New York đang chìm dần
Theo nghiên cứu cho biết các nhà hoạch định không lường trước rủi ro nước biển dâng cao và điều này có thể gây rắc rối cho hơn 8 triệu cư dân của thành phố trong tương lai.
Một nhóm tại Đại học Rhode Island đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là ước tính tổng trọng lượng của hơn 1 triệu tòa nhà tạo nên Thành phố New York.
Họ phát hiện ra rằng gần 1 nghìn tỷ kg bê tông, thép và kính đang đẩy xuống mặt đất, khiến nó từ từ chìm xuống thấp hơn so với mực nước biển.
Đồng thời, mực nước biển ngày càng tăng do sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Theo NASA, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 10 cm kể từ năm 1992. Nó được dự đoán sẽ tiếp tục tăng từ 20 cm đến 75 cm trong 25 năm tới.
New York chìm nhanh thế nào?
Theo nghiên cứu, tỷ lệ chìm khác nhau trong toàn thành phố tuỳ theo từng khu vực.
Phố Wall dài 8 dãy nhà nổi tiếng ở trung tâm tài chính của New York chỉ cao từ 1 đến 2 m so với mực nước biển.
Khu vực Midtown Manhattan được xây dựng trên đá, có độ nén rất ít nên tỷ lệ chìm thấp. Tuy nhiên, khu vực Brooklyn và Queens có nền đất lỏng lẻo hơn, khiến cho việc lún diễn ra nhanh hơn.
Các phần của khu vực Lower Manhattan đã được mở rộng nhân tạo bằng cách cải tạo đất gần bờ biển, khiến mặt đất dễ bị tổn thương hơn trước lực hấp dẫn từ sức nặng của các tòa nhà.
Kết quả là, một số vùng đất ở đó đang lún nhanh gấp đôi, với tốc độ lên tới 4 mm mỗi năm.
Chính sách cần thay đổi
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù đây chưa phải là trường hợp khẩn cấp, nhưng họ muốn cung cấp dẫn chứng khoa học để giúp lập kế hoạch trong tương lai.
Năm 2012, cơn bão Sandy xé toạc thành phố New York, giết chết 44 người, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở hạ tầng, đồng thời gây thiệt hại ước tính 19 tỷ USD.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, mỗi tòa nhà cao tầng mọc lên có thể góp phần gây ra rủi ro lũ lụt trong tương lai. Tuy nhiên, việc xây dựng không có dấu hiệu dừng lại.
Chính những khu vực ven sông đang chịu gánh nặng tàn phá từ Bão Sandy và những trận lũ quét gần đây, đây là khu vực có tỷ lệ phát triển nhà ở mới cao nhất.
Các nhà quan sát cho biết thành phố New York – nơi có giá nhà đất cao nhất nước Mỹ, sẽ bị thiệt hại nặng nề khi nước biển dâng cao tiếp tục làm xói mòn bờ biển.
Peter Girard, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của tổ chức nghiên cứu Climate Central, cho biết: “Khi chúng ta nhìn khắp nước Mỹ, chúng ta có thể thấy nói về một lượng tiền đáng kể đã bị mất đi do ảnh hưởng nước biển dâng”.
Thành phố này đứng thứ ba trên thế giới về giá trị tài sản bất động sản bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển, sau Quảng Châu và Miami. Điều này có thể có nghĩa là thiệt hại lớn cho chủ sở hữu và nhà đầu tư nếu thiên tai xảy ra.
New York đã dẫn đầu về các khía cạnh khác của cơ sở hạ tầng xanh, chẳng hạn như quy định về lượng khí thải carbon của các tòa nhà. Tuy nhiên, không có luật nào quy định về phòng chống lũ lụt – lỗ hổng mà các chuyên gia cho rằng cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt.
“Sẽ tốt hơn nếu làm điều đó ngay bây giờ thay vì chỉ trì hoãn mọi thứ”, bà Vrinda Mittal, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Columbia cho biết.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết họ mong đợi các quy định chặt chẽ hơn sẽ sớm được áp dụng khi New York tìm cách bảo vệ đường chân trời mang tính biểu tượng của mình khỏi nước biển dâng.
Mai Anh (theo AFP, CNA)