Ukraine-Nga thảo luận về tù binh Nga bị bắt ở Kursk, Pháp cấm một tàu chiến Nga cập cảng, Công dân Mỹ gốc Nga bị kết án 12 năm tù vì tội phản quốc, Nga đưa quân tới Mông Cổ tập trận, Hàn-Nhật căng thẳng về vấn đề đền Yasukuni… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Lãnh đạo chính quyền Myanmar Min Aung Hlaing tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ngày 14/8. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á- Thái Bình Dương
*Trung Quốc trục xuất tàu Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp Senkaku: Cục Cảnh sát biển Trung Quốc ra thông cáo về việc trục xuất một tàu đánh cá Nhật Bản khỏi vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Senkaku).
Theo thông cáo, ngày 14/8, một tàu cá Nhật Bản đã “xâm phạm trái phép vùng lãnh hải thuộc quần đảo Điếu Ngư của Trung Quốc. Tàu Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết theo pháp luật, phát tín hiệu cảnh báo và trục xuất tàu”.
Hiện giữa Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. (Sputnik)
*Hàn Quốc đề nghị đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên: Ngày 15/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đề nghị thành lập một cơ quan tư vấn cấp chuyên viên với Triều Tiên để thảo luận về cách thức giảm thiểu căng thẳng và nối lại hợp tác kinh tế.
Trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng quốc gia, đánh dấu kỷ niệm 79 năm độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản (1910-1945) sau Thế chiến thứ hai, ông Yoon cho biết sẵn sàng hợp tác chính trị và kinh tế nếu Triều Tiên bắt đầu các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa.
Ông Yoon nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu hợp tác chính trị và kinh tế ngay khi Triều Tiên thực hiện một bước hướng tới phi hạt nhân hóa. Đối thoại và hợp tác có thể mang lại tiến bộ thực chất trong quan hệ liên Triều”. (Reuters)
*Thái Lan: Đảng lớn nhất Quốc hội không ủng hộ ứng viên Thủ tướng của liên minh cầm quyền: Tờ Bangkok Post đưa tin lãnh đạo Đảng Nhân dân (PP) mới thành lập tại Thái Lan, ông Natthaphong Ruengpanyawut tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo phe đối lập với tư cách là đảng lớn nhất trong Quốc hội và sẽ không ủng hộ liên minh hiện tại trước cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện để bầu thủ tướng mới ngày 16/8.
Ngày 14/8, Tòa án Hiến pháp cũng đã ra phán quyết kết luận ông Srettha Thavisin vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức khi bổ nhiệm cựu luật sư Pichit Chuenban, người từng mắc án tù, làm Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng. Phán quyết này khiến ông Srettha bị cách chức Thủ tướng sau chưa đầy một năm tại vị và đồng thời chấm dứt mọi chức vụ trong nội các. (Bangkok Post)
*Hàn-Nhật vẫn căng thẳng về vấn đề đền Yasukuni: Ngày 15/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ "hết sức lấy làm tiếc" trước việc các nhà lãnh đạo Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Kishida Fumio, gửi đồ lễ hay thực hiện các chuyến thăm tới đền Yasukuni, nơi tôn vinh những người Nhật Bản tử trận, bao gồm 14 tội phạm hạng A bị đồng minh kết án trong các phiên tòa sau Thế chiến II.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ hết sức thất vọng và lấy làm tiếc rằng các nhà lãnh đạo có trách nhiệm của Nhật Bản một lần nữa gửi đồ lễ hoặc đến thăm đền Yasukuni, nơi tôn vinh cuộc chiến tranh xâm lược trong quá khứ của Nhật Bản. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo có trách nhiệm của Nhật Bản hãy thẳng thắn đối mặt với lịch sử và thể hiện sự phản ánh khiêm nhường và sự ăn năn thực sự về quá khứ thông qua hành động". (Yonhap)
*Trung Quốc cam kết viện trợ cho bầu cử ở Myanmar: Ngày 15/8, truyền thông nhà nước Myanmar cho biết Trung Quốc đã hứa sẽ hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ cho chính quyền quân đội tại Myanmar để tiến hành một cuộc điều tra dân số, sau đó là một cuộc bầu cử.
Tờ Global New Light Of Myanmar cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp lãnh đạo chính quyền Min Aung Hlaing ngày 14/8 trong chuyến thăm Myanmar nhằm thảo luận về việc tiến hành một “cuộc bầu cử toàn diện”.
Sau chuyến thăm Myanmar, ông Vương Nghị sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng hợp tác Mekong - Lan Thương tại Thái Lan vào ngày 16/8. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Myanmar: Khẳng định ủng hộ hòa bình và thống nhất, ủng hộ 'lộ trình 5 điểm' mới thúc đẩy hòa giải |
*Đối thoại cấp cao Australia-Trung Quốc lần thứ 8: Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng Ngoại trưởng Australia ngày 15/8, Đối thoại cấp cao Australia-Trung Quốc, quy tụ các đại diện đến từ ngành công nghiệp, chính phủ, học viện, truyền thông và nghệ thuật, được tổ chức tại thành phố Adelaide (Australia) trong tuần này.
Đối thoại được thành lập vào năm 2014, là một cơ hội để thúc đẩy các cuộc thảo luận về chiều rộng mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc, bao gồm cả về thương mại và đầu tư, quan hệ văn hóa cũng như an ninh khu vực và quốc tế.
Phái đoàn Trung Quốc sẽ do ông Vương Siêu, Chủ tịch Viện Đối ngoại nhân dân Trung Quốc (CPIFA), dẫn đầu. Đây là lần thứ 4 Australia đăng cai tổ chức Đối thoại và là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại thành phố Adelaide. (AP)
*Nga đưa quân tới Mông Cổ tập trận: Ngày 15/8, Hãng thông tấn TASS trích dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết Nga đã cử lực lượng thuộc quân khu miền Đông tới Mông Cổ để tham gia cuộc tập trận chung.
Moscow hiện đang chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Ukraine vào miền Tây đất nước, song vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác nước ngoài. (Reuters)
Châu Âu
*Nga ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại Belgorod: Ngày 15/8, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp cấp liên bang tại khu vực Belgorod, giáp ranh với tỉnh Kursk.
Người đứng đầu bộ này, ông Alexander Kurenkov tuyên bố "Tình hình trong khu vực vẫn phức tạp và căng thẳng. Do các cuộc tấn công khủng bố của các nhóm vũ trang Ukraine ở khu vực Belgorod, nhà ở và cơ sở hạ tầng đã bị hư hại, có người dân thiệt mạng và bị thương".
Trước đó, ngày 12/8, Thống đốc Belgorod cho biết đã ban hành lệnh sơ tán cư dân tại tại tỉnh nằm ở biên giới giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk. (Reuters)
*Ukraine bắn hạ 29 máy bay không người lái của Nga: Lực lượng không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ tất cả 29 máy bay không người lái do Nga phóng vào 8 khu vực của Ukraine trong một cuộc tấn công vào ban đêm 14/8, mà các quan chức cho biết chỉ gây ra thiệt hại nhỏ.
Tuyên bố của Không quân Ukraine cũng cho biết, Nga cũng đã phóng ba tên lửa dẫn đường Kh-59 trong cuộc tấn công đêm qua.
Thống đốc vùng Mykolaiv cho biết lực lượng không quân đã bắn hạ 5 máy bay không người lái nhưng không cung cấp thông tin về thiệt hại. Trong khi đó, Thống đốc Kherson cho biết 8 máy bay không người lái khác đã bị bắn hạ ở khu vực phía nam Kherson. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình ở Kursk: Ukraine tuyên bố bước đi mới táo bạo, Nga nói về hậu quả của 'hành động liều lĩnh điên rồ' |
*Anh thuyết phục đồng minh cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công Nga: The Times đưa tin, các Bộ trưởng Anh đang cố gắng thuyết phục các nước đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow để tấn công vào bên trong nước Nga.
Vào tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết chính phủ Anh đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadows để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Telegraph sau đó đưa tin rằng Bộ Quốc phòng Anh đã bác bỏ các tuyên bố này của Kiev.
Trước đó, Nga đã gửi một công hàm cho Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nói rằng bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga. (Sputniknews)
*Ukraine-Nga thảo luận về tù binh Nga bị bắt ở Kursk: Ngày 14/8, Thanh tra nhân quyền Ukraine Dmytro Lubinets cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề tù nhân Nga bị bắt trong cuộc tấn công xuyên biên giới ở tỉnh Kursk của LB Nga.
Ông Lubinets nói: "Tôi thấy rằng tình hình này ít nhất đã buộc phía Nga phải đưa ra sáng kiến". (Sputniknews)
*Pháp cấm một tàu chiến Nga cập cảng: La Manche Libre đưa tin chính quyền tỉnh Manche của Pháp đã cấm khinh hạm Shtandart của Nga cập cảng Granville để tham gia lễ hội thuyền buồm, lưu ý rằng tàu này bị cấm vào bất kỳ cảng nào trong tỉnh.
Theo thông tin trước đó, thủy thủ đoàn của tàu đang gặp khó khăn khi cập cảng do lệnh trừng phạt chống Nga được áp dụng vào cuối tháng 6.
Tàu chiến Shtandart là bản sao chính xác của tàu quân sự do Sa hoàng Peter Đại đế chế tạo vào năm 1703 để bảo vệ thành phố St. Petersburg. Phiên bản hiện đại của Shtandart được chế tạo vào năm 1999. Con tàu có trụ sở tại St. Petersburg, nhưng đã hoạt động dọc theo biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương trong một thời gian dài. TASS)
*Nga chặn đứng âm mưu tấn công khủng bố ở Tyumen: Trung tâm điều hành của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã chặn đứng âm mưu tấn công khủng bố do hai kẻ ủng hộ hệ tư tưởng giết người hàng loạt lên kế hoạch ở tỉnh Tyumen và chúng đã bị bắt giữ.
Thông cáo cho hay: “FSB hợp tác với Ủy ban điều tra Liên bang Nga, đã ngăn chặn âm mưu tấn công khủng bố ở tỉnh Tyumen. Nhờ các biện pháp nghiệp vụ được thực hiện, hai công dân Nga, những kẻ ủng hộ hệ tư tưởng giết người hàng loạt, trong khi lên kế hoạch kích hoạt một thiết bị nổ tự chế tại địa điểm của các cơ quan nội vụ của thành phố Tobolsk, tỉnh Tyumen, đã bị bắt giữ".(Sputnik)
*Công dân Mỹ gốc Nga bị kết án 12 năm tù vì tội phản quốc: Hãng thông tấn Interfax đưa tin ngày 15/8, tòa án Nga đã kết án Ksenia Karelina, một phụ nữ người Mỹ gốc Nga, 12 năm tù giam vì tội phản quốc.
Nhân viên spa ở Los Angeles này đã nhận tội vào tuần trước tại phiên tòa xét xử ở thành phố Yekaterinburg. Tội danh chống lại Ksenia Karelina dựa trên khoản quyên góp hơn 50 USD mà bà thực hiện vào tháng 2/2022 cho một tổ chức từ thiện hỗ trợ Ukraine. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ xác nhận thêm một công dân bị Nga bắt giữ, ca ngợi Thủ tướng Nhật Bản đã nâng tầm quan hệ song phương |
*LHQ yêu cầu Nga cho phép tiếp cận khu vực biên giới bị tấn công: Ngày 15/8, Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc đã đề nghị Moscow cho phép họ đến thăm các khu vực biên giới Nga bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công xuyên biên giới của lực lượng Ukraine.
Liz Throssell, người phát ngôn văn phòng trên xác nhận: "Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc đã gửi yêu cầu tới chính quyền Nga để tạo điều kiện cho văn phòng tiếp cận các khu vực của Liên bang Nga bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thù địch, bao gồm các khu vực Belgorod, Bryansk và Kursk, theo nhiệm vụ giám sát và đánh giá nhân quyền của chúng tôi". (AFP)
*Ukraine bác cáo buộc liên quan tới các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc: Ngày 15/8, Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc Kiev có liên quan tới các vụ nổ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2, thay vào đó ông nhắm tới Nga là thủ phạm đứng sau những hành động phá hoại đó.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin cựu chỉ huy quân sự cấp cao của Ukraine Valery Zaluzhny cũng đã bác thông tin của giới truyền thông nói rằng ông đã tổ chức phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Bắc 2, đi ngược lại quyết định của Tổng thống Ukraine Zelensky. (Reuters)
Trung Đông – châu Phi
*Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sử dụng hệ thống phòng không S-400 của Nga: Báo Turkiye đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng chứ không bán hệ thống phòng không S-400 mà Ankara mua từ Nga cho đến khi nước này xây dựng được hệ thống phòng không nội địa của mình.
Trước đó, tạp chí Forbes cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng hệ thống phòng không Vòm Thép và nước này có thể bán hệ thống S-400 đang sở hữu cho các nước thứ ba, đặc biệt là Ấn Độ hoặc Pakistan, sau khi hệ thống phòng không nội địa được kích hoạt.
Trước đó trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Hurriyet, chuyên gia này không loại trừ khả năng S-400 có thể được tích hợp vào hệ thống phòng không Vòm Thép. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua bốn đơn vị hệ thống phòng không S-400 từ Nga với chi phí 2,5 tỷ USD. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ, Qatar cảnh báo các bên không phá hoại đàm phán ngừng bắn đang diễn ra, ông Trump điện đàm với Thủ tướng Israel về tình hình Gaza |
*Ai Cập, Maroc, UAE từ chối tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Gaza: Đài phát thanh Quân đội Israel hôm 14/8 đưa tin Ai Cập, Morocco và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã từ chối gửi quân đến Dải Gaza để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình có khả năng được triển khai, sau khi xung đột quân sự kết thúc.
Nguồn tin cho biết: "Một số quốc gia Arab, bao gồm Ai Cập, Morocco và UAE, đã từ chối gửi quân đến Gaza để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, vì họ không muốn bị coi là đồng minh với Israel".
Các quan chức UAE khẳng định chỉ sẵn sàng gửi quân nếu chính quyền Palestine yêu cầu. Jordan, Qatar và Saudi Arabia cũng đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc đóng góp quân cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Gaza sau xung đột. (Al Jazeera)
*Thủ tướng Israel bác tin điện đàm với ông Donald Trump: Ngày 15/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác thông tin nói rằng ông đã điện đàm với ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump một ngày trước đó về thỏa thuận ngừng bắn Gaza và đàm phán thả con tin.
Trước đó, cổng thông tin Axios dẫn hai nguồn tin của Mỹ, trong đó một nguồn tin nói rằng cuộc điện thoại của ông Trump nhằm mục đích khuyến khích ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận, song lưu ý rằng ông không biết liệu đây có thực sự là điều mà cựu tổng thống đã nói với ông Netanyahu hay không.
Đàm phán ngừng bắn diễn ra tại Doha, Qatar với sự tham dự của Ai Cập, Mỹ và Qatar hôm nay, ngày 15/8. (AFP)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Bầu cử Mỹ: Cựu Tổng thống Trump dẫn trước Phó Tổng thống Kamala Harris: Một cuộc thăm dò của Fox News cho thấy cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn trước Phó Tổng thống Kamala Harris một phần trăm về tỷ lệ cử tri ủng hộ trong cuộc đua giành ghế tổng thống.
Có tới 50% cử tri được thăm dò ý kiến sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi 49% cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho bà Harris. Cuộc thăm dò toàn quốc được tiến hành từ ngày 9/8 đến ngày 12/8, có sự tham gia của hơn 1.000 cử tri đã đăng ký với biên độ sai số là ba phần trăm.
Mỹ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới. Đương kim Tổng thống Joe Biden ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. (TASS)
*Chính phủ Ecuador cáo buộc Phó Tổng thống âm mưu đảo chính: Ngày 14/8, Chính phủ Ecuador đã cáo buộc việc Phó Tổng thống Veronica Abad yêu cầu tòa án bầu cử cách chức Tổng thống Daniel Noboa là một hành động "có ý đồ đảo chính".
Mối quan hệ giữa ông Noboa và bà Abad đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 11/2023. Năm ngoái, Tổng thống Noboa đã cử bà Abad tới Tel Aviv (Israel) với nhiệm vụ hỗ trợ các nỗ lực hòa bình trong khu vực. Trong hồ sơ gửi tòa án, bà Abad cáo buộc ông Noboa đã cố tình hạn chế vai trò của bà trong các quyết sách quốc gia và tìm cách loại bỏ bà khỏi chính trường, đồng thời làm suy yếu đại diện của phụ nữ trong chính quyền.
Tổng thống Noboa mới đây đã tuyên bố sẽ tái tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 2/2025. Kể từ khi nhậm chức, ông tập trung vào việc cải thiện tình hình an ninh và chống tội phạm tại quốc gia Nam Mỹ này. (AFP)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-158-nga-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-tai-belgorod-trung-quoc-vien-tro-cho-bau-cu-o-myanmar-ong-trump-dan-truoc-ba-harris-282730.html
Bình luận (0)