Ý tưởng giới hạn mức lương tối đa đã được thảo luận trong phiên họp hằng năm của giải Ngoại hạng Anh, vừa diễn ra trong tuần này. Nhưng dù không được tán thành, ý tưởng ấy vẫn sẽ được bảo lưu và có thể trở thành hiện thực trong tương lai. Theo đó, mọi CLB ở giải Ngoại hạng Anh đều chỉ được chi ra một quỹ lương tối đa hằng năm bằng 4 lần tiền thu từ bản quyền truyền hình của CLB xếp chót giải. Cụ thể: đội xếp chót bảng Ngoại hạng Anh trong mùa bóng vừa qua, Southampton, nhận được 102,5 triệu bảng từ tiền chia bản quyền truyền hình. Vậy không một CLB nào trong mùa bóng tới được chi lương nhiều hơn 410 triệu bảng.
Mục đích của quy định này là giảm thiểu khác biệt giàu – nghèo, từ đó làm tăng tính cạnh tranh của giải VĐQG nổi tiếng nhất thế giới. Vẫn như bao ý tưởng khác, có một sự phân hóa khen/chê, tán đồng/đả kích giữa các CLB Ngoại hạng Anh, nên chưa biết chắc khả năng trở thành hiện thực của ý tưởng khống chế mức lương. Điều dễ hiểu: Hội Cầu thủ nhà nghề Anh và các ngôi sao lĩnh lương cao ngất như Kevin De Bruyne hoặc Erling Haaland đều đả kích.
Chỗ bất tiện của quy định vừa nêu là không có một con số cụ thể nào mang tính lâu dài. Xét theo tiền thu truyền hình của Southampton mùa này, thì mùa tới quỹ lương các đội Ngoại hạng Anh không được vượt quá 410 triệu bảng. Nhưng tiền thu từ truyền hình của đội cuối bảng mùa tới lại khác, và sẽ có “quỹ lương trần” khác cho mùa kế tiếp. Mà lương cầu thủ thì đã ký sẵn trong hợp đồng với thời hạn nhiều năm, sao đổi được! Cho nên, điều đáng bàn ở đây chỉ là ý tưởng khống chế mức lương trần, mà giải Ngoại hạng Anh xưa nay chưa từng ban bố. Cụ thể thế nào, xem ra còn phải bàn tiếp.
Chỗ “được” của ý tưởng này là nếu nhanh chóng áp dụng, các đội mạnh ở giải Ngoại hạng Anh có thể đi trước thời sự, sẽ không rơi vào tình thế lúng túng nếu UEFA quy định khống chế mức lương cho toàn thể bóng đá châu Âu trong tương lai gần. Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin đã nhiều lần tuyên bố UEFA sẽ nhanh chóng triển khai ý tưởng này (mỗi CLB châu Âu chỉ được chi tối đa 70% thu nhập cho quỹ lương và chuyển nhượng). Ngược lại, các CLB Anh trước mắt có thể thất thế khi cạnh tranh với các CLB “nhà giàu” ở đấu trường châu lục. Giả sử Manchester City, M.U, Arsenal bị khống chế quỹ lương không hơn 410 triệu bảng như vừa nêu trong khi Real hiện đang chi lương 458 triệu bảng/năm, PSG chi 645 triệu bảng/năm, thì đấy hẳn nhiên là sự thiệt thòi cho các đại diện Anh ở Champions League.
Khống chế quỹ lương tối đa đồng nghĩa khống chế khả năng lôi kéo ngôi sao – đây cũng là chi tiết đang gây tranh cãi trong nội bộ giải Ngoại hạng Anh. Với các đội mạnh như Manchester City, nguồn thu của họ không chỉ đến từ bản quyền truyền hình trong nước, mà còn có phần rất lớn từ Champions League. Theo nguyên tắc công bằng tài chính thì họ phải có quyền chi lương nhiều hơn. Mà đang có tin: tiền chia từ Champions League trong tương lai có thể tăng vọt 30%, vì nhiều yếu tố khác nhau. Cào bằng nguồn thu của các đội Ngoại hạng Anh, bằng việc dựa vào bản quyền truyền hình của giải vô địch quốc gia, rồi cào bằng “quyền chi lương”, là không hợp lý.