Trong thời điểm dịch bệnh khi mọi thứ đều bị kéo chậm lại, mọi người đều cố giữ mọi thứ ở mức an toàn, người phụ nữ đó vẫn không dừng bước, như là trong 10 năm qua chị vẫn luôn thế, để tự đưa mình vào những khó khăn, áp lực với một lý do mà chị dùng một từ ngắn gọn – cái “số”.
Chào chị Mai Thu Huyền! Nhắc đến Mai Thu Huyền, khán giả ấn tượng với vai “Trúc nghiện” trong phim “Những ngọn nến trong đêm”, sự nghiệp diễn xuất đang phát triển vậy tại sao chị lại chuyển hướng sang làm đạo diễn, chị có thể chia sẻ tâm tư cho khán giả cùng biết không?
– Sau khi hoàn thành xong vai diễn Thanh Trúc trong bộ phim “Những ngọn nến trong đêm” từ năm 2001, tôi đã từng có ý định từ bỏ hẳn nghệ thuật. Nhưng năm 2011 khi quyết định thành lập công ty truyền thông giải trí Tincom Media thì cũng đồng nghĩa với việc tôi đã lựa chọn nghệ thuật để làm con đường khởi nghiệp chính của mình trong lĩnh vực sản xuất phim, sản xuất các chương trình truyền hình và tổ chức sự kiện. Sau khi đã sản xuất khoảng 15 bộ phim điện ảnh và truyền hình thì tôi lại thấy mình cần tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ nên đã quyết định đi học đạo diễn tại Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, trước đó tôi cũng tham gia một khoá đào tạo làm phim ngắn hạn tại New York Film Academy. Và đến thời điểm này thì tôi vừa hoàn thành xong bộ phim điện ảnh đầu tay trong vai trò đạo diễn mang tên “Kiều” được lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
Khi chuyển hướng sang làm đạo diễn, đây là công việc đòi hỏi sáng tạo không ngừng cùng cường độ và áp lực công việc cao, vậy chị thường lấy năng lượng từ đâu?
– Với tôi, khi quyết định theo nghề thì năng lượng quan trọng nhất chính là niềm đam mê, chỉ có đam mê mình mới có thể dành tất cả tâm huyết, sức lực và thời gian dành cho nó. Đạo diễn là công việc đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và vô cùng khó khăn vất vả nhưng khi mình đã chinh phục được rồi thì lại cảm thấy rất hạnh phúc với tác phẩm mà mình tạo ra.
Không thể tránh khỏi những lúc cạn ý tưởng, vậy lúc đó chị thường làm gì?
– Điều đó thì không thể tránh khỏi, chính vì thế tôi luôn trau dồi kiến thức cho bản thân mình bằng cách học, học nữa, học mãi… Tôi rất ham học hỏi và cũng rất chịu khó đi học để cập nhật các kiến thức thường xuyên từ những người thầy có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn. Hiện tại, tôi đang theo học lớp Đạo diễn tại Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM và khoá đào tạo thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Viện Quản trị và Công nghệ FPT. Tôi cũng thường xuyên xem phim Việt Nam và nước ngoài để tham khảo, cập nhật những xu hướng làm phim mới và tìm kiếm những ý tưởng.
Được biết, chị đang theo đuổi dự án điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Vậy cơ duyên nào khiến chị có động lực để thực hiện bộ phim này?
– “Kiều” không phải là một bộ phim chuyển thể mà chúng tôi chỉ lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Động lực lớn nhất khiến Huyền mong muốn được đưa nàng Kiều lên màn ảnh vì đây là một kiệt tác văn học nổi tiếng của Việt Nam và nó có rất nhiều chi tiết, chất liệu hay cũng như giàu ngôn ngữ hình ảnh để làm tiền đề tạo nên một bộ phim hấp dẫn. Năm 2020 lại là dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du nên lại càng thôi thúc tôi mong muốn thực hiện bộ phim này bằng được.
Chị tìm thấy sự đồng cảm trong kịch bản này ở điểm nào? Chị nhận thấy cách làm phim của mình có gì khác với cách làm phim của các nhà làm phim khác?
– Khi quyết định đưa nàng Kiều lên màn ảnh tôi đã rất vất vả trong việc đi đặt hàng kịch bản. Tôi đã làm việc với nhiều nhóm tác giả khác nhau và sau 4 lần thì mới có được kịch bản ưng ý. Sau khi tác giả Phi Tiến Sơn viết kịch bản xong chúng tôi cũng mời nhiều người với nhiều lứa tuổi và lĩnh vực ngành nghề khác nhau đọc góp ý kiến và sau 7 lần chỉnh sửa thì mới đưa kịch bản vào sản xuất.
Tôi nghĩ mình cũng khác các nhà sản xuất khác, tôi không làm quá nhiều phim nên luôn muốn chọn những đề tài mới mẻ, nhiều khó khăn, áp lực. Có lẽ do số tôi không thích chọn việc nhẹ nhàng mà lại hay có cảm hứng với những gì khó khăn khiến mình có động lực muốn chinh phục hơn.
Đâu là điểm mà chị thấy tự tin nhất ở bộ phim “Kiều”?
– Điều tôi cảm thấy tự hào nhất là đã mời được nhiều nghệ sĩ gạo cội, nhiều kinh nghiệm và giỏi chuyên môn tham gia vào thành phần sáng tác bộ phim, cũng như có một dàn diễn viên tài năng rất phù hợp với các vai diễn. Trong quá trình làm việc tôi thấy được sự nỗ lực của tất cả mọi người. Hy vọng với những tâm huyết và sự đầu tư kỳ công của chúng tôi sẽ mang lại cho khán giả một bộ phim chất lượng.
Khi quyết định theo đuổi dự án này, chị có được người thân, bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ không?
– Gia đình, các đồng nghiệp và bạn bè đều rất ủng hộ tôi thực hiện dự án phim “Kiều”. Đặc biệt là con gái tôi còn lấy tiền tiết kiệm để mua một cuốn “Truyện Kiều” rất đẹp để tặng cho mẹ nghiên cứu. Hay như trước đây khi bố tôi còn sống ông đã nói một câu khiến tôi rất xúc động: “Nếu con làm phim “Kiều” mà thiếu tiền thì bố sẽ bán đất để đưa tiền cho con làm phim” và điều này càng khiến cho tôi ấp ủ phải thực hiện bằng được dự án này.
Theo chị, thử thách lớn nhất mà các nhà làm phim Việt gặp phải khi làm phim cổ trang là gì?
– Làm phim là một nghề rất vất vả và sẽ càng khó khăn hơn với những đề tài cổ trang vì chúng ta gần như không có những phim trường lớn đáp ứng được nhu cầu của đoàn phim nên thường phải dựa vào những bối cảnh thiên nhiên thực tế rồi thiết kế dàn dựng khá tốn kém, sau khi quay phim xong lại phải dỡ bỏ nên khá là lãng phí. Nhìn nhận một cách khách quan thì những năm gần đây phim điện ảnh Việt khá phát triển, phong phú về đề tài và số lượng phim sản xuất trong 1 năm cũng tăng lên, nhưng các nhà sản xuất gặp một chút khó khăn khi đưa phim ra rạp, nhất là thời điểm trùng với phim bom tấn nước ngoài thì phim Việt sẽ bị hạn chế suất chiếu, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim.
Một vài hình ảnh của bộ phim “Kiều” khi được hé lộ đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là sự chỉ trích từ công chúng về một số vấn đề. Chị có nghĩ rằng khán giả đã quá khắt khe với mình không và toàn bộ ekip đã làm gì khi phải nhận những lời chỉ trích trên?
– Có lẽ do sơ sót của êkip ngay từ đầu không nói rõ về việc phim “Kiều” thuộc thể loại Cổ trang – Fantasy, không lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể nên gây hiểu lầm cho khán giả là phim sẽ làm y chang như nguyên tác nên mới có những tranh cãi như trong thời gian qua. Nhưng tôi cũng cảm thấy vui khi bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả cũng như những người trong nghề và giới truyền thông.
“Kiều” là một dự án phim lớn, được đầu tư quy mô với sự tham gia của thành phần êkip gần 100 người nên khâu chuẩn bị tiền kỳ được chúng tôi chuẩn bị khá kỹ trong gần 1 năm và từng chi tiết đều được ekip cân nhắc kỹ lưỡng với mục đích thể hiện được tinh thần của tổng thể bộ phim. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ nhận được sự ủng hộ của khán giả khi tung ra những thông tin và hình ảnh tiếp theo của bộ phim.
Khi chuyển thể thành dự án điện ảnh, kịch bản có những điểm khác đặc biệt nào so với bản gốc?
– Như tôi đã chia sẻ, “Kiều” không phải là một bộ phim chuyển thể mà chúng tôi chỉ lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” và thể loại phim là cổ trang và fantasy. Chính vì vậy trong phim sẽ có những chi tiết sáng tạo hơi khác so với nguyên tác nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ những gì là tinh thần chính, cốt lõi của tác phẩm. Với một bộ phim mà khán giả đã biết trước nội dung, buộc chúng tôi phải có thêm những chi tiết mới mẻ, sáng tạo để tạo nên sự hấp dẫn cho khán giả. Hơn nữa do thời lượng của phim điện ảnh chiếu rạp chỉ có khoảng 90 phút nên chúng tôi cũng không thể kể hết quãng đời 15 năm truân chuyên của nàng Kiều, mà cố gắng chắt lọc ra những khoảng đời, những mối quan hệ, những tình tiết hấp dẫn và phù hợp với ngôn ngữ hình ảnh.
Về việc lựa chọn Trình Mỹ Duyên vào vai Kiều, đây là gương mặt khá xa lạ với làng điện ảnh Việt. Vậy chị có đắn đo gì trong diễn xuất của Mỹ Duyên và có sợ rằng đây là gương mặt mới nên không nhận được sự ủng hộ của khán giả?
– Một trong những lý do quan trọng mà tôi muốn tìm gương mặt mới cho vai Thuý Kiều bởi yếu tố đó đóng vai trò quyết định đến sự đón nhận và thưởng thức bộ phim từ công chúng vì các diễn viên nổi tiếng rất dễ bị “đóng đinh” trong tiềm thức của khán giả về một hình ảnh nhân vật mà họ từng xây dựng thành công. Vì vậy, một diễn viên mới sẽ có lợi thế hơn, khi xem phim khán giả sẽ tin đó là Kiều, chứ không phải diễn viên đang đóng Kiều. Mặc dù chưa qua một trường lớp đào tạo diễn xuất nào nhưng ngay từ lần đầu tiên thử vai, Duyên đã gây ấn tượng tốt về khả năng biểu cảm và cảm xúc chân thật.
Chính vì Trình Mỹ Duyên là một diễn viên hoàn toàn mới trong khi Kiều là một vai diễn nặng ký nên ngay sau khi chọn xong, chúng tôi đã phải lên kế hoạch mời những chuyên gia giỏi để huấn luyện đào tạo cho Mỹ Duyên đủ các kỹ năng để hóa thân được vào nhân vật trong suốt ba tháng liên tục như: nghệ sĩ Mai Thanh Dung dạy về đài từ, diễn viên Kathy Uyên huấn luyện về diễn xuất, giảng viên Nhạc viện Mai Thanh Sơn trực tiếp hướng dẫn đánh đàn… Trong quá trình quay phim Mỹ Duyên nhập vai khá tốt và tôi cảm thấy hài lòng với những gì mà Duyên đã thể hiện trên phim.
Khi đảm nhiệm vai diễn đầy thử thách như thế, dàn diễn viên trong phim “Kiều” có bị áp lực không?
– Các nhân vật trong “Truyện Kiều” đều là những hình tượng tiêu biểu và để lại những ấn tượng rất sâu đậm đối với người đọc nên bất kỳ ai không chỉ những diễn viên trẻ mà ngay cả những nghệ sĩ gạo cội cũng gặp phải áp lực khi đảm nhận những vai diễn này. Nhưng cũng chính vì áp lực đó mà tất cả mọi người đều rất đầu tư cho vai diễn và điều tôi rất mừng là tất cả các diễn viên đều rất yêu các nhân vật của mình nên họ sẵn sàng xả thân và dành trọn tâm huyết cho bộ phim.
Dàn diễn viên cũng phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành vai diễn. Vậy còn Mai Thu Huyền, với vai trò đạo diễn những khó khăn mà chị gặp phải khi thực hiện dự án lần này là gì?
– Thực hiện một bộ phim cổ trang thì khó khăn nhất chính là bối cảnh và phục trang phải đầu tư dàn dựng, thiết kế mới nên chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với những bộ phim hiện đại. Chúng tôi đã phải đi chọn cảnh đến 5 lần tại hơn 20 tỉnh thành từ Bắc vào Nam rồi cuối cùng mới chọn được 6 tỉnh để quay gồm: Huế, Cao Bằng, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị và TP. Hồ Chí Minh. Trang phục cũng phải nghiên cứu, thiết kế, lựa chọn chất liệu, màu sắc và sửa đi sửa lại khá nhiều lần để phù hợp với tính cách, vóc dáng và hoàn cảnh của từng nhân vật.
Việc tuyển chọn diễn viên cũng là quá trình “đãi cát tìm vàng”. Chúng tôi đã tổ chức casting ở cả 3 miền: Bắc (Hà Nội), Trung (Huế), Nam (Hồ Chí Minh). Sau đó còn gặp gỡ riêng rất nhiều diễn viên thì mới chọn ra được dàn diễn viên ưng ý.
Bản thân chị kỳ vọng như thế nào vào dự án tâm huyết lần này của mình?
– Đến thời điểm này thì tôi khá hài lòng với những gì phim “Kiều” đã thực hiện được. Cả êkip hơn 100 con người đã dốc toàn bộ sức lực để tạo ra bộ phim với chất lượng tốt nhất trong khả năng của mình trong suốt gần 1 năm chuẩn bị, 2 tháng quay và 6 tháng hậu kỳ. Với một êkip hùng hậu và một dàn diễn viên tài năng chúng tôi tin đây sẽ là một bộ phim chất lượng. Hy vọng khi bộ phim công chiếu chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo khán giả.
Chị dự đoán về thành công của phim “Kiều” ra sao?
– Thành công của một bộ phim chiếu rạp không chỉ phụ thuộc vào chất lượng mà nó còn bị tác động bởi thời điểm công chiếu, có bị đụng với phim bom tấn không? Có bị các phim Việt khác cùng cạnh tranh không? Tôi tự tin nhưng còn phải chờ vào yếu tố may mắn nữa.
Điện ảnh Việt những năm gần đây đang vướng phải những trăn trở về những vấn đề kiểm duyệt. Là người trong cuộc, chị cảm thấy thế nào?
– Các phim mà tôi sản xuất từ trước đến giờ chưa khi nào gặp phải vấn đề khó khăn trong khâu kiểm duyệt cả nên tôi cũng thấy bình thường. Tôi nghĩ việc kiểm duyệt và phân loại phim theo độ tuổi là cần thiết. Chính điều đó cũng khiến cho các nhà làm phim phải ý thức hơn trong việc tạo ra một sản phẩm phù hợp với thuần phong mỹ tục và tránh động chạm đến những vấn đề cấm kỵ vì phim không chỉ là một sản phẩm giải trí, mà nó có còn có chức năng giáo dục, ảnh hưởng khá nhiều đến nhận thức, quan điểm thẩm mỹ của người xem. Tuy nhiên, với những bộ phim có vấn đề về kiểm duyệt thì tôi cũng mong sẽ có những cuộc đối thoại giữa Hội đồng duyệt và nhà sản xuất để êkip sáng tạo có cơ hội chia sẻ và bảo vệ quan điểm sáng tác của mình.
Ngoài dự án phim “Kiều”, chị có thể bật mí những dự định tiếp theo của mình cho khán giả cùng biết không?
– Song song với việc chuẩn bị cho sự phát hành phim “Kiều” vào tháng 3 thì năm 2021, Huyền và Tincom Media đang lên kế hoạch tiếp tục sản xuất 2 chương trình truyền hình phát sóng hàng tuần là “Phụ nữ Quyền năng” mùa 4 và “Đẹp không giới hạn” năm thứ 3. Tôi mong rằng trong tương lai, tất cả những dự án mà tôi đảm nhiệm sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực của khán giả. Đó là hạnh phúc, động lực lớn nhất mà những người làm nghề như tôi mong muốn có được.
Hoạt động nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều thời gian, bản thân lại là phái nữ. Vậy chị cân bằng giữa công việc và gia đình như thế nào?
– Ở mỗi thời điểm khác nhau thì mình phải lựa chọn cần ưu tiên cái gì hơn. Ví dụ trong thời gian 2 tháng vắng nhà để đi quay phim “Kiều” thì tôi đã phải tính toán trước việc sắp xếp gia đình như thế nào để không bị ảnh hưởng. Rồi khi hoàn thành phim xong thì tôi lại cố gắng dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Nói chung, nếu muốn chu toàn cả gia đình và sự nghiệp thì mình luôn phải cố gắng và tính toán khoa học, hợp lý và đôi khi phải nỗ lực 200% so với những người khác.
Cảm ơn chị Mai Thu Huyền với những chia sẻ trên!