽ ủng hộ bất kỳ định dạng giải quyết xung đột nào mà Nga-Ukraine chấp thuận |
*Trung Quốc tuyên bố không thay đổi chính sách hạt nhân: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương ngày 26/9 tuyên bố việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) là “hợp pháp và thông thường”, và khẳng định Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách hạt nhân, sau khi vụ phóng ICBM của Trung Quốc gây ra phản ứng dữ dội từ các cường quốc trong khu vực.
Trả lời họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, ông Trương Hiểu Cương nhấn mạnh: “Việc phóng ICBM nhằm kiểm tra hiệu suất vũ khí và huấn luyện của chúng tôi. Đây là một hoạt động hợp pháp và thông thường cho mục đích huấn luyện quân sự…
Trung Quốc công bố cuộc thử nghiệm hiếm hoi ngày 25/9 – lần đầu tiên trong bốn thập kỷ – và khẳng định tên lửa mang một đầu đạn giả. (AFP)
Châu Âu
*Anh công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga: Ngày 26/9, Chính phủ Anh thông báo nước này đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 5 tàu mới và 2 đơn vị vận tải biển khác trong khuôn khổ chế tài nhằm vào Nga.
Trước đó trong tháng này, Anh đã công bố lệnh trừng phạt 10 tàu thuộc “đội tàu bóng đêm” của Nga – những phương tiện được cho là sử dụng các biện pháp trái phép nhằm né tránh các hạn chế của phương Tây đối với dầu Nga.
Trong năm qua, số lượng tàu chở dầu vận chuyển các lô hàng không được quản lý hoặc bảo hiểm bởi các nhà cung cấp phương Tây thông thường đã tăng lên. (Reuters)
*Tổng thống Nga đưa ra cảnh báo hạt nhân tới phương Tây: Ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị bất kỳ quốc gia nào tấn công và bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào vào Nga được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ sẽ được coi là một cuộc tấn công tập thể.
Tổng thống Putin nêu rõ: “Có người đề xuất rằng hành động xâm lược chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân, được coi là cuộc tấn công chung của họ vào Liên bang Nga”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin khẳng định Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Nga hoặc Belarus là đối tượng của hành động xâm lược, bao gồm cả vũ khí thông thường. (Reuters)
*Trung Quốc và Ukraine nối lại hợp tác kinh tế và thương mại: Trong cuộc gặp ngày 25/9 bên lề Liên hợp quốc ở New York với người đồng cấp Ukraine, Andrii Sybiha, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh và Kiev đã nối lại hợp tác kinh tế và thương mại, khắc phục những tác động phụ của cuộc xung đột ở Ukraine đối với sự hợp tác trên thực tế.
Ông Vương Nghị lưu ý rằng trong nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa hai nước từ tháng 1-8/2024 đạt khoảng 5,8 tỷ USD, trong khi năm 2022 đạt 7,65 tỷ USD và năm 2023 ở mức 6,81 tỷ USD. (THX)
*Nga không kích bằng UAV nhằm vào Kiev: Các quan chức thành phố Kiev xác nhận, ngày 26/9, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào thủ đô Kiev của Ukraine, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự.
Serhiy Popko – người đứng đầu chính quyền quân sự địa phương – cho hay hơn một chục máy bay không người lái tấn công do Iran sản xuất đã được phát hiện trên vùng trời thành phố, hầu hết trong số đó đã bị bắn hạ.
Cùng ngày, không quân Ukraine xác nhận lực lượng nước này đã phá hủy 66 UAV tấn công và 4 tên lửa hành trình do Nga phóng đi trong cuộc không kích trong đêm. Theo giới chức Ukraine, lực lượng Nga đã phóng tổng cộng 78 UAV do Iran sản xuất và 6 tên lửa qua nhiều khu vực khác nhau trên cả nước. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga khẳng định động thái mới về hạt nhân giúp làm lạnh ‘những cái đầu nóng’, hy vọng Mỹ ‘đủ lý trí’ |
*Ukraine cáo buộc Nga âm mưu tấn công nhà máy điện hạt nhân: Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đang lên kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân Ukraine, đồng thời cảnh báo về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra.
Ông Zelensky cho biết cơ quan tình báo Ukraine vừa cung cấp báo cáo đáng báo động về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang âm mưu tấn công các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng liên quan, nhằm ngắt kết nối chúng khỏi lưới điện quốc gia Ukraine.
Theo ông Zelensky, Nga đang sử dụng vệ tinh để thu thập hình ảnh và thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng hạt nhân Ukraine. Ông cảnh báo bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào trong hệ thống năng lượng đều có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân. (AFP)
Trung Đông – châu Phi
*Ngoại trưởng Israel bác đề xuất ngừng bắn: Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, ngày 26/9 đã bác bỏ các đề xuất ngừng bắn ở Lebanon sau khi Mỹ và Pháp kêu gọi ngừng giao tranh trong 21 ngày để có thời gian đạt được một giải pháp ngoại giao.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, ông Katz nhấn mạnh: “Sẽ không có lệnh ngừng bắn ở phía Bắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Hezbollah bằng tất cả sức mạnh của mình cho đến khi giành chiến thắng và người dân ở phía Bắc được trở về nhà an toàn”.
Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác bao gồm một số quốc gia Arab đã đưa ra lời kêu gọi chung về lệnh ngừng bắn trong 21 ngày ở Lebanon sau khi các cuộc không kích của Israel nhằm vào Hezbollah đã giết chết hàng trăm người và khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán. (Sputniknews)
*Iran: Trung Đông trên bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện: Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 26/9 cảnh báo khu vực Trung Đông đang trên bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện.
Phát biểu với các phóng viên, ông Araghchi chia sẻ: “Israel cần phải ngay lập tức dừng các cuộc tấn công vào Gaza và Lebanon. Không có đảm bảo hòa bình nào có thể đạt được nếu không có lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn cuộc chiến của Israel, thúc đẩy lệnh ngừng bắn và cứu sống những người vô tội. Nếu không, một cuộc xung đột toàn diện có thể nổ ra trong khu vực”. (TASS)
*Israel tấn công hơn 2.000 mục tiêu Hezbollah ở Lebanon: Ngày 25/9, quân đội Israel thông báo họ đã tấn công hơn 2.000 mục tiêu của lực lượng Hezbollah ở Lebanon trong 3 ngày qua.
Trước đó, nhóm dân quân Phong trào Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq tuyên bố các UAV của họ đã nhắm mục tiêu vào khu vực Eliat của Israel trong ngày 25/9.
Một nhóm dân quân thân Iran hoạt động tại Iraq, có tên là Lữ đoàn Hezbollah, cùng ngày kêu gọi tăng cường tấn công vào Israel trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến cuộc xung đột tại Gaza và các cuộc đụng độ giữa Israel và lực lượng Hezbollah. (AFP)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Trung Quốc trả đũa Canada áp thuế: Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 26/9 cho biết Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống phân biệt đối xử đối với các biện pháp hạn chế do Canada áp đặt, bao gồm cả thuế quan bổ sung đối với xe điện, sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc.
Trong tháng này, Bắc Kinh cũng đã công bố kế hoạch điều tra hoạt động nhập khẩu hạt cải dầu của Canada sau khi Ottawa tham gia cùng Mỹ và Liên minh châu Âu trong việc áp mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc và 25% đối với nhôm và thép của Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại giữa hai nước gia tăng trong tuần này sau khi Canada tuyên bố “hoàn toàn” cân nhắc việc cấm phần mềm do Trung Quốc sản xuất trong xe điện. (Reuters)
*Venezuela đình chỉ các chuyến bay trực tiếp tới Chile: Ngày 25/9, Chính phủ Chile bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định đình chỉ các chuyến bay thẳng giữa hai nước của Venezuela, làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước xảy ra liên quan tới kết quả bầu cử tổng thống tại Venezuela.
Trong một thông điệp đăng tải cùng ngày, Bộ Ngoại giao Chile bày tỏ “Đây là một quyết định đơn phương, khiến gần 800.000 người Venezuela cư trú tại Chile rơi vào tình thế dễ bị tổn thương”. Chile cũng đánh giá đây là “một hành động phi lý” và bày tỏ “lấy làm tiếc” về điều này.
Venezuela đã đình chỉ các chuyến bay trực tiếp tới Panama, Cộng hòa Dominica và Peru, từ ngày 31/7, nhằm bác bỏ “sự can thiệp của các chính phủ cánh hữu” tới cuộc bầu cử tổng thống của nước này. (AFP)
*Mỹ viện trợ tiếp 375 triệu USD cho Ukraine: Ngày 25/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 375 triệu USD cho Ukraine, trong đó bao gồm các bệ phóng Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn chùm và xe chiến thuật hạng nhẹ.
Ông Blinken cũng nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với Kiev, đồng thời nói thêm rằng “Mỹ và liên minh quốc tế mà chúng tôi đã tập hợp sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine”.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cung cấp khoảng 175 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine kể từ tháng 2/2022. (AFP)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-269-nga-canh-bao-hat-nhan-toi-phuong-tay-my-bom-tiep-375-trieu-usd-cho-ukraine-trung-dong-ben-bo-vuc-xung-dot-toan-dien-287791.html