Theo các chuyên gia, ngành giáo dục quốc tế của New Zealand có thể phục hồi số lượng tuyển sinh như mức trước đại dịch vào năm 2025 sau giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Giữ chính sách du học ổn định
Từng áp dụng chính sách Covid nghiêm ngặt nhất trong số các nước nói tiếng Anh, New Zealand đã chứng kiến số du học sinh giảm mạnh khi mở cửa biên giới trở lại vào 2022, từ hơn 115.000 người (2019) xuống còn 40.000. Tuy nhiên, thống kê mới nhất của nước này cho thấy số lượng tuyển sinh năm học 2023-2024 tăng 67%, lần đầu tiên tăng trưởng sau 6 năm và dự kiến phục hồi như mức trước đại dịch vào 2025, theo Studymove.
Ông Keri Ramirez, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Studymove, phân tích sự phục hồi này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc New Zealand quảng bá thành công các giá trị thế mạnh; sở hữu mức học phí cạnh tranh trong số các nước nói tiếng Anh, nhất là ở bậc sau ĐH khi mức trung bình của các bằng cấp này thấp hơn Úc 26%; cùng nhiều cơ hội làm việc sau tốt nghiệp.
“Những thay đổi chính sách tại Canada và Úc tất nhiên mang lại một số lợi ích cho New Zealand, nhưng đây không phải là khía cạnh cốt lõi của sự phục hồi”, ông Ramirez nhấn mạnh, cho biết thêm số visa cấp cho sinh viên du học tự túc tính từ tháng 1 đến tháng 8 tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, ước tính cán mốc 24.000 vào cuối 2024 và mức này chỉ thấp hơn một chút so với trước đại dịch.
Với các khóa dạy tiếng Anh, bà Kim Renner, Giám đốc điều hành English New Zealand, dự đoán 16 trường thành viên có thể phục hồi đến 90% số lượng tuyển sinh khi hết năm, và dự kiến phục hồi hoàn toàn vào 2025. Còn với bậc phổ thông, 80% trường thành viên thuộc SIEBA cho rằng sẽ mất thêm vài năm nữa mới phục hồi hoàn toàn, Giám đốc điều hành John van der Zwan nói với tờ StudyTravel.
Tại Việt Nam, năm 2023 đánh dấu sự tăng trưởng trở lại về số du học sinh đến New Zealand sau 3 năm giảm liên tục. Tuy nhiên, con số này mới tương đương 57% so với mức đỉnh điểm năm 2019 (3.042 người). Đó cũng là một trong những lý do ngành giáo dục quốc tế của nước này muốn tập trung đầu tư vào Việt Nam qua việc mở rộng nhiều cơ hội, từ học bổng, tuyển sinh tới chính sách du học.
Trao đổi với Thanh Niên tại một sự kiện do chính phủ New Zealand tổ chức gần đây tại TP.HCM, ông Ben Burrowes, quyền Giám đốc điều hành khối quốc tế tại Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), nói thời gian qua ghi nhận rất nhiều công ty du học mới muốn hợp tác. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh quốc đảo này vẫn giữ nguyên chính sách hiện tại với du học sinh trong thời gian tới, ông Burrowes khẳng định.
Ông Scott James, Tổng lãnh sự New Zealand kiêm Tham tán thương mại, cho biết thêm quy trình xét duyệt và cấp visa du học cho người Việt đã được cải thiện, đảm bảo những sinh viên đủ điều kiện có thể dễ dàng ứng tuyển và giúp rút ngắn thời gian nhận visa du học. “New Zealand vẫn còn dư địa để tiếp nhận thêm người học nên vào thời điểm này, chúng tôi không có ý định khiến việc xét duyệt trở nên khó khăn hơn”, ông James nói.
Học bổng dành cho người Việt
Bà Lê Minh Anh Thư, quản lý tuyển sinh ở Việt Nam của ĐH Auckland, cho biết trường có học bổng trị giá 10.000 NZD (150 triệu đồng) cho người Việt kèm học bổng cho sinh viên quốc tế trong đó có Việt Nam. Học bổng áp dụng với bậc cử nhân, thạc sĩ hoặc văn bằng sau ĐH và ứng viên cần có điểm trung bình tối thiểu 8,8 ở bậc học gần nhất. Ngoài ra, ứng viên phải đính kèm thêm CV và thư giới thiệu trong đơn xin học bổng.
Ông Quân Đặng, quản lý tuyển sinh khu vực Đông Nam Á của ĐH Waikato, cũng thông tin trường có học bổng dành cho người Việt và học bổng cho sinh viên quốc tế nói chung trong đó có Việt Nam với giá trị lên đến 15.000 NZD (226 triệu đồng). Để được xét học bổng, ứng viên cần đạt điểm trung bình tối thiểu 8, nêu lý do muốn học ở trường và chia sẻ cách để trở thành đại sứ toàn cầu của trường.
Về khâu xét tuyển, cả bà Thư và ông Quân đều nhận định các trường yêu cầu mức điểm học bạ thấp hơn, từ 8 (ĐH Waikato) đến 8,2 (ĐH Auckland), và chỉ lấy kết quả năm lớp 12. Ngoài ra, cả hai trường đều yêu cầu ứng viên đạt IELTS tối thiểu 6.0, trong đó không kỹ năng nào dưới mốc 5.5. Các bạn cũng cần nộp bằng tốt nghiệp THPT mới chính thức trúng tuyển.
Một điểm mới trong xét tuyển ĐH ở New Zealand là từ kỳ tuyển sinh sắp tới, tất cả các trường đều chấp nhận kết quả thi lại một kỹ năng IELTS (One Skill Retake) từ ứng viên, theo thông cáo hồi đầu tháng 10 của các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS. “Điều này giúp những sinh viên giỏi nhưng gặp khó ở một kỹ năng nhất định vẫn đủ điều kiện xin học”, bà Meredith Smart, Giám đốc quốc tế ĐH Công nghệ Auckland, nhận định.
Lần đầu ENZ ra mắt sách về New Zealand
Ở ngày hội giáo dục New Zealand 2024 tổ chức mới đây, ENZ đã ra mắt cuốn sách Đến New Zealand đón bình minh mới – dự án do ENZ lần đầu tiên thực hiện, quy tụ 50 câu chuyện từ các chuyên gia, nhân vật nổi tiếng và du học sinh để cung cấp cái nhìn toàn cảnh về đất nước, văn hóa và con người New Zealand. Sách được cấu trúc thành ba chương “Học”, “Làm”, “Sống” với tổng cộng 170 trang.
“Qua từng chương, bạn có thể tìm được lời giải cho riêng mình về mối duyên lạ kỳ của New Zealand khiến cho dù là lữ khách qua đường ngắn hạn hay du học sinh khát khao bước ra thế giới đều cứ vương vấn mãi không thôi. New Zealand là quốc gia đón bình minh đầu tiên trên thế giới, với cuốn sách này, mong bạn cũng sẽ được truyền cảm hứng để cùng mở ra một hành trình mới, bắt đầu một tương lai mới”, bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc ENZ tại Việt Nam, chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/new-zealand-dat-ke-hoach-phuc-hoi-so-du-hoc-sinh-hau-covid-19-vao-nam-2025-185241105013629771.htm