Khu vực Đông Nam Bộ hiện có gần 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 46% trong tổng số doanh nghiệp logistics và đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa cả nước.
Tuy nhiên, tại “Diễn đàn liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”, do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 8/9, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng ngành logistics khu vực vẫn gặp phải vấn đề liên quan tới tính đồng bộ.
Đơn cử, ông Thành đang làm việc ở công ty cung cấp dịch vụ logistics, công ty có một cảng thuộc địa bàn TP.HCM, đối diện là cảng thuộc Đồng Nai và bên cạnh là cảng thuộc tỉnh Bình Dương.
Thế nhưng, chính sách phí giữa 3 cảng lại khác nhau. TP.HCM thu phí hạ tầng còn Đồng Nai, Bình Dương lại không thu. Như vậy, ngay trong câu chuyện chính sách đã có độ vênh, từ đó tác động tới thị trường ngành logistics.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho hay, các doanh nghiệp logistics đã đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, họ không thể kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập (Bộ Công Thương), ông Trần Thanh Hải lấy ví dụ về Lào và Campuchia, những quốc gia láng giềng này đang nỗ lực lớn trong đầu tư đẩy mạnh logistics.
Đơn cử, Lào là nước không có biển, vốn là vùng trũng về logistics. Tuy nhiên, sự thay đổi của Lào thấy rõ khi họ có tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc. Nó trở thành tuyến đường sắt trung tâm của Đông Nam Á, tương lai kết nối với Thái Lan, hướng ra phía biển, đưa Lào trở thành trung tâm logistics của khu vực.
Trong khi, Campuchia có lượng lớn hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh lớn tại cảng khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, nước bạn đang đẩy mạnh khai thác cảng Sihanoukville và các tuyến đường thuỷ khác để tự chủ trong logistics, vận chuyển hàng hoá.
“Việt Nam có mặt tiền biển Đông, nếu không tận dụng tốt được các yếu tố thì sẽ mất hết các lợi thế trong ngành logistics. Khu vực cảng biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng vậy”, ông Hải lưu ý.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thừa nhận, trình độ phát triển của các dịch vụ logistics tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng về vận tải biển và cả vận tải đa phương thức.
Đơn cử, hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế; thiếu các dịch vụ logistics… Đây là các điểm nghẽn tỉnh cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Trong tương lai, ngành dịch vụ vận tải, logistics tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tăng trưởng mạnh cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Khi hoàn thành, sân bay quốc tế Long Thành đi Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ khoảng 30km.
Theo vị chủ tịch tỉnh, địa phương định hướng phát triển khu vực dọc sông Cái Mép – Thị Vải đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – đường vành đai 4 thành vùng công nghiệp – dịch vụ – đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành.