Moscow chỉ trích phương Tây muốn “đóng băng” xung đột, Phó Tổng thống Mỹ thăm Kiev, Hội nghị Thượng đỉnh EU, …là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Cảnh sát Pháp cố gắng giữ trật tự tại Paris sau các hoạt động tuần hành bạo lực trong ngày 30/6. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga: Phương Tây muốn “đóng băng” xung đột Ukraine: Ngày 30/6, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhận định phương Tây muốn bằng cách nào đó đóng băng cuộc xung đột ở Ukraine để câu giờ nhằm “bơm” thêm vũ khí cho Kiev. Theo ông, phương Tây đang áp dụng cách tiếp cận “phân liệt” với cuộc xung đột này. Nhà ngoại giao này nhận định các nước này “muốn thấy Nga thất bại và đưa ban lãnh đạo Moscow ra xét xử và sau đó mới thúc đẩy hòa bình ở Ukraine”. (Reuters)
* Tình báo Ukraine: Nga giảm dần quân số tại nhà máy Zaporizhzhia: Ngày 30/6, viết trên Telegram, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) nêu rõ: “Theo dữ liệu mới nhất, Nga đang dần rời khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia”.
Theo GUR, trong số những người đầu tiên rời đi có ba nhân viên của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Rosatom (nga) – những người từng “phụ trách các hoạt động của các nhân viên Nga”.
Các nhân viên Ukraine đã ký hợp đồng với Rosatom cũng đã được khuyến cáo rời đi trước ngày 5/7, với điểm đến là, bán đảo Crimea, khu vực Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Ngoài ra, GUR cũng cho biết số lượng các cuộc tuần tra quân sự đang giảm dần ở khu vực rộng lớn của nhà máy Zaporizhzhia và thành phố Enerhodar gần đó. (Reuters)
* EU thúc đẩy cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine: Ngày 30/6, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung về tình hình Ukraine.
Văn bản này nêu rõ: “EU và các nước thành viên sẵn sàng cùng đối tác đóng góp vào cam kết an ninh trong tương lai với Ukraine. Điều này sẽ giúp Kiev tự vệ trong dài hạn, ngăn chặn các hoạt động quân sự và chống lại các nỗ lực gây bất ổn.
Về vấn đề này, họ sẽ nhanh chóng xem xét phương thức đóng góp. Những cam kết đó sẽ được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng chính sách an ninh và quốc phòng của một số quốc gia thành viên và có tính đến lợi ích an ninh và quốc phòng của tất cả các quốc gia thành viên…”
Trước đó, tờ Financial Times (Anh) số ra ngày 29/6 đưa tin một nhóm các nước thành viên EU do Pháp dẫn đầu đang soạn thảo dự thảo tuyên bố về “các cam kết an ninh” đối với Ukraine. Trong đó, tuyên bố sẽ cho phép EU tham gia xây dựng một hệ thống an ninh cho Ukraine, bao gồm hợp tác với NATO. (Sputnik/TASS)
* Hungary từ chối tài trợ thêm cho Ukraine: Ngày 30/6, phát biểu trên đài phát thanh Hungary bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng nước này Viktor Orban đã phản đối việc EC yêu cầu Budapest đóng góp thêm tiền.
Theo ông, đây là mong muốn “lố bịch” khi Hungary cùng với Ba Lan – chưa nhận được tài trợ từ Quỹ phục hồi của EU trong bối cảnh có những tranh cãi về luật pháp. Trước đó, EU thông báo sẽ tài trợ Ukraine 50 tỷ Euro (54,3 tỷ USD) trong giai đoạn 2024-2027, sau khi xem xét ngân sách chung 2021-2027 của EU. (Reuters)
* Ông Donald Trump: Mỹ nên làm trung gian cho hòa đàm Nga-Ukraine: Ngày 29/6, trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại, cựu Tổng thống nêu rõ: “Các vị có thể nói rằng ông Putin vẫn ở đó. Ông ấy vẫn mạnh mẽ, nhưng vị thế của ông ấy đã yếu đi, ít nhất là trong suy nghĩ của nhiều người”. Ông Trump cũng đề cập tới kịch bản nếu ông Putin không còn nắm quyền: “Bạn sẽ không biết người được lựa chọn thay thế là ai. Người đó có thể tốt hơn, song cũng có thể tệ hơn nhiều”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ điều lớn nhất Mỹ nên làm lúc này là đưa Nga và Ukraine xích lại gần nhau và thúc đẩy giải pháp hòa bình. Mỹ có thể làm được… Tôi muốn mọi người ngừng chết chóc vì cuộc xung đột vô lý này”. (Reuters)
* Cựu Phó Tổng thống Mỹ thăm Kiev: Ông Mike Pence, cựu Phó Tổng thống Mỹ hiện đang chạy đua bất ngờ thăm Ukraine trong ngày và gặp lãnh đạo chủ nhà Volodymyr Zelensky. Trả lời NBC News (Mỹ) tại Kiev, ông lưu ý chuyến thăm sẽ “củng cố quyết tâm thực hiện phần việc của mình, tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ cho những người bạn và đồng minh”. Ông Pence là ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa gặp nhà lãnh đạo Ukraine. (NBC)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Ukraine: Cựu Phó Tổng thống Mỹ thăm Kiev, hai tướng Ukraine thiệt mạng ở Kramatorsk? |
Đông Nam Á
* Thủ tướng Campuchia kêu gọi hòa bình, ổn định trước tổng tuyển cử: Ngày 29/6, phát biểu trong buổi gặp mặt với hàng nghìn công nhân nhà máy ở tỉnh Pursat, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ: “Hòa bình và ổn định chính trị không chỉ mang lại hạnh phúc cho người dân của chúng ta, mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để giúp phát triển đất nước…“Chúng ta phải tiếp tục đoàn kết để bảo vệ hòa bình nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước”.
Dự kiến, Campuchia sẽ tổ chức tổng tuyển cử Quốc hội gồm 125 ghế ngày 23/7 tới. Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia, 18 đảng phái chính trị sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử, với hơn 9,7 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu. Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất năm 2018, đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã giành được toàn bộ 125 ghế trong Quốc hội. Hiện đảng này vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trước các đảng còn lại trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. (Tân Hoa xã)
TIN LIÊN QUAN | |
Lào, Campuchia nỗ lực triệt phá các vụ ma tuý lớn |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc sẽ tiếp tục cải tổ nội các vào tháng Bảy: Ngày 30/6, một quan chức giấu tên của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Yoon Suk Yeol sẽ tiến hành cải tổ nội các bổ sung giữa tháng Bảy tới, vốn có thể ảnh hưởng tới Bộ trưởng Công nghiệp và người đứng đầu cơ quan giám sát truyền thông nhà nước.
Hiện Văn phòng Tổng thống được cho là đang thúc đẩy việc bổ nhiệm Lee Dong Kwan làm người đứng đầu Ủy ban truyền thông Triều Tiên (KCC) mới. Ông Lee hiện là cố vấn đặc biệt của tổng thống và trước đây từng là thư ký cấp cao của tổng thống về các vấn đề báo chí dưới thời ông Lee Myung Bak. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đối lập chính cho rằng ông Lee không phù hợp với chức vụ này vì nhiều lý do, trong đó có cáo buộc ông can thiệp không công bằng vào các vấn đề nhân sự của Đài Truyền hình Nhà nước Hàn Quốc (KBS).
Trước đó, ngày 29/6, trong cuộc cải tổ nội các đầu tiên từ khi nhậm chức, ông Yoon Suk Yeol đã chỉ định một Bộ trưởng Thống nhất mới và Thứ trưởng Văn hóa, cùng với một chức vụ bộ trưởng và 11 thứ trưởng khác. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản-Hàn Quốc có bước đi mới về tài chính, quan hệ kinh tế chính thức ‘tan băng’ |
Châu Âu
* Ba Lan bắt vận động viên Nga nghi làm gián điệp: Ngày 30/6, viết trên mạng xã hội, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro nêu rõ: “Các điệp viên Nga đang bị bắt từng người một!…Một điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc vận động viên đã bị bắt, một người Nga là cầu thủ đang chơi ở một câu lạc bộ hạng nhất”.
Các công tố viên cho biết vận động viên trên tới Ba Lan từ tháng 10/2021 và bị bắt ở khu vực Silesia, miền Nam Ba Lan với cáo buộc có hành động xác định hạ tầng quan trọng ở nước này. Nếu bị kết tội, người này có thể đối mặt mức án 10 năm tù. Ba Lan cho biết đây là người thứ 14 bị bắt của mạng lưới gián điệp Nga.
Trước đó, hồi tháng Ba, Ba Lan cũng thông báo đã phá vỡ mạng lưới gián điệp của Nga, bắt giữ chín người với cáo buộc chuẩn bị hành động phá hoại và kiểm soát các tuyến đường sắt đến Ukraine. Hơn một tháng sau đó, chính quyền Warsaw đã áp đặt khu vực hạn chế 200 mét xung quanh cơ sở khí đốt hoá lỏng (LNG) ở Swinoujscie do lo ngại hoạt động gián điệp của Nga.
Hiện Đại sứ quán Nga chưa đưa ra thông báo về vụ việc. Tuy nhiên, cùng ngày, RIA (Nga) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Maria Zakharova cho biết Moscow đã yêu cầu Warsaw giải thích về vụ bắt giữ trên. (RIA/TTXVN)
* Pháp bắt giữ hàng trăm người sau đêm bạo loạn: Ngày 30/6, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết các lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 667 người đã bị bắt giữ trong đêm, sau khi bạo loạn nổ ra đêm thứ ba liên tiếp trên khắp nước này để phản đối vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi hồi đầu tuần. Các video trên mạng xã hội cho thấy nhiều vụ cháy đã xảy ra trên khắp nước Pháp, bao gồm tại một bến xe buýt ngoại ô phía Bắc Paris và một xe điện ở Lyon.
Trước đó, tối 29/6, Pháp đã triển khai 40.000 cảnh sát để dập tắt tình trạng bất ổn lan rộng. Sáng ngày 30/6, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cũng đã triệu tập cuộc họp với các bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin và Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti, để thảo luận về tình hình sau đợt bạo loạn.
Đồng thời, BFM TV (Pháp) dẫn nguồn tin Điện Elysee cho hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ tổ chức họp khẩn cấp của chính phủ tối cùng ngày. Đề cập tới nội dung của cuộc gặp này, Thủ tướng Borne nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm sự đoàn kết dân tộc và cách để làm điều đó là lập lại trật tự”.
Trong khi đó, ngày 30/6, người phát ngôn Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Ravina Shamdasani đã quan ngại về nạn phân biệt chủng tộc trong vụ việc trên. Bà nêu rõ: “Đây là thời điểm để Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tụ tập ôn hòa.
Chúng tôi kêu gọi chính quyền bảo đảm rằng trong trường hợp sử dụng vũ lực để giải quyết các yếu tố bạo lực trong tuần hành, các cảnh sát luôn tôn trọng các nguyên tắc hợp pháp, cần thiết, tương xứng, không phân biệt đối xử, thận trọng và chịu trách nhiệm”. (AFP/Reuters)
* Bộ trưởng Anh từ chức sau khi chỉ trích gay gắt Thủ tướng: Ngày 30/6, Bộ trưởng Môi trường Anh Zac Goldsmith đã từ chức sau khi chỉ trích Thủ tướng Rishi Sunak “không quan tâm” đến bản đánh giá tóm tắt về môi trường. Trong lá thư từ chức, ông bày tỏ “sợ hãi” khi London từ bỏ các cam kết về môi trường và rút lại vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế, bao gồm việc hủy bỏ một dự luật phúc lợi động vật hàng đầu và cam kết chi 11,6 tỷ bảng cho khí hậu và môi trường.
Ông Sunak đã chấp nhận thư từ chức nêu trên. Ông Goldsmith, giữ chức vụ Bộ trưởng phụ trách vùng lãnh thổ hải ngoại, khối thịnh vượng chung, năng lượng, khí hậu và môi trường từ ngày 22/9/2022 dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Bạo loạn ở Pháp: Gần 700 người bị bắt giữ, Tổng thống Macron triệu tập cuộc họp khẩn, LHQ lên tiếng |
Châu Mỹ
* Tòa án Tối cao Mỹ cấm xét yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh đại học: Ngày 29/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết cấm xét các yếu tố chủng tộc và sắc tộc trong tuyển sinh đại học, chấm dứt thông lệ đã kéo dài nhiều thập kỷ nhằm tăng cơ hội học tập cho những người Mỹ gốc Phi và các nhóm thiểu số khác.
Phán quyết nêu trên đã gây ra sự tranh cãi sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ. Ngay cả trong Tòa án Tối cao Mỹ, có tới 3/9 thẩm phán phản đối quyết định nêu trên.
Về phần mình, thẩm phán John Roberts, người ủng hộ quyết định trên, cho rằng chính sách trên, dù “có ý tốt”, song lại phân biệt đối xử đối với các nhóm đối tượng khác. Theo ông, các trường đại học vẫn được tự quyết định cân nhắc hoàn cảnh của học sinh để ưu tiên khi xét hồ sơ tuyển sinh. Tuy nhiên, việc dựa vào các yếu tố màu da hay sắc tộc thực chất là phân biệt chủng tộc và do đó, vi hiến.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ “rất thất vọng” với quyết định của các thẩm phán. Nhà lãnh đạo cho rằng tình trạng phân biệt vẫn tồn tại ở Mỹ và khẳng định các trường đại học ở xứ cờ hoa sẽ tốt hơn nếu đa dạng về chủng tộc.
Nhà Trắng kêu gọi các trường đại học tiếp tục xem xét hoàn cảnh của học sinh xin nhập học. Đồng thời, chính quyền Tổng thống Biden cho biết sẽ làm việc với các cơ quan giáo dục bậc cao để hỗ trợ họ duy trì những chính sách nhằm tăng cường tính đa dạng mà vẫn bảo đảm tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao.
Lâu nay, chính sách nâng đỡ (affirmative action) cho phép các yếu tố như màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được doanh nghiệp, chính phủ xem xét để tạo cơ hội cho một bộ phận trong xã hội Mỹ. Trong giáo dục, chính sách này hỗ trợ người da màu và các nhóm sắc tộc thiểu số khắc phục bất lợi về giáo dục và kinh tế trong tuyển sinh đại học. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Liên minh Mỹ – Nhật Bản: Phải mạnh dạn mới có thể tiến xa hơn |
Trung Đông-Châu Phi
* Iran hồi hương 4 tù nhân Iraq: Ngày 29/6, Hãng Thông tấn Sinh viên Iran (ISNA) dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tư pháp Iran phụ trách các vấn đề quốc tế và nhân quyền, ông Askar Jalalian, cho hay 4 tù nhân Iraq đã được bàn giao cho chính quyền Iraq ngày 27/6 theo thỏa thuận dẫn độ. Các đối tượng này sẽ tiếp tục chấp hành án trong phần thời gian còn ở quê nhà. Theo ông Jalalian, việc chuyển số tù nhân này về nước là một vấn đề nhân đạo và phù hợp với các luật nhân quyền.
Thỏa thuận dẫn độ tội phạm đã được bộ trưởng tư pháp hai nước ký tháng 4/2011, sau cuộc đột kích của các lực lượng Iraq vào Trại Ashraf, nơi cư trú của thành viên Tổ chức Mujahedin-e Khalq (MKO) Iran coi là nhóm khủng bố. (ISNA)
* Trung Quốc kêu gọi tăng cường nỗ lực viện trợ nhân đạo ở Syria: Ngày 29/6, phát biểu tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an LHQ Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Cảnh Sảng nói: “Hiện tại, lỗ hổng lớn trong tài trợ nhân đạo cho Syria đã ảnh hưởng đến các hoạt động cứu trợ và các dự án phục hồi sớm. Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan sẽ tôn trọng cam kết của họ và tăng cường hỗ trợ tài chính hơn nữa”.
Theo ông, đến nay Chính phủ Syria đã mở các cửa khẩu biên giới Bab Al-Salam và Al-Ra’ee, thực hiện các biện pháp tích cực để tạo điều kiện tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, chấm dứt thủ tục phê duyệt từng trường hợp hỗ trợ qua biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cấp thị thực cho các nhân viên làm công tác nhân đạo.
Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Những sáng kiến này được các bên liên quan hoan nghênh. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này”. Phó Đại sứ Trung Quốc cũng lưu ý rằng Hội đồng Bảo an nên tính đến những diễn biến ở Syria và việc thực hiện Nghị quyết 2672 trong việc lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của công việc một cách khoa học, qua đó tăng cường hơn nữa hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Syria và giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này. (Tân Hoa xã)