Là nữ lãnh đạo trẻ nổi bật tại New Zealand, bà Ziena Jalil sử dụng kinh nghiệm phong phú để mang lại sự công bằng và cơ hội cho những người có nền văn hóa, năng lực và kinh nghiệm đa dạng. Bà là thành viên Hội đồng cố vấn quản trị tại Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), quỹ Asia New Zealand Foundation và cơ quan Toka Tū Ake EQC, đồng thời là Giám đốc nhân sự tại Học viện Kỹ năng và công nghệ New Zealand.
Nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8.3 và chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại New Zealand, bà Jalil đã chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên về tầm quan trọng của cuộc vận động bình đẳng giới dưới góc độ giáo dục, làm cách nào để đào tạo học sinh trở thành công dân toàn cầu cũng như những cơ hội giáo dục mà xứ sở kiwi dành riêng cho người Việt.
Vai trò cần thiết của phụ nữ trong ngành STEM
PV: Những năm qua, bình đẳng giới trở thành chủ đề thu hút dư luận không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác. Quan điểm của bà về điều này?
Các nước đang ở những giai đoạn khác nhau trên hành trình tiến tới bình đẳng giới. Trong đó, New Zealand là quốc gia đầu tiên trao quyền bầu cử cho phụ nữ, và chúng tôi từng có 3 nữ thủ tướng lãnh đạo đất nước. Nhân dịp 8.3, chúng tôi cũng tổ chức rất nhiều hoạt động tập trung vào sự lãnh đạo và trao quyền cho nữ giới. Nhưng điều này chưa đủ và chúng tôi vẫn còn các khía cạnh khác cần phải làm.
Nhắc đến bình đẳng giới, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) là lĩnh vực cần đặc biệt lưu tâm. Bởi, dù đây là nền tảng định hình nên thế giới hiện tại và tương lai, chúng ta lại đang chứng kiến số lượng đàn ông trong ngành nhiều hơn phụ nữ. Ở khía cạnh giáo dục, số lượng nam sinh theo học các môn STEM cũng áp đảo nữ sinh, gây nên tình trạng mất cân bằng. Và điều này dẫn đến nhiều vấn đề.
Như khi hãng xe Volvo nổi tiếng vì độ an toàn tiến hành lát thử nghiệm, họ phát hiện rằng phụ nữ có khả năng bị chấn thương nặng hơn so với nam giới trong các vụ tai nạn. Điều này xuất phát từ việc đội ngũ kỹ sư, nhà thiết kế chủ yếu là nam giới, thế nên hình nộm thử nghiệm và các tính năng an toàn trên ô tô đều được thiết kế dựa trên hình thể của đàn ông.
Hay bạn có thể thấy, nam giới dễ dàng đặt micro thu âm vào trang phục của họ như áo khoác, túi quần, nhưng điều này lại không thể với váy của nữ giới, dù đây là thiết bị chúng ta liên tục dùng trong công việc đưa tin hằng ngày. Những ví dụ trên cho thấy có những sản phẩm, dịch vụ không thực sự phù hợp với phụ nữ, nhất là ở các lĩnh vực thiếu sự đại diện của nữ giới.
Vậy, cần làm gì để thu hẹp khoảng cách STEM dưới góc độ giáo dục, thưa bà?
Điều cần làm là tạo điều kiện và chứng minh cho các cô gái thấy họ hoàn toàn có thể theo đuổi sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực STEM, thông qua các chương trình và học bổng dành riêng cho nữ giới. Từ đó, giải quyết sự vắng mặt của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo STEM. Hoạt động giáo dục STEM cũng nên được tổ chức sao cho phù hợp với cả hai giới, chứ không chỉ khu biệt đối tượng nam sinh.
Đặc biệt, nếu nữ sinh có cơ hội được chọn bất kỳ con đường nghề nghiệp nào mà các em yêu thích, không chỉ riêng em ấy và gia đình của em mà cả xã hội của chúng ta sẽ được lợi. Bởi, sự xuất hiện của phụ nữ trong lĩnh vực STEM sẽ giúp các dịch vụ, công nghệ mới được tạo ra sẽ dành cho tất cả chứ không chỉ phù hợp với một nửa dân số còn lại. Đây là một khác biệt lớn lao.
Không chờ du học mới thành công dân toàn cầu
Bên cạnh bình đẳng giới, công dân toàn cầu cũng là vấn đề được nhiều trường học quan tâm. Bà có lời khuyên gì dành cho thầy cô và học sinh?
Chắc chắn rằng việc học tập tại một quốc gia khác, dù dài hạn hay chỉ vài tuần, cũng là cách tốt nhất để có trải nghiệm về công dân toàn cầu. Nhưng nhờ internet và mạng xã hội, học sinh thời nay có cả thế giới trong tầm tay. Các em có thể theo dõi sự kiện hay hâm mộ thần tượng dù ở bất kỳ đâu, và hiện tượng Taylor Swift là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng kết nối xuyên biên giới.
Giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng và tính chất của trường học – như tư thục, quốc tế hay công lập – không hề ảnh hưởng đến khả năng phát triển công dân toàn cầu. Chẳng hạn, khi con tôi đi học ở một trường tiểu học địa phương, giáo viên đã tổ chức những buổi gặp trực tuyến với một lớp khác ở nước ngoài. Bọn trẻ từ những quốc gia khác nhau đã có cơ hội gặp mặt, làm quen để rồi trở thành bạn qua thư với nhau.
Nhìn chung, có rất nhiều cách để tạo dựng trải nghiệm giao lưu quốc tế và từ đó trở thành công dân toàn cầu. Điều này càng dễ dàng hơn nữa khi Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của một khu vực kinh tế, xã hội năng động. Có thể nói rằng, ngay khi được sinh ra, trẻ em ở đất nước của các bạn đã có thể sinh sống trong môi trường quốc tế.
Vậy theo bà, đâu là các tiêu chí để trở thành công dân toàn cầu?
Đầu tiên, cần làm rõ công dân toàn cầu là một kỹ năng cần trui rèn mới có thể đạt được. Kỹ năng này yêu cầu chúng ta phải nhìn thấy danh tính của bản thân vượt khỏi biên giới quốc gia, nhắm đến những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, mực nước dâng… và tìm cách giải quyết các vấn đề đó thông qua quá trình hợp tác với công dân từ các quốc gia khác.
Nói cách khác, công dân toàn cầu là những người hiểu biết và tôn trọng những nền văn hóa khác biệt, có khả năng kết bạn và làm việc với bất kỳ ai, đồng thời luôn nỗ lực thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn. Tại Việt Nam, đây sẽ là kỹ năng được đặc biệt trọng dụng vì ngày càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đến đất nước của các bạn để đầu tư, và họ sẽ cần nhân lực bản địa có thể làm việc cùng nhân sự của họ.
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc học tập trong nền giáo dục quốc tế có lẽ là một trong những cách dễ và nhanh nhất để trở thành công dân toàn cầu. Song, ngay cả khi không có cơ hội du học hay theo học các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, các bạn vẫn có thể chủ động rèn luyện kỹ năng này và trang bị nó để đáp ứng những công việc trong tương lai.
Giáo dục là nơi khởi đầu quan hệ giao lưu nhân dân giữa New Zealand và Việt Nam
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm chính thức New Zealand, bà bình luận gì về cơ hội hợp tác giáo dục giữa 2 quốc gia trong thời gian tới?
Theo tôi, giáo dục là nơi khởi đầu quan hệ giao lưu nhân dân giữa New Zealand và Việt Nam, đồng thời củng cố tất cả các khía cạnh khác trong quan hệ hai nước. Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam và hằng năm, New Zealand đều chào đón rất nhiều người Việt đến học kinh doanh, công nghệ thực phẩm, nhà hàng khách sạn và thậm chí là công nghệ – lĩnh vực mà Việt Nam đang đi tắt đón đầu.
Đặc biệt, chính phủ New Zealand và các trường ĐH thuộc top 3% thế giới của chúng tôi có những chương trình học bổng dành riêng cho người Việt, đơn cử như Học bổng chính phủ New Zealand bậc trung học (NZSS). Và ngoài tạo điều kiện cho người Việt tiếp cận nền giáo dục New Zealand, chúng tôi cũng hy vọng người trẻ New Zealand có cơ hội học hỏi văn hóa, lịch sử và những đức tính đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
Nữ lãnh đạo trẻ truyền cảm hứng
Lớn lên tại Fiji (một đảo quốc tại châu Đại Dương), bà Ziena Jalil theo học tại Trường trung học Natabua và là nữ sinh đại diện trường. Năm 16 tuổi, bà trở thành huấn luyện viên về phòng chống lạm dụng ma túy và chất kích thích, đại diện cho thanh thiếu niên Nam Thái Bình Dương tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Hà Lan vào năm 1999 và là diễn giả thanh thiếu niên duy nhất tại Hội nghị thanh thiếu niên đầu tiên của Fiji.
Bà Jalil đến New Zealand học tập và nhận bằng cử nhân xuất sắc ở ngành nghiên cứu truyền thông tại ĐH Công nghệ Auckland, sau đó là bằng thạc sĩ xuất sắc ngành quan hệ quốc tế và chính trị tại ĐH Auckland. Nữ lãnh đạo cũng được trao tặng một số giải thưởng quốc tế trong việc quảng bá thương mại, đầu tư và giáo dục của New Zealand tại châu Á, được Campaign Asia Pacific 2020 vinh danh là một trong 40 phụ nữ tiêu biểu cần theo dõi ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.