Trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 10.3 tại Trường THPT Trương Định (TX.Gò Công, Tiền Giang), một học sinh đã nêu vấn đề: “Em thấy nhiều anh chị chọn ngành xong học được 1, 2 năm thì bị “vỡ mộng” nên phải chọn lại ngành khác… Có phải do các trường ĐH không có hướng nghiệp chi tiết về các ngành học không, tụi em rất hoang mang”.
Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó phòng phụ trách phòng Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định: “Trên website của các trường ĐH đều có thông tin về yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra của một ngành học. Ngoài ra, còn có nội dung các môn học, số lượng tín chỉ phải học từng năm trong chương trình đào tạo”.
Thạc sĩ Tú khuyên trước khi chọn ngành, học sinh cũng nên tìm hiểu thông tin từ người làm trong nghề. Bên cạnh đó là chịu khó nghiên cứu các thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn học, xem doanh nghiệp có yêu cầu chuyên môn kỹ năng gì, từ đó xem xét mình có thể theo đuổi ngành học, có đáp ứng được hay không.
“Khi các em hiểu ngành học, chọn ngành một cách nghiêm túc và trong quá trình học cố gắng khai thác thế mạnh của mình thì sẽ không bị tình trạng ‘vỡ mộng’”, thạc sĩ Tú chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng cho hay trường có các kênh tư vấn, thí sinh cần quan tâm ngành nào đều có thể liên lạc để được các thầy cô là trưởng, phó khoa; trưởng bộ môn tư vấn. “Các em sẽ biết được nội dung chi tiết các môn học của năm 1, năm 2, năm 3 để hiểu thêm về ngành mình muốn học ”, thạc sĩ Dũng thông tin.
Không lo lắng năm một, năm 2 ”vỡ mộng”, Hoàng Nam (Trường THPT Gò Công) lại sợ học ngành yêu thích rồi nhưng khi đi làm tiếp xúc với môi trường công việc không còn thấy yêu thích nữa, thì phải làm sao để có được công việc ổn định?
Giải đáp cho câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng nghề nghiệp của mỗi người đều có thể thay đổi và đó là chuyện hết sức bình thường.
“Trong thời điểm này, nếu em thấy yêu thích ngành nghề nào thì hãy cứ quyết định lựa chọn. Tại trường ĐH các em sẽ được học kiến thức nền tảng sau đó sẽ học các môn chuyên ngành. Khi đã yêu thích và lựa chọn thì các em hãy đi tới cùng, cố gắng thực hiện trọn vẹn mục tiêu. Có thể tốt nghiệp các em không thích nghề nghiệp đó nữa, nhưng với kiến thức đã được học ở ĐH, các em vẫn có một nền tảng nhất định để có thể làm những công việc mình yêu thích dù là trái ngành. Lúc này các em cũng có thể học thêm một văn bằng 2 ở ngành nghề mà các em thấy phù hợp hơn”, tiến sĩ Khả đưa ra lời khuyên.